Năm 2016, nhiều trường sẽ tiếp tục mở ngành mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ hội nhập.
Chuyên gia đang giải đáp thắc mắc cho học sinh sau phần tư vấn chung |
Những ngành này có nhu cầu nhân lực như thế nào, phương thức xét tuyển ra sao?… đã được các chuyên gia giải đáp kỹ trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình vừa qua.
Yêu cầu xét tuyển cao hơn
Năm 2016, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ mở thêm 2 ngành mới, đó là thương mại điện tử và dược. ThS. Võ Hoàng Hải (đại diện Ban tư vấn Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho biết: “Thương mại điện tử là một ngành thuộc nhóm quản trị kinh doanh nhưng liên quan đến công nghệ thông tin. Tức là khi học xong, người học sẽ được cung cấp các phương pháp phân tích và điều hành hệ thống kinh doanh trên internet, biết thành lập và sử dụng website một cách thành thạo để trở thành một người kinh doanh trên phương tiện này một cách chuyên nghiệp. Hiện nay ngày càng có nhiều người sử dụng công nghệ thông tin để kinh doanh, việc mua bán diễn ra trên phương tiện này rất sôi nổi nên nếu trang bị thêm những kiến thức cơ bản này sẽ giúp cho người lao động có nhiều cơ hội phát triển”. Được biết, giống như những ngành khác, ngành thương mại điện tử của trường này sẽ tuyển sinh theo hai hình thức, đó là xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ THPT với các tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên ở lớp 12.
“Ngoài một công việc tốt thì cuộc sống còn rất nhiều điều khác nữa, làm sao để đời sống phong phú hơn thì chúng ta mới hạnh phúc được”, bà Lê Thị Quỳnh Hà (Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM), nói. |
Tương tự, năm nay Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ mở thêm ngành dược nhưng đây là ngành đòi hỏi thí sinh phải có tư duy logic nên điểm xét tuyển sẽ cao hơn những ngành khác. “Ngành này sẽ được trường xét tuyển theo hai hình thức: Ngoài xét theo kết quả kỳ thi THPT, trường sẽ xét học bạ nhưng tổ hợp môn xét tuyển phải đạt từ 20 điểm trở lên mới nằm trong danh sách xét tuyển, điểm trúng tuyển có thể cao hơn nhiều”, ông Lê Thiên Huy (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ.
Muốn gia nhập phải giỏi tiếng Anh
Những ngành xét tuyển trên có ngành khá mới đối với học sinh nhưng cũng có ngành các em đã quen thuộc. Dù ngành mới hay đã quen thuộc thì vấn đề học sinh quan tâm là ngoài kiến thức ra, các em cần có thêm kỹ năng gì thì mới có việc làm ổn định. Em Byung Jun (học lớp 10A2) bày tỏ: “Để có việc làm tốt trong những nghề này em cần có thêm kỹ năng gì? Nhiều người chọn nghề phù hợp, thành công, tiền bạc dư dả nhưng sao vẫn không hạnh phúc?”. Về vấn đề này, ThS. Võ Hoàng Hải giải đáp: “Việt Nam đang ở thời kỳ hội nhập, cuối năm 2015 chúng ta đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, lại vừa ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi vậy, ngoài kiến thức cơ bản và các kỹ năng tin học, kỹ năng mềm, đạo đức, tác phong công nghiệp thì ngoại ngữ phải giỏi, đặc biệt là tiếng Anh rất cần thiết để các em hội nhập”.
Làm sao thuyết phục bố mẹ cho mình chọn ngành? Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao (Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sài Gòn): Hiện nay học sinh chọn nghề chịu ảnh hưởng của bố mẹ rất lớn. Trong công tác tư vấn, tôi đã thấy nhiều trường hợp bố mẹ thương con, không muốn con đi sai con đường lập nghiệp nhưng mục đích của bố mẹ đôi khi lại sai dẫn đến con cái cũng sai khi chọn nghề. Vì vậy, các em phải tìm hiểu kỹ ngành nghề mình thích, xem mình có những khả năng nào phù hợp với ngành nghề đó thì mới chứng minh thuyết phục bố mẹ. Ngoài ra, các em có thể vận động những người thân am hiểu về lĩnh vực mà mình muốn chọn hay nhờ thầy cô giáo am hiểu về năng lực học tập của các em để tác động đến bố mẹ.
Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Quả thật, ngoại ngữ là kỹ năng quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Bởi vậy, ngay cả những trường nghề không xét tuyển bằng kỳ thi THPT quốc gia cũng tổ chức cho thí sinh làm bài test đầu vào bằng tiếng Anh. Ông Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc tuyển sinh hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech) cho hay: “Lập trình viên quốc tế là một ngành thuộc công nghệ thông tin, ngành này đang phát triển ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nên nếu trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, các em không lo thiếu việc làm. Chúng tôi tuyển sinh không như các trường ĐH, nhưng thí sinh vẫn phải làm bài test về toán để kiểm tra tư duy logic, đồng thời test luôn tiếng Anh vì khi học các em phải đọc nhiều tài liệu bằng ngôn ngữ này”.
Đối với vấn đề có việc làm tốt, thu nhập cao mà nhiều người vẫn không hạnh phúc, bà Lê Thị Quỳnh Hà (Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Để có hạnh phúc, tôi nghĩ cần có những yếu tố quan trọng như sức khỏe, tay nghề cao và phải tìm cách cân bằng nhu cầu, khả năng áp dụng. Ngoài một công việc tốt thì cuộc sống còn rất nhiều điều khác nữa, làm sao để đời sống phong phú hơn thì chúng ta mới hạnh phúc được”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)