Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022 dự kiến sẽ được mở rộng quy mô thêm một số tỉnh/thành và tổ chức đợt 2 sớm hơn nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh.
Thí sinh dự đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021
TS. Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM là tiếp tục mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2022, đưa kỳ thi này về nhiều địa phương hơn. Trong tháng 11 sắp tới, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ làm việc với các sở GD-ĐT và các trường ĐH để xác định phương án cụ thể.
Đợt 2 sẽ thi sớm hơn
Theo kế hoạch, kỳ thi vẫn sẽ được giữ ổn định, tổ chức vào 2 đợt, trong đó đợt 1 diễn ra vào cuối tháng 3. Còn đợt 2, thông thường ĐH này sẽ tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh đợt 2 vào cuối tháng 5 thay vì vào cuối tháng 7 để thuận lợi hơn. “Theo ý kiến đề xuất của thí sinh và các trường ĐH phối hợp tổ chức, đợt 2 kỳ thi nên được tổ chức trước hoặc sau nhưng không quá sát với thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. ĐH Quốc gia TP.HCM đang ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các đơn vị và sẽ bàn bạc kỹ để xem xét điều chỉnh cho phù hợp”, TS. Chính nói. Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 tại nhiều địa phương hơn để tạo thuận lợi cho thí sinh. Trước đó, trong năm 2021, kỳ thi này đã được ĐH Quốc gia TP.HCM mở thêm 2 địa điểm thi. Cụ thể, địa điểm thi TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có 2.500 thí sinh và Bạc Liêu khoảng 1.000 thí sinh.
Ngoài những điểm mới nói trên, TS. Chính cho biết thêm, mức độ đề thi cơ bản vẫn giữ ổn định nhưng sẽ tăng cường chất lượng đề. Khâu tổ chức cũng sẽ được cải tiến hơn qua mỗi năm. Bài thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.
Được biết, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực từ năm 2018 để phục vụ việc tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ trong và ngoài hệ thống. Trong năm đầu tiên tổ chức (2018), kỳ thi có khoảng 5.000 thí sinh tham dự. Năm 2019, số lượng dự thi tăng lên với gần 30.000 thí sinh; năm 2020 có khoảng 40.000 thí sinh và năm 2021 khoảng 70.000 thí sinh.
Trong năm đầu tiên tổ chức (2018), kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM có khoảng 5.000 thí sinh tham dự. Năm 2019, số lượng dự thi tăng lên với gần 30.000 thí sinh; năm 2020 có khoảng 40.000 thí sinh và năm 2021 khoảng 70.000 thí sinh. |
Riêng đợt 1 kỳ thi năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 3, có gần 70.000 thí sinh dự thi tại 7 tỉnh/thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Đắk Lắk. Đợt 2 có khoảng 27.000 thí sinh đăng ký dự thi và dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tuy nhiên, đợt 2 kỳ thi đã không tổ chức được do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sẽ chung nhóm tuyển sinh
Hiện nay hàng chục trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này phục vụ xét tuyển, chưa kể các trường thành viên. ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp thông tin về kết quả thi đánh giá năng lực, thực hiện xác nhận kết quả thi theo yêu cầu của các đơn vị. Hệ thống đăng ký xét tuyển, lọc ảo, xét tuyển đang được triển khai thống nhất cho các đơn vị trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo yêu cầu của nhiều đơn vị ngoài hệ thống, từ năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ trao đổi với các trường để cùng thống nhất phối hợp thực hiện “nhóm tuyển sinh chung”, sử dụng chung tài nguyên là hệ thống đăng ký xét tuyển, lọc ảo, xét tuyển.
Tại phía Bắc, kỳ thi đánh giá năng lực cũng đã được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức trở lại từ năm 2021 với nhiều cải tiến. Những cải tiến mới của kỳ thi tập trung vào việc tổ chức bài thi tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT chứ không đơn thuần phục vụ tuyển sinh ĐH như năm 2015, 2016. Cấu trúc, bài thi gồm 3 hợp phần: Phần 1 là tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 75 phút; phần 2 là tư duy định tính có 50 câu hỏi thực hiện trong 60 phút; phần 3 là khoa học (thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…) gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 60 phút. Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính với tổng thời gian 195 phút, tổng điểm bài thi là 150 điểm.
Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân, được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày nhờ kỳ thi được tổ chức nhiều đợt trong năm. Việc tổ chức nhiều đợt thi tạo thêm cơ hội cho thí sinh, thí sinh có thể chủ động hoàn toàn kế hoạch dự thi của mình, đem lại tâm lý thoải mái và giảm bớt áp lực cho các em. Việc thi và tuyển là độc lập nên tổ chức thi nhiều đợt cũng giúp cơ sở đào tạo tuyển chọn được nhiều thí sinh giỏi nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời cũng giúp giảm áp lực cho đơn vị tổ chức thi.
M.Tâm
Bình luận (0)