Nhiều năm nay, cứ dịp hè về, một số thầy cô giáo trẻ dạy thể dục ở Hà Nội và tỉnh xa lại lên bể bơi ở Hà Nội dạy thêm, kiếm sống. Họ bỏ lại quê gia đình, tần tảo lên thủ đô thuê nhà trọ “sáng đến bể bơi, tối mịt về”. Mưa dông hay nắng gắt, họ dầm mình dưới bể bơi. Âu cũng vì… lương thấp.
Nắm xôi lúc đói lòng
10 giờ sáng. Bể bơi trên phố Phạm Ngũ Lão (Hà Nội) chói chang những cơn nắng gắt của trời hè oi ả. Giữa cái nóng như thiêu đốt, người ta thấy một phụ nữ trung niên bảo đám học sinh lít nhít đang quẫy đạp dưới bể bơi, tạm nghỉ, bước lên bờ. Mặc nguyên bộ đồ bơi ướt đẫm, cô ngồi xuống ghế, mở túi lấy nắm xôi ăn tạm.
– “Cô Giang dạy học sớm thế, cháu được mấy tháng rồi mà cô đã đi dạy bơi thế?”.
– “Cháu được bảy tháng bác ạ. Em gửi cháu ông bà trông giúp, tranh thủ nghỉ hè, dạy thêm học sinh thôi”…
Tiếp chuyện phóng viên, cô Giang – giáo viên dạy thể dục một trường cấp hai ở Hà Nội, kể lại câu chuyện gắn với tình yêu môn bơi và cả nghề “gõ đầu trẻ”. Từng là vận động viên bơi lội, tốt nghiệp đại học, cô Giang chọn dạy thể dục thể thao, dù môn đứng lớp không phải chuyên sâu được đào tạo (bơi lội) và đồng lương ít ỏi.
Thầy Duẩn dạy bơi cho học sinh. Ảnh: Trường Phong.
Cô Giang bảo, thu nhập ở trường khoảng 2,1 triệu đồng/tháng. Mỗi tiết dạy, giáo viên thể dục được hỗ trợ thêm 5.500 đồng mà anh em gọi vui là tiền đền bù cho “tàn phai nhan sắc”. Vì nắng, vì gió, vì những thời gian dạy học dưới mưa ngoài trời…
Như vậy, nếu dạy đủ 18 tiết một tuần, giáo viên được hỗ trợ thêm 100.000 đồng. Một tiết dạy, anh em dạy thể dục chúng tôi nhận tiền hỗ trợ chưa đủ mua cân gạo – nữ giáo viên quê gốc Quảng Bình tâm sự.
Cũng chính vì thu nhập không đủ “mua bỉm cho con”, mà đến hè, cô Giang phải “lê la” khắp bể bơi ở Hà Nội, dạy thêm kiếm chút ít. Chồng cô – một huấn luyện viên thể thao – cũng vậy, được nghỉ là tính “cửa” làm thêm, giúp gia đình.
“Vợ chồng tôi mới sinh cháu, nhưng cũng may có ông bà nội trông, nên mới có thời gian tranh thủ dịp hè đi làm thêm đấy chứ”.
Dù trời nắng như thiêu, cứ có học sinh là “cô Giang đen” xuống bể. Có ngày, ca học sớm từ năm giờ sáng, dạy thêm mấy ca nữa đến 10h30, trưa tranh thủ về với con rồi chiều lại mang quần áo bơi ra bể. Có hôm tối muộn mới về…
Rời quê hương lên đường kiếm sống
Tôi hỏi sao không gọi đồ ăn hay uống chai bia giống nhiều người đến đây bơi lội lúc nghỉ, thầy Duẩn cười, nói thật: Đồ ở đây đắt lắm, một cái xúc xích cũng gần 45.000 đồng; chai nước gần 20.000 đồng. Mình đi làm thêm, chắt bóp, ăn uống như thế thì chết…
|
Cũng vì “miếng cơm, manh áo” mà nhiều năm nay, “khi con tu hú gọi hè” là thầy Duẩn – giáo viên dạy thể dục tại một trường cấp ba ở Nam Định, rời quên hương, “cưỡi” chiếc xe máy cà tàng lên thủ đô làm thêm kiếm sống. Từng là vận động viên trẻ quốc gia môn bơi lội, tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao (Bắc Ninh), thấy Duẩn được nhận về dạy ở trường huyện.
Mới lấy vợ (cũng là vận động viên thể thao nhưng đang học thêm ngành khác), mức thu nhập hơn hai triệu đồng/tháng của thầy giáo trẻ không đủ chi tiêu cho gia đình mới tách. Vậy là, dắt chiếc xe Dream cũ kỹ ra sân, thầy Duẩn “lai kinh” tìm việc dạy bơi tăng thêm thu nhập.
“Học sinh thi tốt nghiệp THPT xong, đầu tháng sáu, mình xuống Hà Nội, dạy bơi đến khoảng 24 – 8 thì phải về Nam Định, tiếp tục dạy học” – người thầy có nước da “cột nhà cháy” nói.
Xa quê, thầy Duẩn thuê nhà, tự nấu ăn, hạn chế tối đa nhu cầu tiêu sắm, để “có chút ít” gửi về cho vợ. Trừ tiền thuê nhà khoảng hai triệu đồng/tháng (kể cả điện nước); mỗi lần vào bể bơi phải mua vé gần 100.000 đồng, “nếu cố gắng tối đa, chịu khó, chịu khổ, hai tháng hè, mình cũng kiếm được số tiền bằng lương giáo viên cả năm học” – Thầy Duẩn chia sẻ.
Nhưng, để có được những đồng tiên kiếm thêm chốn phồn hoa đô thị, biết bao mồ hôi vất vả đã đổ xuống… bể bơi đầy nước. “Sáng nay, mình dạy ở bể này (Phạm Ngũ Lão), đầu giờ chiều qua bể ở Trường Chinh; cuối ngày lại vòng về đây dạy thêm lớp nữa. Đợt cao điểm, có ngày, mình nhận gần chục lớp, nên có khi chỉ kịp ăn cái bánh mỳ, rồi “chạy lăng xăng” các bể bơi trên địa bàn Hà Nội”.
Thầy Duẩn chia sẻ, có hôm dạy từ 5 giờ sáng (hoặc lớp tối) cho chị em đi làm (sợ nắng đen da và đến giờ phải đến công sở). Nhưng cũng có người bận, tranh thủ lúc nghỉ trưa ra bể bơi học trong chốc lát. Nắng gay gắt, nóng như thiêu, thầy – trò vẫn xuống bể. “Nhiều hôm, 10 giờ đêm mới được nghỉ, lúc đó mới thấy chân tay run run và chợt nhớ ra… chưa được ăn gì”.
Cùng cảnh làm thêm như thầy Duẩn, cô Giang còn có nhiều thầy cô khác, đang phải bán mặt cho… nước, bán lưng cho trời, tranh thủ làm thêm mỗi khi mùa hè đến. Như, thầy Nghiệp – quê Nam Định, giảng viên một trường cao đẳng ở Hà Nội, thầy Minh – cựu vận động viên bơi lội mới từ TP Hồ Chí Minh ra Bắc…
Trời bỗng nổi dông. Mây đen kéo đến. Mưa như trút nước. Thế nhưng, một số học sinh nam lớn không chịu lên bờ. Chưa hết giờ, thầy Duẩn dầm mưa dạy bơi cho họ. Nhìn bàn tay nhăn nheo vì ngâm mình lâu trong nước, chợt thấy cảm thông với người thầy xa quê vất vả. Đáng ra, giờ này thầy được nghỉ hè bên gia đình, như bao đồng nghiệp khác.
Vẫn biết, lao động là vinh quang, nhưng sao nhìn họ đang dầm mình dưới cái nắng gắt, hay cơn mưa dông, nghe những câu chuyện cụ thể của họ, tôi không khỏi suy nghĩ miên man; cứ thấy “lâng lâng”, “làm sao ấy”.
Gặp chúng tôi ở một bể bơi, một phụ huynh cho con học bơi cho biết: Sau khi quan sát nhiều ngày, tôi mời thầy Duẩn dạy bơi cho bốn con, cháu của anh chị em trong nhà. Học phí là 1,5 triệu đồng/cháu cho đến khi biết bơi tốt mới thôi (thầy phải trả tiền bơi tại bể). Thầy dạy rất nhẹ nhàng, chu đáo, mấy cháu nhà tôi giờ đã bơi rất tốt. Học sinh của thầy từ cháu bé bốn tuổi, đến cụ già ngoài 60 tuổi, cũng học bơi để rèn luyện sức khỏe.
|
Thu Trang – Trường Phong
Tiền Phong
Bình luận (0)