Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mở rộng “vùng xanh” trên không gian mạng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Theo thống kê của Bộ TT-TT, đến nay mạng xã hội Facebook có khoảng 65 triệu tài khoản, 60 triệu YouTube và 20 triệu người dùng TikTok. Ngoài những thông tin tích cực, mạng xã hội cũng là nơi tồn tại nhiều thông tin xấu, độc hại, gây rối loạn thông tin, gây hoang mang cho người dân. Nổi lên hiện nay là tin giả về tình hình dịch Covid-19, an sinh xã hội, số ca tử vong do mắc Covid-19 hay chiến lược phòng chống dịch của TPHCM trong thời gian tới…
Nhận diện “vùng đỏ”
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng thông tin: Từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, gỡ bỏ và ngăn chặn 6 trang thông tin điện tử, 186 bài viết trên mạng xã hội, 299 video trên YouTube, 300 video trên TikTok là những tin giả, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM. Đồng thời xác minh, công bố 3 tin giả và chuyển 4 trường hợp để Bộ TT-TT xử phạt theo thẩm quyền.
Từ tháng 4-2021 đến nay, sở đã xử phạt vi phạm hành chính 16 trường hợp; gồm cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật (8 trường hợp) và chia sẻ thông tin làm hiểu lầm, hiểu sai nội dung, gây hoang mang (8 trường hợp). Tổng số tiền xử phạt hơn 132 triệu đồng.
Mới đây nhất, Sở TT-TT TPHCM có quyết định xử phạt chủ tài khoản trang fanpage “Giang Kim Cúc và các cộng sự” khi phát sóng trực tiếp (livestream) sai sự thật về việc bà ngoại rút ống thở của cháu tại một bệnh viện ở thành phố. Trước đó, trang fanpage này đưa đoạn livestream có nội dung cho rằng bà ngoại đã rút ống thở của cháu bé đang cấp cứu trong bệnh viện.
Ở các quận, huyện, cơ quan chức năng cũng đang căng mình chống lại “virus tin giả”. Từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4 đến nay, cơ quan chức năng quận Bình Tân đã phát hiện hơn 31 tài khoản có bài viết tiêu cực về tình hình dịch bệnh, an sinh xã hội, số người chết vì dịch tăng cao không được chăm sóc…
Những thông tin xấu độc này thu hút nhiều lượt tương tác, chia sẻ nhanh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Vừa qua, Công an quận Tân Phú xử phạt chủ tài khoản “Lan Nguyen Van” đăng sai sự thật với nội dung, hình ảnh nhân viên mặc đồ bảo hộ màu trắng chở các hũ được cho là tro cốt của người chết do dịch Covid-19. Công an đánh giá sau khi bài viết được đăng tải đã thu hút rất đông sự quan tâm của cộng đồng mạng, gây hoang mang dư luận.
Bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng
Trong xử lý tin giả, ngoài công tác điều tra của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an các tỉnh, thành phố, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT) còn tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả để công bố tin giả, tin sai sự thật nhanh nhất trên trang http://tingia.gov.vn.
Ngoài ra, Bộ TT-TT đã có Công văn 2765 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị triển khai hiệu quả Nghị quyết 78 của Chính phủ, tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng.
Mở rộng vùng xanh trên không gian mạng ảnh 1
Công an huyện Bình Chánh làm việc với chủ tài khoản mạng xã hội đưa tin giả, sai sự thật
Theo nhận xét của Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng, tin giả, tin sai sự thật diễn biến rất nhanh nên công tác đấu tranh với tin giả luôn được tập trung. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, các cơ quan chức năng luôn nhanh chóng đấu tranh, phản bác kịp thời.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận Bình Tân, chia sẻ thêm: Về giải pháp, là phải nắm chắc tình hình phát sinh trong dư luận, trên không gian mạng, kịp thời phát hiện thông qua phần mềm, lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội và các công cụ khác. Cùng với đó, việc chủ động triển khai thông tin phản bác, đấu tranh trực diện các thông tin xấu, độc, kích động chống phá trên mạng cũng được chú trọng.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Bình Chánh cho rằng phải thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền kịp thời để người dân tiếp cận rõ ràng, chính xác về các chính sách, công tác phòng chống dịch. Đây là một giải pháp quan trọng để giữ vững, mở rộng “vùng xanh” trên không gian mạng.
Đặc biệt, Công an TPHCM cũng khẳng định, đối với các hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, lực lượng công an sẽ nhanh chóng điều tra, truy xét và xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không chia sẻ, bình luận những thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch khi chưa được các cơ quan chức năng xác nhận. Những hành vi cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó Trưởng Công an quận Tân Phú, nhấn mạnh.
Theo Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM), tùy vào nội dung, tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả của việc đăng tin giả mà người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với một trong số các tội danh: tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước; tội làm nhục người khác; tội vu khống; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
 
VĂN MINH (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)