Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mở lòng với trung cấp

Tạp Chí Giáo Dục

HS ngành điều dưỡng Trường TC Kỹ thuật & Nghiệp vụ Nam Sài Gòn trong giờ thực hành

Tâm lý xem thường giáo dục nghề nghiệp vẫn còn phổ biến, học sinh (HS)… miễn cưỡng học trường nghề, chuyên nghiệp chứ chưa thực sự thấy đây là cơ hội vào đời của chính các em.
Những yếu kém, cơ hội và khó khăn, thách thức trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) một lần nữa lại được đem ra mổ xẻ tại hội thảo khoa học “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục TCCN TP.HCM” do Trường TC Kỹ thuật & Nghiệp vụ Nam Sài Gòn tổ chức ngày 27-8.
“Cùng sào” mới vào… trung cấp
Lựa chọn hàng đầu của HS luôn là ĐH. Và một khi không có cơ hội theo học ĐH hoặc CĐ thì TCCN, TC nghề mới được các em “để mắt” tới, tuy nhiên cũng rất… miễn cưỡng. Sâu xa của vấn đề này, theo TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) là do nhận thức về giáo dục nghề nghiệp còn bị giới hạn từ các cấp quản lý đến các tầng lớp xã hội. Tâm lý xem thường giáo dục nghề nghiệp còn phổ biến, HS chưa thấy tự hào khi học trường nghề, trường chuyên nghiệp mà chỉ chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác.
Ở khía cạnh đào tạo, mặc dù đã có sự phát triển về quy mô lẫn chất lượng, tuy nhiên hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Phạm Ngọc Thanh dẫn chứng, quy mô cơ sở đào tạo tăng nhưng các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng; thiết bị thực hành thiếu, lạc hậu; thiếu gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo, chưa thu hút được các nguồn đầu tư có tính chiến lược, lâu dài; cơ sở đào tạo của các đơn vị tư thục chủ yếu thuê mướn, chắp vá nên chưa hút được người học.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý giáo dục nghề nghiệp còn phân tán dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Đặc biệt, đào tạo nhiều nhưng không trường nào khẳng định được thế mạnh riêng. Thậm chí có những đơn vị bị trùng lặp nhiều mã ngành đào tạo. Ở nhiều trường, còn một tỷ lệ khá lớn giáo viên chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên thỉnh giảng còn “chạy sô” và dạy ép thời gian. Đã thế, sự tham gia đào tạo hệ TCCN của một số trường ĐH, CĐ gây khó cho công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời gây bất an cho HS khi chọn trường.
“Nền giáo dục chuyên nghiệp nước ta tuy đã qua 25 năm đổi mới nhưng vẫn chưa thoát khỏi một nền giáo dục nặng về thi cử, khoa bảng với phương pháp giảng dạy ổn định, đơn điệu; mục tiêu chủ yếu là ghi nhớ, sao chép lại tri thức” – GS.TSKH Vũ Ngọc Hải (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đánh giá khái quát.
“Thay áo mới” cho giáo dục chuyên nghiệp
Vấn đề đổi mới giáo dục nghề nghiệp đã được chú trọng thời gian qua. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, điều này càng cần được thực hiện quyết liệt. TS. Huỳnh Công Minh nhấn mạnh, 3 vấn đề cần đổi mới là tư duy, đầu tư và tổ chức quản lý.
“Trước hết, chúng ta phải nhận thức được giáo dục chuyên nghiệp là hệ thống giáo dục có tính phổ cập, là phương thức đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao dân trí gắn với đời sống thực tế. Từ đó quyết định chính sách đầu tư, biên soạn nội dung chương trình, đào tạo sư phạm và thiết lập hệ thống giá trị xã hội” – TS. Huỳnh Công Minh nêu.
Tại TP.HCM, những năm qua, công tác phân luồng hướng nghiệp bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, số lượng HS tốt nghiệp THCS vào TCCN ngày càng tăng (từ hơn 10% năm 2008 đến gần 14% năm 2011 và hiện nay là 15%). Dù vậy, việc phân luồng, hướng nghiệp cho HS cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Ông Phạm Ngọc Thanh khuyến khích việc học TC đúng ngành nghề thay cho học ĐH trái ngành. Thực tế, nhiều em tốt nghiệp ĐH bằng một ngành nghề không phù hợp sở thích, sở trường đã không đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, theo ông Thanh, Nhà nước cần tập trung mũi nhọn cho các trường công lập trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi về đất, thủ tục và thuế cho các trường TCCN tư thục phát triển. Có cơ chế xây dựng nguồn vốn hợp tác giữa Nhà nước và các trường chuyên nghiệp nước ngoài mà vốn đối ứng của Nhà nước chủ yếu là nguồn đất. Đây là giải pháp then chốt để giải quyết những bất cập trong thu hút nguồn đầu tư phát triển cơ sở đào tạo hiện nay.
ThS. Trần Ngọc Trình (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật & Nghiệp vụ Nam Sài Gòn) đề xuất hướng trả lương và thu học phí theo các mức chất lượng đào tạo. ThS. Trần Ngọc Trình cho rằng, chất lượng hiện là thách thức lớn đối với bộ chủ quản và cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Các giải pháp tháo gỡ đều nhằm vào khâu đào tạo, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và cải tiến công tác quản lý. Tuy nhiên, việc trả lương và thu học phí bình quân có lẽ chưa khuyến khích được người dạy và người học mạnh dạn đầu tư cho mục tiêu chất lượng. Thêm vào đó, việc đóng học phí cao mà mức thu nhập sau tốt nghiệp quá thấp sẽ khó thu hút người học.
Gắn doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề giáo viên… cũng được nhiều đại biểu đặt vấn đề khi đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Hầu hết ý kiến đều trông mong việc đổi mới sẽ được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Bởi theo TS. Huỳnh Công Minh, “Nếu thiếu quyết tâm và dấn thân thì việc đổi mới chỉ là khẩu hiệu hình thức, khó thành hiện thực”.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Thanh niên rất ngại học nghề
TS. Hoàng Ngọc Vinh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) cho rằng, giáo dục chuyên nghiệp hiện đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, thách thức rất lớn nằm ở tư duy nhận thức của người học. Thực tế, thanh niên rất ngại học nghề. Chúng ta phát triển giáo dục chuyên nghiệp trong bối cảnh nguồn lực hết sức hạn chế, đầu tư cho giáo dục chuyên nghiệp nói chung còn dè dặt. Các cơ quan quản lý Nhà nước còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; chưa coi trọng quản lý Nhà nước và kiểm soát chất lượng dẫn đến chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)