Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mở ngành mới đại học: Qui chuẩn… trên trời!

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vừa có dự thảo Thông tư Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học (gọi tắt là dự thảo) thay cho Thông tư 08 trước đây. Nhìn một cách tổng thể, dự thảo thông tư mới có nhiều điều kiện siết chặt hơn so với Thông tư 08. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuẩn không thực tế nên nhiều chuyên gia cho rằng đó là những yêu cầu… trên trời.   
Nhiều chuẩn mới

So với Thông tư 08 thì dự thảo lần này của Bộ GD-ĐT quy định nhiều điểm mới, chia ra từng nhóm ngành đào tạo cụ thể hơn. 
Về đội ngũ giảng viên cơ hữu, dự thảo quy định phải có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để tổ chức đào tạo trình độ đại học (ĐH) ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành của các ngành đang đào tạo khác. Cụ thể, có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu đúng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo có trình độ thạc sĩ (Th.S) trở lên; trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ (TS) và 4 Th.S, hoặc 2 TS và 2 Th.S đúng ngành đăng ký đào tạo. Đối với những ngành thuộc nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Nông lâm nghiệp và thủy sản… phải có ít nhất 6 giảng viên cơ hữu đúng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo có trình độ Th.S trở lên; trong đó có ít nhất 1 TS và 3 Th.S, hoặc 2 TS và 1 Th.S đúng ngành đăng ký đào tạo. Trong khi đó, Thông tư 08 chỉ quy định chung chung (có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ TS và 3 giảng viên có trình độ Th.S đúng ngành đăng ký).

Những quy định mở ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe quá cao. Ảnh chụp tại Khoa Dược Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe phải có ít nhất 30 giảng viên cơ hữu có trình độ Th.S trở lên, thuộc các chuyên ngành khác nhau được phân bổ ở các môn học/học phần cơ sở ngành và chuyên ngành. Trong đó, có ít nhất 5 TS thuộc các chuyên ngành khác nhau. Ngành Dược học phải có ít nhất 20 giảng viên cơ hữu có trình độ Th.S trở lên được phân bổ ở các môn học/học phần cơ sở ngành và chuyên ngành, trong đó có ít nhất 3 TS Dược học thuộc 3 chuyên ngành khác nhau trong số các chuyên ngành Hóa dược, Dược lý và Dược lâm sàng, Hóa sinh dược, Kiểm nghiệm thuốc và độc chất, Dược học cổ truyền, Bào chế và Công nghệ dược, Tổ chức và quản lý dược.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu phải đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% tổng khối lượng kiến thức; các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành của chương trình đào tạo phải do giảng viên có bằng cấp phù hợp với nội dung học phần đảm nhiệm; 30% khối lượng giảng dạy còn lại do giảng viên thỉnh giảng đã được ký kết hợp đồng giảng dạy…
Nhiều chuẩn… trên trời   
Nhiều trường cho rằng, dự thảo lần này có điểm sáng là Bộ GD-ĐT đưa ra quy định rõ ràng, cụ thể từng chuẩn ứng với từng nhóm ngành đào tạo, cũng như các yêu cầu về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập. 
Một chuyên gia cho rằng dự thảo quy định “Có đội ngũ giảng viên không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành của các ngành đang đào tạo khác” là không ổn. Thứ nhất, nếu chúng ta đã quy định tỷ lệ sinh viên/giảng viên rồi thì không nên có nội dung này, vì điều cốt lõi là nếu giảng viên cơ hữu chỉ dạy đúng ngành thôi (mà tên họ nằm trong danh sách mở ngành đó), thì họ sẽ không đủ giờ. Nếu chúng ta quản lý tốt tỷ lệ sinh viên/giảng viên thì một giảng viên không thể có đủ lớp để giảng đủ giờ chuẩn (460 – 540 tiết/năm) chỉ với riêng một ngành của mình. Việc họ giảng thêm cho một ngành khác là bắt buộc phải có để họ có đủ giờ chuẩn và bảo đảm được đời sống. Thứ hai, việc buộc giảng viên cơ hữu chỉ đứng tên mở ngành trong một ngành duy nhất sẽ không thể nào bảo đảm được quỹ lương để giữ nhân lực. Do đó, cần để cho trường tự chịu trách nhiệm điều phối giảng viên giữa các ngành, sao cho vẫn bảo đảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên (nghĩa là giữa 2 chỉ tiêu, chúng ta chỉ chọn 1 chỉ tiêu để quản lý) nhằm bảo đảm việc khai thác hiệu quả nguồn lực, tăng cường sự chủ động cho cơ sở, giúp cơ sở bảo đảm được giờ làm việc và giữ được nhân lực giỏi.
Về quy định mở ngành sức khỏe, nhiều chuyên gia cho rằng đây là quy định… trên trời, không thể với tới được. Hãy hình dung: một trường muốn mở ngành Y phải tuyển 30 giảng viên có trình độ Th.S trở lên. Việc này không thể tuyển được số Th.S đó trong 3 năm (trừ trường hợp tuyển cả những người chỉ có bằng cấp mà không biết làm việc). Không thể tuyển được người giỏi nếu họ không nhìn thấy có sẵn phòng thí nghiệm và học trò để dạy. Mà người học thì chưa có vì chưa được mở ngành. Phòng thí nghiệm thì chưa thể có đủ vì đầu tư quá tốn kém và không biết bao giờ mới có người học. Và người giỏi thì đã có việc sẵn, không ai bỏ việc đang làm để đến đầu quân vào một trường (đang làm hồ sơ mở ngành), ngồi chờ, không làm gì (hoặc chỉ làm rất ít việc như soạn đề cương chi tiết, giáo trình) và nhận lương hàng tháng. Không một trường làm ăn nghiêm túc hay biết quản trị nào lại làm chuyện tuyển 30 người về (kéo dài cả năm trời trở lên), trả lương cao để giữ họ, làm việc ít vì không có việc, trang bị phòng thí nghiệm tiền tỷ để chờ 1, 2 năm sau mới xong việc mở ngành, nhưng rồi cũng không chắc tuyển sinh có được không (!?).
Quy định nếu đưa ra những con số đánh đố thì chỉ gián tiếp “xúi” cơ sở  khai khống, khai man hồ sơ để cho qua việc mở ngành, còn thực chất sẽ không có gì nhiều. Vì vậy, quy định phù hợp thực tế sẽ khuyến khích người ta làm đúng, nếu quy định quá phi thực tế thì vô hình trung sẽ khiến người làm đàng hoàng không muốn làm nữa, còn người làm gian dối sẽ tìm cách lách luật qua các loại kiểm tra.

Thanh Hùng/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)