Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mở rộng kiểm định: Lối ra cho hội nhập giáo dục ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Việt Nam, công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH được đề cập ráo riết từ năm 2006 và trong quá trình vừa làm, vừa thăm dò. Số trường/ngành được kiểm định chất lượng mới đang trong quá trình chuẩn bị công bố.

Để nâng chất lượng và tính cạnh trạnh của giáo dục Việt Nam thông qua hội nhập quốc tế, ngày 16/10 tới đây, Hội đồng Anh phối hợp với Bộ GD-ĐT Việt Nam tổ chức hội nghị đầu tiên tại Việt Nam về Hội nhập quốc tế trong giáo dục ĐH.
Hội nghị sẽ đề cập tới 4 vấn đề quan trọng: Xu hướng giáo dục quốc tế (các chương trình liên kết đào tạo); Hợp tác quốc tế về giáo dục ĐH; Kinh nghiệm của Vương quốc Anh về quản lý và Kiểm định chất lượng. Cuối cùng bàn về hợp tác nghiên cứu…
Mở rộng kiểm định ĐH từ các tổ chức quốc tế
Nếu như công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH mới được triển khai ráo riết ở Việt Nam trong mấy năm gần đây thì ở Anh – cách đây 177 năm (năm 1832) hệ thống kiểm định chất lượng ngoài ở UK đã ra đời cùng với sự ra đời của đại học Durham và sự tăng lên nhanh chóng số lượng các trường đại học ở Anh. Các kiểm định viên ngoài hầu hết đến từ đại học Oxford.
Ngày 16/10 tới đây, Hội đồng Anh phối hợp với Bộ GD-ĐT Việt Nam tổ chức hội nghị đầu tiên tại Việt Nam về Hội nhập quốc tế trong giáo dục ĐH.
Hệ thống kiểm định chất lượng ngoài này vẫn tiếp tục phát triển cho tới ngày nay và được áp dụng toàn bộ hay một phần ở một số quốc gia khác ngoài Vương quốc Anh.
Một số các yếu tố ảnh hưởng tới kiểm định chất lượng ngoài của giáo dục ĐH gồm: Sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục ĐH tại nhiều nước; Sự đa dạng hóa trong đào tạo ĐH, sự phát triển đào tạo từ xa, và đào tạo hướng nghiệp mà theo đó sinh viên có thể tự xác định các tín chỉ cần học…
Việc một trường hay một chương trình đào tạo có chất lượng đã được kiểm định ở mức “đảm bảo” thể hiện ở chỗ trường đó hoặc chương trình đó đạt được bằng hoặc trên tiêu chuẩn tối thiểu. Dựa vào tiêu chí đó mà trường hoặc chương trình đó được phép nhận các nguồn hỗ trợ tài chính hoặc có các quyền lợi khác.
Ở Anh, QAA là một tổ chức độc lập hoạt động bằng quỹ đóng góp của các trường và hợp đồng với các Hội đồng Hỗ trợ Giáo dục ĐH. QAA tiến hành đánh giá chất lượng ngoài thông qua các chuyến viếng thăm các trường ĐH và đánh giá xem liệu trường đó có đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn hay không. Từ đó, đưa ra các hướng dẫn trong việc duy trì và cải thiện các quy trình đảm bảo chất lượng…
Theo Hội đồng Anh, hội nghị tới đây sẽ có tham dự của Phó Giám đốc bộ phận Kiểm định của Tổ chức QAA với bài phát biểu giới thiệu về hoạt động đánh giá ngoài của QAA tại Anh.
QAA và các trường ĐH tại Vương Quốc Anh đã hợp tác xây dựng các quy định cơ bản về Tiêu chuẩn Đào tạo (Academic Infrastructure). Các quy định này đã được chấp thuận trên toàn Vương quốc Anh và đây là cơ sở mấu chốt để thiết lập và duy trì chất lượng và tiêu chuẩn cho giáo dục ĐH trên toàn nước Anh.
Các quy định cơ bản này bao gồm 4 nội dung – trong đó có 3 nội dung chủ yếu liên quan đến thiết lập các tiêu chuẩn và nội dung còn lại liên quan đến quản lý chất lượng.
Bốn nội dung cụ thể gồm: 1. Hệ thống các chứng chỉ và văn bằng giáo dục ĐH – hệ thống này thể hiện trình độ học thuật đạt được ở từng mức độ văn bằng và chứng chỉ cụ thể; 2. Hướng dẫn cho các trường đại học để xây dựng các chương trình giảng dạy ở từng ngành/môn học dựa trên những tiêu chuẩn đào tạo cụ thể;
3. Hướng dẫn về tiểu chuẩn các chương trình/khoá đào tạo. Hướng dẫn này của QAA giúp các trường có thể đưa ra những thông tin như đối với một khóa học nhất định thì SVcó thể thu được những kiến thức, hiểu biết, và kỹ năng gì khi tốt nghiệp.
 1. Nội dung cuối cùng là hướng dẫn về các quy tắc để thực hiện công tác đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng đào tạo tại các trường ĐH gồm tất cả 10 chương.
2010: 80% trường ĐH Việt Nam được đánh giá ngoài
Từ thực tế Bộ GD-ĐT Việt Nam nhìn nhận, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đào tạo ĐH, CĐ không chính quy và hoạt động liên kết đào tạo của nhiều trường còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo…
Một trong những nhiệm vụ Bộ GD-ĐT kỳ vọng triển khai trong năm học 2009-2010 là tăng cường hợp tác quốc tế về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng. Trong đó, sẽ giới thiệu và khuyến khích các trường ĐH, CĐ đăng ký tham gia làm thành viên của các tổ chức quốc tế về đánh giá và kiểm định.
Vai trò của QQA trong việc quản lý chất lượng của các trường ĐH tại Vương quốc Anh:
– Tiến hành đánh giá việc đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng đào tạo tại các trường ĐH và đưa ra các báo cáo. 
 – Đưa ra hướng dẫn cho các trường về việc đảm bảo các tiêu chuẩn đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo 
– Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và chất lượng đào tạo – Góp ý cho chính phủ các vấn đề liên quan đến việc trao quyền cấp bằng và danh hiệu của các trường đại học 
– Tham gia vào sự phát triển giáo dục chung của châu Âu và thế giới 
Trang web của tổ chức QAA: www.qaa.ac.uk
Đồng thời, khuyến khích các trường đăng ký kiểm định trường/chương trình bởi các tổ chức quốc tế về đánh giá và kiểm định chất lượng). Tiếp tục cử cán bộ đi tập huấn về đánh giá, đảm bảo và kiểm định chất lượng ở nước ngoài.
Phấn đấu đến hết năm học 2009-2010 đào tạo khoảng 100 chuyên gia có trình độ tương đương quốc tế để triển khai công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.
Tiếp tục triển khai đánh giá các hoạt động đánh giá ngoài cho các trường ĐH. Thực hiện triển khai đánh giá ngoài các trường CĐ. Đến hết năm 2010 có 80% số trường ĐH và 50% số trường CĐ được đánh giá ngoài.
Song song với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về tổ chức kiểm định độc lập trình các cấp có thẩm quyền ban hành để đẩy nhanh tiến độ đánh giá ngoài và công nhận các trường ĐH và các chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Bộ GD-ĐT Việt Nam sẽ xây dựng các chính sách ưu tiên về chỉ tiêu tuyển sinh, về kinh phí gắn với kết quả kiểm định chất lượng theo hướng: trường có tham gia kiểm định chất lượng và trường đạt tiêu chuẩn chất lượng thì được hưởng chính sách cao hơn…
Theo Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT Việt Nam) Trần Văn Nghĩa, ngoài việc tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQN), Mạng lưới đảm bảo chất lượng Đông Nam Á (AQAN) – Bộ tiếp tục tham gia các tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng quốc tế khác nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
Đông Nghi (VietNamNet)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)