Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Mồ hôi trộm” ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"Mồ hôi trộm" là tình trạng trẻ ra mồ hôi nhiều nơi trên cơ thể như tay, lưng, bụng… trong môi trường không nóng và cũng không lạnh. Dưới đây là phân tích về "mồ hôi trộm" của Thạc sĩ – bác sĩ Lê Hoàng Sơn, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Trong Đông y, quan niệm về cơ thể trẻ em là “thuần dương, vô âm”, hàm ý: dương khí quá nhiều so với âm chất. Vì vậy, trẻ em rất hiếu động, phát triển rất nhanh, thích quạt mát, nước lạnh, nước đá và ra nhiều mồ hôi. Đó là hiện tượng bình thường.

“Trĩ dương, trĩ âm” (trĩ = non nớt, chưa hoàn chỉnh): Cả dương lẫn âm đều non nớt, dễ bị tổn thương. Vì vậy, trẻ hay nóng bứt rứt, dễ nóng sốt, dễ co giật mà cũng dễ mất nước, dễ suy dinh dưỡng. Gốc của âm là thận, thận âm còn non nớt, khả năng thải độc qua nước tiểu của trẻ chưa hoàn chỉnh. Do đó, tạo hóa chuẩn bị sẵn tuyến mồ hôi để giúp thận thải độc.

“Tỳ thường bất túc, Can thường hữu dư”: “Tỳ”: hàm ý chức năng tiêu hóa và dinh dưỡng, ở trẻ em thường bị khiếm khuyết; “Can”: hàm ý chức năng hệ thần kinh, ở trẻ thường hiếu động, dễ kinh giật…Tuyến mồ hôi do hệ thần kinh điều khiển, vì chưa hoàn chỉnh nên ra "mồ hôi trộm". Tạo hóa tương kế tựu kế, lợi dụng sự chưa hoàn chỉnh của hệ thần kinh để giúp thải độc phụ cho thận. Đó là bình thường.

Do đó, đối với trẻ em, nếu "mồ hôi trộm" nhiều thì phụ huynh cần xem lại chế độ dinh dưỡng có tương xứng với hoạt động của trẻ hay không. Cần cung cấp nhiều âm chất, tức là các thức ăn nhiều dưỡng chất và nước uống, tránh các chất kích thích không tốt cho trẻ như Coca, Pepsi (chứa cocain và caffeine), trà (chứa caffeine, nhưng vì trà có chứa Theophyllin có tác dụng lợi tiểu nên trà không có hại đối với trẻ ngoài việc làm cho trẻ mất ngủ do caffeine)

Kiểm tra quần áo của trẻ, môi trường sinh hoạt,… có thoáng mát hay không, tránh để trẻ bị nóng quá, nhưng cũng tránh để trẻ bị lạnh quá mức.

Khi loại trừ hai nguyên nhân trên, phụ huynh mới tìm hiểu liệu bé có bệnh gì khác.

Đông y luôn quan tâm đến việc “bổ âm”, “bổ thận” và “kiện tỳ vị” (“kiện”: làm cho mạnh mẽ) cho trẻ em, từ thức ăn khi bình thường cho đến thuốc khi có bệnh.

Thức ăn bổ âm thường là loại có màu đen (để bổ thận) và có vị ngọt (để trợ giúp tỳ vị). Các loại đậu rất tốt cho trẻ em (nhất là đậu đen, nấu chè càng tốt), mè đen (các loại bánh kẹo, như kẹo thèo lèo, bánh tráng mè đen,…), gà ác (còn gọi là gà ri, có thịt màu đen)…

Điều cần nhấn mạnh, trẻ có "mồ hôi trộm" là việc rất bình thường, không nên quá lo lắng. 100% trẻ em đều đổ mồ hôi trộm. Có rất nhiều trẻ em, không cần điều trị nhưng vẫn khỏe mạnh. Số trẻ ra "mồ hôi trộm" do bệnh chiếm tỉ lệ rất ít.

Vì vậy, tốt nhất khi thấy trẻ có "mồ hôi trộm" nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi và Dinh dưỡng để được kiểm tra sức khỏe tổng quát và theo lời tư vấn của các thầy thuốc có nên dùng thuốc hay không? Đặc biệt lưu ý, hiện nay có rất nhiều thầy thuốc Đông Y cổ truyền chưa hiểu biết đầy đủ về lĩnh vực "mồ hôi trộm" nên thường khuyên cha mẹ dùng thuốc điều trị. Đây là điều phụ huynh không nên làm theo.

Nguyên An (ghi)

Theo Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)