Hạn chế xe cá nhân là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở các hội thảo, hội nghị và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Các ý kiến đó đều cho rằng việc đầu tư, mở rộng mạng lưới xe buýt, khuyến khích tư nhân tham gia, nâng chất lượng phục vụ… người dân sẽ dần bỏ thói quen đi xe máy.
Mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 15% nhu cầu giao thông đô thị của toàn TP và tỷ lệ này đạt 25% vào năm 2030
Mới đây, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng để kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện xe cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”.
Mở rộng mạng lưới xe buýt từ 5-6 lần
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 15% nhu cầu giao thông đô thị của toàn TP và tỷ lệ này đạt 25% vào năm 2030. Theo Sở Giao thông vận tải TP, để đạt được con số này thì mạng lưới xe buýt trên địa bàn phải mở rộng gấp 5-6 lần hiện nay. Đồng thời đề ra 3 nhóm giải pháp chính để thực hiện, gồm: tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và 7 nhóm giải pháp hỗ trợ (quy hoạch quản lý đô thị, quản lý nhu cầu giao thông, ứng dụng CNTT…).
Cụ thể, các giải pháp tăng cường giao thông công cộng được Sở Giao thông vận tải xác định chiếm tỷ lệ cao nhất, với các giải pháp như phát triển hạ tầng, hệ thống tàu điện ngầm, cải thiện mạng lưới xe buýt, nâng cao chất lượng phương tiện. Riêng nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân có 3 giải pháp: thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy 2-3 bánh…
Ngay sau khi TP công bố đề án này, dư luận đều tán thành tuy nhiên để kiểm soát xe cá nhân đạt hiệu quả như mục tiêu đề án thì phải đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông để phát triển mạng lưới giao thông công cộng.
Ông Nguyễn Hữu Phong, cán bộ hưu trí (P.Cô Giang, Q.1) cho rằng, nếu giao thông công cộng tốt thì người dân sẽ lựa chọn. Lâu nay, riêng hệ thống xe buýt của TP chưa thật sự tốt, cụ thể về chất lượng phục vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, xe cũ kỹ, tai nạn giao thông đối với phương tiện này còn cao…
“Ở một TP năng động như TP.HCM, việc sử dụng xe cá nhân đã trở thành thói quen, tiện lợi khi ghé chỗ này chỗ kia. Tuy nhiên, nếu giao thông công cộng được đầu tư đúng mức, chất lượng được nâng lên, mạng lưới rộng khắp… thì người dân sẽ bỏ thói quen ấy. Thực tế, với hạ tầng giao thông, mật độ xe cộ lưu thông như hiện nay, việc đi lại bằng xe máy không an toàn”, ông Phong nói.
“Khi triển khai đề án này, các sở ngành có liên quan cần có đánh giá tác động, từ đó có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến người dân”, TS. Nguyễn Văn Bảo đề xuất. |
Tương tự, bà Lê Thị Bạch Mai (giáo viên tại huyện Nhà Bè) bày tỏ sự lo ngại mỗi lần đi xe buýt. “Từ nhà đến trường tôi phải đi hai chặng xe buýt nhưng chuyện đó không quan trọng, chỉ lo kẹt xe trễ giờ dạy, có hôm phải mất hơn 1 giờ/ quãng đường chỉ 7km trong khi đi xe gắn máy chỉ mất 10-15 phút. Tôi tán thành việc kiểm soát xe cá nhân nhưng liệu giao thông công cộng có khá hơn không?”, bà Mai đặt vấn đề.
Đầu tư mạnh cho giao thông công cộng
Ở góc độ chuyên môn, TS. Nguyễn Văn Bảo (Viện Quy hoạch Kỹ thuật và Giao thông vận tải) đề xuất TP cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống xe buýt, phủ khắp từ nội đến ngoại thành. Bên cạnh ngân sách của TP, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, đấu thầu tuyến, sử dụng các loại xe phù hợp với các con đường nhỏ. Bên cạnh đó cần có giải pháp tuyên truyền hiệu quả trong người dân sử dụng phương tiện công cộng để đi lại, đặc biệt là cán bộ, công chức phải làm gương. Riêng các công ty, nhà máy ở các KCX-KCN nên sử dụng phương tiện để đưa rước công nhân như một số công ty đã làm. Chỉ có cách này mới góp phần giảm ùn tắc giao thông và hạn chế tai nạn giao thông.
“Khi triển khai đề án này, các sở ngành có liên quan cần có đánh giá tác động, từ đó có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến người dân”, TS. Nguyễn Văn Bảo đề xuất.
TS. Nguyễn Vũ Thắng, chuyên gia ngành logistics nhìn nhận, đến nay TP mới có đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng để kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân là quá chậm. Ở các nước trong khu vực, người dân đi lại bằng giao thông công cộng là chủ yếu, riêng Việt Nam đến năm 2025 giao thông công cộng đáp ứng 15% nhu cầu và 25% đến năm 2030 (mục tiêu của đề án) là một tỷ lệ rất thấp.
Thực tế các quốc gia khác cho thấy, giao thông công cộng phát triển sẽ giảm xe cá nhân. Những năm gần đây, TP đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có Bến xe Miền Đông mới, kết nối nhiều tuyến trong TP, Bình Dương và Đồng Nai. Bên cạnh tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dự kiến đưa vào vận hành vào cuối năm 2021 và tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương sắp được khởi công, TP cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm xe cá nhân. Nếu giao thông công cộng cứ như hiện nay thì khó mà kiểm soát xe cá nhân.
A.Trần
Bình luận (0)