Sự kiện giáo dục

Mờ nhạt hình ảnh Sài Gòn trên màn ảnh rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong xu hướng đua nhau săn tìm bối cảnh mới lạ cho phim Việt, Sài Gòn như bị các nhà làm phim “bỏ rơi” bởi tâm lý địa danh này quá quen thuộc, khó khiến người xem hứng thú.

Vì hiếm nên quý

Sau Ròm, một bộ phim khai thác hình ảnh những người lao động nghèo ở Sài Gòn sống nhờ vào số đề, màn ảnh Việt vừa có thêm một tác phẩm khác ra rạp lấy chủ đề Sài Gòn: Sài Gòn trong cơn mưa. Thông qua câu chuyện tình lãng mạn của hai nhân vật Vũ và Mây, phim khắc họa cuộc sống của những bạn trẻ tứ xứ đến đây lập nghiệp.

Nếu như Ròm đem đến một Sài Gòn khá ngột ngạt, tối tăm bởi những phận người quẩn quanh trong cái nghèo và tệ nạn, thì Sài Gòn trong cơn mưa có một Sài Gòn trong trẻo, trẻ trung theo chân những người tỉnh lẻ chọn nơi này làm chỗ mưu sinh.

Sài Gòn trong cơn mưa để lại nhiều cảm xúc cho người xem khi đem “đặc sản” mưa Sài Gòn lên màn ảnh

Có nhiều nét đặc trưng của Sài Gòn được khắc họa trên phim: những quán ốc lề đường, hội chợ phiên cuối tuần, quán cà phê acoustic, đường sá không một bóng người vào ngày đầu năm mới, chợ hoa tết Bến Bình Đông – chợ hoa trên sông duy nhất ở Sài Gòn… đặc biệt, “đặc sản” Sài Gòn: những cơn mưa chợt đến chợt đi. Dẫu những hình ảnh trên không mấy xa lạ với những ai sống ở Sài Gòn, chủ đề lựa chọn giữa tình yêu hay sự nghiệp mà phim đề cập cũng không mới; nhưng Sài Gòn trong cơn mưa vẫn chạm đến trái tim người xem vì ai cũng nhìn thấy tuổi trẻ của mình ở đó và “cảm” được “chất” Sài Gòn trong phim.

Lâu nay, trên màn ảnh, hình ảnh Sài Gòn hiện hữu chủ yếu với tư cách một bối cảnh cho một cốt truyện diễn ra ở đô thị. Không có nhiều tác phẩm như Cô Ba Sài Gòn, Sài Gòn anh yêu em, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, Sài Gòn trong cơn mưa và sắp tới là Lô tô 2 mà ở đó, Sài Gòn được nhìn như một nhân vật hay một câu chuyện. Có một điều khá thú vị, trong những bộ phim này, dù có những khung hình lướt qua các công trình hiện đại, hoa lệ như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường đi bộ Nguyễn Huệ, thì “chất” Sài Gòn trong phim vẫn mang nét mộc mạc. Những sân thượng của khu chung cư cũ, xóm nhỏ đầy tình người, những con hẻm chằng chịt, cây cầu cũ bắc ngang con kênh, những ngôi đình cổ kính… 

Dễ mà khó khai thác

Sài Gòn quen thuộc với nhiều người nên đề tài này đôi khi “làm khó” người làm phim bởi tâm lý không còn gì mới để khai thác, dù mảnh đất này chứa nhiều câu chuyện đáng kể. Chẳng hạn, tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái, những cuộc vật lộn mưu sinh, những mối tình nảy nở, thời tiết đặc trưng chỉ hai mùa nắng – mưa… Chưa kể, sự đông đúc, chật chội của phố xá Sài Gòn cũng khiến các đoàn phim khó triển khai hiện trường. Nếu không phải là một bối cảnh bắt buộc phải quay ở Sài Gòn, đa số các đoàn đều thích tìm bối cảnh mới lạ mà “né” Sài Gòn. 

Sài Gòn anh yêu em, một trong những bộ phim thú vị về Sài Gòn

Sự quen thuộc là áp lực với nhà làm phim vì phải đau đầu tìm ra sự khác biệt, kiếm được góc nhìn riêng về những thứ thân thuộc. Ai cũng có Sài Gòn của riêng mình và Sài Gòn thì khác biệt mỗi ngày, không ngừng thay da đổi thịt nên sẽ luôn là đề tài không bao giờ cũ để khai thác. Đặc biệt là có thể cùng khai thác về Sài Gòn nhưng nếu người làm phim từ nơi khác đến sẽ có cái nhìn về Sài Gòn khác với người làm phim sinh ra và lớn lên ở đây, tạo nên sự thú vị.

Biên kịch – đạo diễn Lê Minh Hoàng của phim Sài Gòn trong cơn mưa

Nói về điều này, biên kịch Ngọc Bích – người đoạt giải Cánh diều vàng năm 2016 ở hạng mục Biên kịch xuất sắc phim Sài Gòn anh yêu em – cho biết: “Sài Gòn là mảnh đất được nhiều người yêu, nên dễ chạm đến cảm xúc người xem. Song, các nhà làm phim thích những không gian rộng vì cho không gian điện ảnh tốt hơn. Cái khó khi viết về đề tài Sài Gòn là phải chắt lọc những chi tiết giữa quá nhiều thứ quen thuộc, cứ kể một câu chuyện mà mình yêu và tin nhất sẽ thuyết phục người xem”. 

Sài Gòn không thiếu những điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách, phục vụ cho việc quảng bá du lịch qua phim ảnh, nhưng rõ ràng, điện ảnh Việt chưa có nhiều phim đậm chất Sài Gòn. Đây là một sự bỏ qua đáng tiếc bởi những khung hình, những câu chuyện về mảnh đất mà người ta gọi là “quê chung” này xuất hiện trên màn ảnh rộng đều khiến người xem bồi hồi, luyến lưu vì sự thân thương, gần gũi của nó.

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)