Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Mơ ngày đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Mồ côi cha, bị khuyết tật bẩm sinh… hai học sinh nghèo Đà Nẵng gắng học giỏi, đỗ đại học điểm cao, nhưng đường đến giảng đường đại học đầy chông gai.

Từ gánh hàng rong

Căn nhà nhỏ chẳng có gì đáng giá của gia đình em Nguyễn Phước Minh (18 tuổi) nằm sâu trong kiệt 17 Nguyễn Văn Linh, đối lập hẳn với vẻ sầm uất của trục đường thương mại bậc nhất TP Đà Nẵng. Cả tuần nay, Minh tần ngần nhìn giấy báo trúng tuyển vào ngành Sư phạm Kỹ thuật Điện – Điện tử, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

 

Minh phụ mẹ bán nước mía, kiếm tiền trước ngày nhập học . Ảnh: Nguyễn Huy

Niềm vui chóng qua để lại ưu tư cho gia đình nghèo. Chỉ còn cách vài ngày là đến hẹn nhập học nhưng Minh sợ không thể đến trường. “Lúc biết tin mình đỗ đại học em chẳng dám nói ra vì sợ mẹ sẽ lo lắng. Bốn chị em ăn học đều nhờ một tay mẹ cả, giờ em học nữa sợ mẹ không kham nổi” – Minh bộc bạch.

Minh mồ côi ba khi mới tròn 1 tuổi. Bố Minh mất sau vụ tai nạn giao thông để lại gánh nặng gia đình trên đôi vai tần tảo của mẹ. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (50 tuổi), mẹ Minh hết chạy chợ, lại làm đủ nghề, bán thêm hàng ăn, bán nước mía… nuôi 4 con ăn học.

Chị tâm sự: Gia tài lớn nhất là thấy các con được ăn học. Đứa lớn học Trung cấp Y tế, Cao đẳng Lương thực thực phẩm, chị kế Minh đang học năm thứ ba Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, giờ Minh cũng đỗ đạt… Tôi chẳng sợ khổ, nhưng lo là không kịp xoay xở vay mượn tiền cho cháu trước ngày nhập học”.

Mỗi ngày thu nhập từ những gánh hàng rong, quán nước mía vỉa hè của chị chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Năm nào cũng thế, trước mùa tựu trường, chị lại tất tả xin vay mượn các nguồn chính sách, đến nhờ người thân, láng giềng. Tranh thủ ngày nghỉ, Minh cùng các chị em phụ giúp mẹ bán hàng, quay nước mía. “Em dự định sẽ đi làm thêm, gia sư để phụ giúp mẹ” – Minh cho biết.

Duyên chim cánh cụt

Diệp Thanh Duyên (18 tuổi, đường Hoàng Diệu – TP Đà Nẵng), cô học trò nhỏ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng tự đặt cho mình cái tên chim cánh cụt do tay phải tong teo, không thể làm việc bình thường.

 

Bị tật bẩm sinh phải viết tay trái, nhưng thành tích học tập của Duyên thật đáng nể phục .

Duyên bị tật bẩm sinh, thấp bé hơn so với các bạn cùng tuổi. Ông Diệp Tín (56 tuổi), bố Duyên quê tận Lâm Đồng gặp mẹ Duyên và xây dựng gia đình tại Đà Nẵng. Căn nhà nhỏ càng thêm khó khăn khi đứa con đầu lòng bị tật, đau ốm liên miên ngay từ khi mới sinh.

Bố Duyên từng là công nhân thủy lợi Lâm Đồng, từ khi chuyển ra miền Trung, nghề nghiệp không ổn định. Ông Diệp xin làm thêm ở công ty giầy da nhưng đơn vị này phá sản, ông làm loanh quanh qua ngày và đảm nhận việc đưa đón Duyên đến trường.

Gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai mẹ là bà Trần Ngọc Nhung với số tiền lương giáo viên hợp đồng ít ỏi tại Nhà văn hóa thiếu nhi. “Ngày trước tôi còn làm loanh quanh phụ giúp vợ con chút đỉnh, nhưng dạo này bệnh tái phát, tôi sợ mình bị nhiễm chất độc da cam, di truyền sang cái Diệp nên hai vợ chồng không dám sinh thêm nữa. Tội nó lắm, lớn tuổi nhưng mọi việc chưa thể tự lập” – ông Tín bộc bạch.

Thiệt thòi hơn các bạn, nhưng Duyên luôn tỏ ra lạc quan. Thành tích học tập của Duyên thật đáng nể, 12 năm liền là học sinh giỏi, ngoài ra hầu như năm học nào Duyên cũng “ẵm” các giải thành phố về môn Văn. Kỳ thi đại học vừa qua, em đạt 27,5 điểm vào trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.

“Em thích theo nghề giáo như mẹ, nhưng với hoàn cảnh của em không phù hợp, học Cử nhân Anh văn, bố mẹ sẽ vất vả hơn. Em ước mình có thể làm gì thêm để phụ giúp gia đình” – Duyên tâm sự.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Nguyễn Phước Minh (kiệt 17/31 Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng); Diệp Thanh Duyên (kiệt 368/38 Hoàng Diệu – TP Đà Nẵng) hoặc Ban đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng (19 Ngô Gia Tự – TP Đà Nẵng). 

Nguyễn Huy (Theo TPO)

Bình luận (0)