Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp luôn đòi hỏi cao ở người lao động về kỹ năng nghề, vì vậy hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam đã có những bước tiếp cận chương trình của nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo.
Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thực hành nghề điện công nghiệp. Đây là một trong những nghề đào tạo theo dự án chuyển giao chương trình từ Đức
Theo đó, bên cạnh thay đổi để thích ứng từ nguồn lực sẵn có, các trường nghề đã chủ động tìm kiếm đối tác tham gia đào tạo nghề cung cấp cho thị trường lao động. Cụ thể, những trường được Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) lựa chọn thực hiện thí điểm đào tạo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã khẳng định vị thế của mình thông qua chất lượng đào tạo, được đối tác nước ngoài cũng như doanh nghiệp chấp nhận.
Một trong những điểm nổi bật của hệ thống GDNN những năm gần đây là kết quả các chương trình hợp tác đào tạo nghề với Chính phủ Đức – chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam. Theo TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN), trong năm 2019, Tổng cục GDNN và Cơ quan hợp tác phát triển Đức – GIZ đã có những buổi trao đổi về chủ trương, chiến lược phát triển GDNN trong thời gian tới. Phía Việt Nam đã đề xuất các nội dung hợp tác như tiếp tục chuyển giao chương trình đào tạo thí điểm, hỗ trợ hoàn thiện chính sách, pháp luật về GDNN mà trong đó tập trung gắn kết giữa GDNN và doanh nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn và mô hình của Đức cho một số ngành nghề tại Việt Nam. Ông Dũng cho biết thêm, nội dung hợp tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng nghề đạt chuẩn theo quy định đã được thực hiện. Theo đó, đối với các nghề chuyển giao, giáo viên của Việt Nam đã hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Đức và được công nhận đủ điều kiện tham gia giảng dạy.
Cùng với Đức, Úc – một trong những quốc gia có hệ thống GDNN phát triển lâu đời với chương trình đào tạo tiên tiến, bám sát doanh nghiệp cũng đang được các quốc gia trong khu vực ASEAN lựa chọn hợp tác chuyển giao chương trình đào tạo, trong đó có Việt Nam. Ông Trần Kim Tuyền (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) nhìn nhận, với chương trình đào tạo được chuyển giao từ Úc, quá trình đào tạo và đầu ra được đánh giá nghiêm túc theo quy định, sinh viên khóa đầu tiên ra trường đầu năm 2020 có việc làm ngay, đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, có 46/48 sinh viên của 3 nghề công nghệ thông tin; kỹ thuật lắp điện và điều khiển trong công nghiệp; điện tử công nghiệp đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong đó có 50% được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp, số còn lại tiếp tục học lên cao và đang lựa chọn công việc tốt hơn.
“Thời gian tới, Tổng cục GDNN tiếp tục thực hiện các nội dung đã hợp tác với nước ngoài, trong đó tập trung xây dựng chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và xây dựng chuẩn đầu ra”, TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết. |
TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) đánh giá cao chất lượng đào tạo của các chương trình được chuyển giao từ nước ngoài, đặc biệt là chương trình đào tạo thí điểm cấp độ quốc tế trình độ CĐ của Úc. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng tại Úc trực tiếp giảng dạy nên chất lượng đầu ra cao hơn hẳn, điều này đã được phía Học viện Chishom (Úc) đánh giá và hơn hết là doanh nghiệp công nhận. “Điểm nổi bật của chương trình đào tạo chuyển giao là khâu tuyển sinh khá khắt khe, đòi hỏi sinh viên có năng lực vượt trội, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ để đảm bảo ra trường đạt trình độ B1 đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục tuyển sinh chương trình này nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước”, bà Hằng cho biết.
Tương tự, KOSEN – mô hình đào tạo nghề của Nhật Bản cũng đang được các trường nỗ lực thực hiện hợp tác. Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết hiện trường đang đào tạo chương trình chuyển giao từ Trường Tokyo Metropolitan College of Industrial Technology (TMCIT) thông qua hợp tác với Tập đoàn Freesia (Nhật Bản). Với chương trình này, sinh viên học miễn phí tiếng Nhật và được thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn trên. Riêng với ngành điện công nghiệp, trường đang đào tạo theo mô hình hai bên cùng tham gia (nhà trường và doanh nghiệp) theo dự án chuyển giao chương trình từ Đức.
Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) cho biết ngoài đào tạo các nghề từ chương trình chuyển giao từ Úc, nhiều năm nay trường đã hợp tác đào tạo với Chính phủ Đức. Cụ thể, trong năm học 2019-2020, trường tuyển sinh 3 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo bộ chương trình chuyển giao từ Đức. Riêng năm học 2020-2021 tới, trường tuyển sinh 175 chỉ tiêu chương trình CĐ quốc tế; 200 chỉ tiêu CĐ theo tiêu chuẩn Đức; 75 chỉ tiêu CĐ theo tiêu chuẩn Pháp và 50 chỉ tiêu kỹ sư thực hành tiêu chuẩn Pháp. Được biết, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 được phép đào tạo 7 ngành theo tiêu chuẩn Đức, 3 ngành theo chuẩn Pháp (trình độ CĐ và kỹ sư thực hành). Đây là những ngành đang hút lao động không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.
TS. Trương Anh Dũng cho biết thời gian tới, Tổng cục GDNN tiếp tục thực hiện các nội dung đã hợp tác với nước ngoài, trong đó tập trung xây dựng chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và xây dựng chuẩn đầu ra. Đồng thời mở rộng quy mô tuyển sinh các nghề đã đào tạo thí điểm cấp độ quốc tế trình độ CĐ.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)