Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mò kim đáy bể tìm… vốn ưu đãi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với mức lãi suất cho vay cao ngất ngưởng như hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như quá sức chịu đựng. Để có tiền kinh doanh họ phải “săn” các nguồn vốn cho vay ưu đãi. Thế nhưng, càng ưu đãi thì lại càng khó tìm, khó nhận.

Kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều hợp đồng bị hủy do thiếu vốn, vậy nên thời gian gần đây vị giám đốc của Công ty An Thành Phát vẫn thường phải chạy đôn chạy đáo huy động các khoản tiền để trang trải cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Theo một điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ 1/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng
Hết tìm tới người thân, bạn bè, anh còn tìm đến với các tờ rơi chào mời vay vốn hấp dẫn (nào là không tín chấp, an toàn, dễ dàng…) được phát ở các ngã tư đường nơi đặt đèn tín hiệu giao thông. Nhưng hỏi đến thì chỗ nào cũng lãi suất trên trời, cao gấp rưỡi, gấp đôi lãi suất ngân hàng. Khi được hỏi tại sao không tìm đến với các gói dịch vụ vay vốn ưu đãi của các ngân hàng với lãi suất thấp, vị giám đốc này than: “Khó hơn mò kim đáy bể!”
Muốn ưu đãi… phải “bôi trơn”?
Không chỉ có vị giám đốc của An Thành Phát mà cả ông Trần Khải Thành, Giám đốc Công ty TNHH Tân Kim Thành (TP.HCM) cũng phải thốt lên cụm từ “mò kim đáy bể” khi nói về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vay vốn ưu đãi của các ngân hàng. Ông cho biết hiện doanh nghiệp của mình đang vay vốn tại Ngân hàng Á Châu. Đây là ngân hàng thương mại cổ phần nên việc vay vốn cũng không quá khó.
Tuy nhiên, do lãi suất hiện quá cao nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Khi lãi suất bên ngoài tăng, bản thân các ngân hàng cũng tự động nâng lãi suất cho vay lên mà không cần hỏi ý kiến người vay, đôi khi khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Ông Thành cho biết, thủ tục và điều kiện vay vốn ở ngân hàng thương mại cổ phần tuy dễ thở hơn nhưng lại bị phía ngân hàng định giá tài sản thấp hơn. Ví dụ, thế chấp căn nhà trị giá 1 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ định giá 700 triệu đồng, và số tiền được vay chỉ khoảng 50-60% số đó. Do vậy, số tiền huy động từ ngân hàng không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đang giảm đáng kể do vừa bị chiếm dụng vốn trong các hợp đồng thanh toán chậm, vừa phải chịu lãi suất vay vốn cao. Các doanh nghiệp chỉ còn cách đi “săn” những nguồn vốn vay ưu đãi với hi vọng giảm bớt được phần nào chi phí về lãi vay. Thế nhưng, để có thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi, ông Thành cho biết các doanh nghiệp phải chi khoản phí “bôi trơn”.
 
Hai doanh nghiệp kể trên chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng.
Theo một điều tra mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng thủ tục mà các ngân hàng đặt ra là “quá sức” đối với họ. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5-10% số doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh do một số ngân hàng tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thực tế họ phải trả có khi lên tới 27%/năm.
Ngay cả nhiều doanh nghiệp nhắm mắt chấp nhận mức lãi suất cao cũng không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này và buộc phải thu hẹp sản xuất như phản ánh của Hiệp hội Điều Việt Nam. Còn với nguồn vốn ưu đãi thì họ cũng không dám mơ tới vì các điều kiện đặt ra về tín dụng, sử dụng các dịch vụ đi kèm hay các cam kết huy động lại vốn từ doanh nghiệp khi có tiền nhàn rỗi… vẫn còn là những rào cản khó gỡ.
Thay đổi cung cách cho vay 
Mang thắc mắc của các doanh nghiệp gửi đến đại diện các ngân hàng, đa phần đều khẳng định có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức vay ưu đãi. Trả lời báo chí, đại diện Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết, theo kế hoạch, năm 2011 Maritime Bank chấp nhận cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận kinh doanh hòa vốn để có thể kéo lãi suất cho vay hạ xuống. Mức giảm mà Maritime Bank áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là 1% so với mặt bằng lãi suất thông thường.
Xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng khách hàng mục tiêu từ những năm trước, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Để có được nguồn vốn ưu đãi, Sacombank cũng đã tận dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế để hỗ trợ cho vay trung, dài hạn đối với các doanh nghiệp này.
Cuối tháng 3 vừa qua, Sacombank đã ký với định chế tài chính hỗ trợ phát triển của Hà Lan FMO hợp đồng vay vốn cấp 2 trị giá 150 triệu USD trong thời hạn 10 năm. Lãnh đạo của Sacombank khẳng định khoản vay này sẽ giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, đồng thời tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo kế hoạch, nguồn vốn này sẽ được giải ngân thành hai đợt (đợt 1 là 95 triệu USD vào quý II/2011 và đợt 2 là 55 triệu USD vào cuối năm 2011).
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ đầu năm 2011,  Ngân hàng Nhà nước luôn tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu cũng như cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng giảm đối với khu vực phi sản xuất. Bà Hạnh khẳng định: “Ngân hàng luôn bảo đảm vốn”. Còn các ngân hàng cũng cam kết đưa ra những dịch vụ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính sách là vậy, nhưng làm cách nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này vẫn là điều không phải dễ đối với đa số các doanh nghiệp.
Theo các theo các chuyên gia tài chính, cần có sự linh hoạt từ cả hai bên. Về phía các doanh nghiệp, cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực, chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Đặc biệt là cần phải minh bạch vấn đề tài chính. Có như thế thì việc giải quyết vốn vay mới thực sự hiệu quả, thay vì cứ mãi lặp lại kịch bản cung – cầu không gặp nhau.
Còn đối với các ngân hàng, nói như ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thì ngân hàng cũng cần có sự thay đổi, bằng cách nên mở rộng hạn mức cho vay tín chấp khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, có uy tín trong việc trả nợ.
Bản thân ngân hàng cũng cần nỗ lực đưa ra các sản phẩm mới phù hợp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là xem xét cho doanh nghiệp vay dựa trên cơ sở dòng tiền, phương án sản xuất kinh doanh của họ, chứ không nên cứng nhắc dựa trên tài sản thế chấp, quy mô vốn của doanh nghiệp.
Theo Bích Ngọc
Doanh nhân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)