Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mở rộng xét tuyển vào lớp 10: Vừa mừng lại vừa lo

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2011-2012 TP.HCM sẽ có thêm hai quận thực hiện xét tuyển vào lớp 10, nâng số địa phương thực hiện xét tuyển lên 9/24 quận, huyện…

“Đây là một chủ trương đúng đắn nhưng với cách làm như hiện nay thì không ổn…” – hầu hết hiệu trưởng trường THPT đều khẳng định như vậy.

Còn nhớ năm học 2009-2010, năm đầu tiên Q.Thủ Đức tổ chức xét tuyển vào lớp 10. Mùa tuyển sinh năm đó đã gây xôn xao, bức xúc không chỉ cho các phụ huynh mà cả nhà trường THPT. Vì xét tuyển nên quận phân tuyến cho các trường THPT nhận học sinh theo địa bàn dân cư. Tùy thuộc chỉ tiêu tuyển sinh, số học sinh trên địa bàn, trường THPT cứ xét từ trên xuống đến hết chỉ tiêu.
Kết quả là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân – ngôi trường khá nổi tiếng ở TP.HCM với điểm đầu vào lớp 10 luôn cao nhất quận Thủ Đức (trong những năm thi tuyển), điểm chuẩn chỉ có 28 điểm. Trong khi đó, Trường THPT Hiệp Bình lại có điểm chuẩn tăng vọt: 31,5 điểm. Chưa kể việc phân tuyến không phù hợp khiến nhiều phụ huynh phải khiếu nại trong nhiều ngày liền.
Tính điểm cào bằng
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, căn cứ để tính điểm xét tuyển vào lớp 10 là học lực và hạnh kiểm trong bốn năm học bậc THCS. Cụ thể, mỗi năm học thang điểm tối đa là 10 điểm. Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 10 điểm. Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc ngược lại: 9 điểm. Hạnh kiểm khá, học lực khá: 8 điểm. Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc ngược lại: 7 điểm. Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc học lực khá, hạnh kiểm trung bình: 6 điểm. Những trường hợp còn lại: 5 điểm.
“Cách tính điểm như trên vô tình khiến học sinh lớp 9 mất động cơ học tập. Các em chỉ cần học khá trong ba năm lớp 6, 7, 8. Đến lớp 9 cứ học chơi chơi, thêm 5 điểm nữa là dư sức vào công lập” – một giáo viên chủ nhiệm bậc THCS ở Q.9 cho biết. Thêm vào đó, không thể không kể đến tâm lý thương học sinh, cho điểm dễ dãi một chút để các em được vào công lập của đa số giáo viên bậc THCS.
Ngay trong hội nghị sơ kết về công tác xét tuyển vào lớp 10 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức đầu năm 2010, nhiều hiệu trưởng trường THPT ở Củ Chi, Cần Giờ đã phản ảnh vấn đề này. Lấy ví dụ như Trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ (một trong những đơn vị thực hiện xét tuyển lớp 10), năm học 2009-2010 trường tuyển được 75,3% học sinh đạt khá, giỏi ở lớp 9, nhưng mới hết học kỳ 1 số học sinh lớp 10 đạt khá, giỏi chỉ còn 19,4%.
Thậm chí chính một vị trong ban giám đốc sở cũng thừa nhận: “Biết là ảnh hưởng đến chất lượng dạy học bậc THCS nhưng không thể làm khác vì cách tính điểm như trên là quy định của Bộ GD-ĐT”.

Thí sinh trao đổi bài thi môn tiếng Anh trước khi vào phòng thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2010 – Ảnh: N.Hùng

“Ngăn sông cấm chợ”?
Về ưu điểm của phương thức xét tuyển, rất nhiều lần Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Xét tuyển lớp 10 góp phần thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục bậc trung học; học sinh, giáo viên không phải chịu áp lực qua một kỳ tuyển sinh căng thẳng, tiết kiệm được ngân sách nhà nước, tiền bạc của phụ huynh; tuyển sinh theo tuyến khu vực tạo sự đồng đều về chất lượng đầu vào”.
Tuy nhiên, cũng chính ưu điểm của việc tuyển sinh theo tuyến lại là nhược điểm đối với chất lượng giáo dục. Hai năm học vừa qua, tình trạng chạy hộ khẩu đã khiến cán bộ quản lý giáo dục ở Q.Thủ Đức đau đầu. “Một gia đình có đến… 28 em cùng độ tuổi, phụ huynh chạy hộ khẩu để được phân tuyến vào lớp 10 Trường Nguyễn Hữu Huân” – một cán bộ ngành giáo dục ở Q.Thủ Đức phản ảnh.
Trong khi đó, ngay chính trường THCS cũng mệt mỏi, nói như phó hiệu trưởng một trường THCS: “Trước đây chúng tôi thường động viên học sinh cố gắng học để thi cho đủ điểm vào lớp 10 Trường Nguyễn Hữu Huân. Bây giờ điều mà các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm không phải là học lực mà làm sao chạy hộ khẩu về phường Bình Thọ để được phân tuyến vào trường này. Làm sao học sinh còn động cơ học tập nữa!”.
Chưa kể việc phân tuyến theo địa bàn dân cư hay địa bàn trường THCS như hiện nay vô tình làm mất cơ hội chọn lựa ngôi trường mà mình muốn của học sinh. Không giống như học sinh lớp 1, các em cần phân tuyến theo địa bàn để được học gần nhà. Học sinh lớp 9 đã có ước mơ để phấn đấu, đã bắt đầu biết nỗ lực để được học ở ngôi trường mình yêu thích.
Mùa tuyển sinh năm 2009, Tuổi Trẻ nhận được khá nhiều thư của phụ huynh học sinh lớp 9 tại Q.12 cho biết con em họ đã nhắm tới mục tiêu vào Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu từ nhiều năm trước. Mặc dù nhà họ ở Q.12 nhưng đi đến Trường Nguyễn Hữu Cầu chỉ mất 10 phút và thuận tiện về đường đi. Nay huyện Hóc Môn xét tuyển vào lớp 10, chỉ dành cho con em ở Hóc Môn chứ học sinh Q.12 không được phép dự tuyển.
9 quận, huyện xét tuyển
Năm học 2006-2007 là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM áp dụng song song hai hình thức tuyển sinh lớp 10: thi tuyển và xét tuyển. Năm đó, ba huyện đầu tiên của thành phố được tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển là Cần Giờ, Củ Chi và Bình Chánh. Đến nay, sau năm năm, hình thức xét tuyển đã mở rộng ra chín quận, huyện (theo dự kiến): các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, các quận Thủ Đức, 2, 9, 6 và Bình Tân.
(Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)