Cô Huỳnh Thị Mỹ Phượng với các em HS lớp chủ nhiệm
|
Đến ngày thi, học sinh (HS) nhớ nhầm ngày hoặc ngủ quên nên đến trường trễ là chuyện vẫn thường gặp nhưng việc cô giáo đến tận nhà đánh thức HS dậy và sau đó chở đi thi lại là “sự kiện” đặc biệt hiếm có. Vậy mà cô Huỳnh Thị Mỹ Phượng – giáo viên (GV) Trường Tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã từng là “vai chính” trong câu chuyện có một không hai đó.
Theo lời kể của một GV trong trường, năm đó khi nhận lớp chủ nhiệm, cô Mỹ Phượng đã bị “choáng” rồi. Do trộn lớp một cách ngẫu nhiên nên 4 HS cá biệt nổi danh ở khối 4 không hiểu sao lại đều lọt vào danh sách lớp chủ nhiệm của cô.
“Trúng số” chủ nhiệm
Mặc dù đã có kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp cuối cấp nhưng cô Mỹ Phượng vẫn cứ lo lắng. Xin đổi lớp chắc chắn không được mà cho 4 “đại ca” chuyển sang các lớp khác thì cũng không xong. Chẳng có cách nào hơn cô đành chấp nhận thực tế đó. “Cô Mỹ Phượng năm nay trúng số rồi!”. Câu nói bông đùa của một đồng nghiệp vừa là thách thức vừa là lời động viên giúp cô vượt qua rào cản ban đầu. Tìm hiểu hoàn cảnh các em qua sơ yếu lý lịch và những cuộc trò chuyện, cô mới hiểu hết hoàn cảnh gia đình của từng em một. Tất cả đều có mẫu số chung là gia đình quá nghèo, kinh tế khó khăn, cha mẹ vất vả mưu sinh trong cuộc sống nên không có khả năng chăm sóc và giáo dục con em mình. Mặc dù học lực các em đều yếu, khả năng tiếp thu bài chậm nhưng cô giáo lại thấy thương nhiều hơn giận vì các em chịu không ít thiệt thòi.
Cô Mỹ Phượng tâm sự: “Thời điểm này nhà trường chỉ có vài lớp học bán trú ưu tiên cho các khối 1, 2, 3 nên việc quản lý các em thật sự khó khăn. Cũng may là nhà trường đã ưu tiên cho 4 em này được ở lại trường theo đề nghị của GV chủ nhiệm”. Do được nhà trường nuôi cơm miễn phí hàng ngày nên phụ huynh thật sự cảm kích vì phần nào bớt đi gánh nặng cơm áo trong gia đình. Cô Mỹ Phượng cũng đã không nhớ mình cho bao nhiêu cây bút, cuốn tập hay sách giáo khoa cũ để các em có cơ hội học tập như bạn bè. Cũng vì sự ưu ái đó mà gánh nặng lại dồn vào vai cô chủ nhiệm khi phải ở lại trường canh 4 “đại ca” hết ăn cơm rồi đến ngủ trưa và cả học bài buổi chiều. Nhiều HS các lớp khác dù đã ra trường nhưng vẫn còn nhớ hình ảnh cô giáo gầy gò ngồi tranh thủ chấm bài bên cạnh 4 học trò đang yên giấc nồng vào những buổi trưa lộng gió. May mắn hơn là hồi đó do nhà gần trường nên cô cũng có điều kiện chạy qua chạy lại để quan tâm các em hơn. Thế nhưng bản tính ham chơi của học trò đã nhiều lần làm cho cô lo lắng. Đó là một đôi lần tranh thủ các em ngủ say cô chạy về nhà ăn vội chén cơm nhưng lúc quay lại chỉ còn chiếc giường trống. Thế là cô vội vàng đi tìm khắp trường, có hôm cô phải đến tận nhà từng em báo cho cha mẹ hoặc gặp được các em mới an tâm trở lại trường. Buồn, giận, lo nhưng cũng mừng vì không có em nào bỏ nhà ra đường đi chơi rông cả.
Dạy để được yêu thương
Có lúc nỗi buồn thoáng qua vì còn một vài em chậm tiến, hư hỏng nhưng cô lại thông cảm và mở lòng chia sẻ với từng số phận có hoàn cảnh mồ côi, cha mẹ ly hôn, cuộc sống quá chông chênh.
|
Trở lại câu chuyện ban đầu, cô Mỹ Phượng nhớ lại: “Năm đó các em HS lớp 5 còn phải thi tốt nghiệp tiểu học nên thầy cô nào cũng lo cho kỳ thi cuối cấp. Đối với tôi càng lo lắng hơn vì các năm trước tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp rất cao”. Từ suy nghĩ đó mà cô đã dành rất nhiều thời gian để kèm cặp những HS yếu trong đó có 4 “đại ca”. Công sức mà cô bỏ ra không thể tính từng giờ, từng ngày. Vậy mà có em đã phụ lòng cô giáo. Cô Mỹ Phượng còn nhớ đó là em HS tên Phương. “Lúc điểm danh vào phòng thi tôi thật sự bất ngờ và lo lắng vì không thấy Phương đâu cả. Cũng may là còn 30 phút mới đến giờ làm bài nên tôi quyết định đạp xe đến nhà em với chút hy vọng cuối cùng”. Lúc bấy giờ không có điện thoại để liên lạc nên quyết định của cô thật đúng đắn. Đúng như dự đoán ban đầu, khi vào đến căn nhà tạm bợ trống huơ trống hoác bên dòng kênh đen trên đường Phan Văn Hân (P.17, Q.Bình Thạnh), cô thấy Phương đang ngủ say trong chiếc mùng có nhiều mảnh vá. Nghe tiếng người gọi, cu cậu giật mình và chỉ kịp nói lên một tiếng theo phản xạ tự nhiên: “Ồ con quên, hôm nay đi thi”. Vậy là cô nhanh chóng chở ngay cậu học trò còn đang ngái ngủ đến trường.
18 năm gắn bó với ngôi trường mang tên dòng sông Mẹ, biết bao vui buồn lắng đọng trong từng ký ức của cô giáo Mỹ Phượng. Tuy phải vất vả dạy đủ hết các môn trong một buổi nhưng chính đây là cơ hội để GV “ba cùng” với HS, nhất là thời gian sau này các em đều học bán trú. Nhìn những nét mặt hồn nhiên và cách nói chuyện dễ thương của HS, cô thấy vơi đi bao nỗi nhọc nhằn sau từng giờ giảng. Tình cảm trong sáng của các em như một trang giấy trắng đang mở ra thanh bạch và đẹp đẽ vô cùng. Có lần cô Mỹ Phượng thật sự cảm kích tấm lòng cưu mang bạn bè khi các em ủng hộ rất nhiều quần áo, sách vở khi biết tin nhà bạn tên Hiền trong lớp gặp hỏa hoạn. Cũng có lúc nỗi buồn thoáng qua vì còn một vài em chậm tiến, hư hỏng nhưng cô lại thông cảm và mở lòng chia sẻ với từng số phận có hoàn cảnh mồ côi, cha mẹ ly hôn, cuộc sống quá chông chênh. Bởi gắn bó sâu nặng với công việc, chăm chút với học trò mà cô đã quên đi hạnh phúc riêng của mình khi tuổi xuân lặng lẽ trôi qua theo năm tháng. Là chị cả trong nhà nên nhiều năm nay cô vẫn là trụ cột trong gia đình chăm sóc bảo ban các em các cháu lớn khôn và thành đạt. Niềm vui của cô là được thủ thỉ trò chuyện và quạt nồng ấp lạnh người mẹ già trong những ngày nắng gắt hay từng đêm gió mưa khuya khoắt…
Bài, ảnh: Hương Thủy
Dù đã từng đoạt giải Võ Trường Toản, giải Chu Văn An, danh hiệu GV giỏi cấp TP nhưng cô Huỳnh Thị Mỹ Phượng vẫn tự nhận mình không nổi trội hơn nhiều đồng nghiệp khác – vì theo cô – về chuyên môn nghiệp vụ đứng lớp thì đội ngũ GV tiểu học bây giờ đã được nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy và mặt bằng chất lượng giảng dạy nhìn chung các trường đã thật sự đồng đều. |
Bình luận (0)