Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Mở tài khoản khi du học Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tìm hiểu thông tin du học tại một ngày hội. Ảnh: N.Anh

Mở tài khoản và đăng ký sử dụng thẻ tín dụng (credit card) tại ngân hàng để thuận tiện cho việc giao dịch khi du học là lời khuyên được nhiều du học sinh lưu ý cho những ai sắp đi du học.

Tại các quốc gia phát triển, việc sử dụng các loại thẻ tín dụng rất phổ biến, thậm chí nhiều nơi còn có nhiều chính sách khuyến khích, cộng điểm cho người dùng thẻ.

Mọi nơi đều dùng thẻ tín dụng

Tại Mỹ, nơi được xem là “thiên đường” của thẻ tín dụng, người dân rất ít phải dùng đến tiền mặt để chi tiêu. Mọi giao dịch thanh toán, kể cả tiền lương, tiền làm thêm giờ đều được chi trả qua thẻ tín dụng. Nguyễn Phương Dung, sinh viên Trường ĐH Salem State, cho biết nhiều bạn thường làm sẵn thẻ visa/mastercard từ Việt Nam và mang sang đây. Điều này cũng không có gì đáng nói nếu bạn chỉ muốn tiêu xài và không đi làm thêm. “Không nói đến trường hợp các bạn du học theo dạng một năm J1 (không được phép đi làm), đối với những bạn du học theo dạng F1 thì việc đi làm thêm là chuyện bình thường, nếu không mở tài khoản ngân hàng bên Mỹ thì không nhận được lương, nhất là đối với những nơi chỉ trả lương bằng cách trả tiền trực tiếp (direct deposit) vào tài khoản của bạn. Ở Mỹ có chính sách bắt buộc khai báo thuế đối với công dân của họ, vì thế việc quản lý tài chính qua hệ thống ngân hàng được thực hiện rất chặt chẽ. Đó là chưa kể tại nhiều nơi khi bạn đi ăn hay mua sắm, vì lý do nào đó máy không đọc được thẻ của bạn, cho dù là visa hay mastercard. Vì thế, việc mở một tài khoản ngân hàng ở bên này là điều rất cần thiết”, Phương Dung trao đổi.

Phương Dung cho biết thêm, ngoài những lý do này, việc mở tài khoản và đăng ký mở thẻ credit card sẽ rất có lợi trong nhiều trường hợp vì khi sử dụng thẻ này người dùng sẽ được tích điểm. Lấy ví dụ, khi bạn chuyển nhà, chủ nhà sẽ muốn biết điểm tín dụng (credit score) của bạn là bao nhiêu. Nếu điểm tín dụng thấp thì sẽ rất vất vả cho bạn không chỉ trong việc tìm nhà mà còn nhiều vấn đề khác có thể phát sinh nữa. 

Tuy nhiên, so với người bản xứ, việc làm thẻ tín dụng của sinh viên quốc tế sẽ có chút khó khăn vì phải có số an sinh xã hội (social security number). Nguyễn Tuấn Khanh, cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Wentworth, chia sẻ: “Những bạn xin được việc làm trong trường sẽ không phải lo lắng vì tất cả đều được cấp số này. Riêng với những bạn khác thì hơi phức tạp một chút. Ngay tuần đầu tiên đến Mỹ, việc bạn cần làm là mở ngay một tài khoản ngân hàng (checking account) và để hết tiền mặt vào đó. Sau đó, đăng ký xin ngân hàng cho mở thẻ tín dụng an toàn (secured credit card) với hạn mức bằng hoặc lớn hơn một chút so với số tiền bạn gửi. Khi sử dụng thẻ tín dụng sẽ được tích điểm, số điểm càng cao thì số tiền được vay càng lớn nên sau một thời gian sử dụng thì số tiền bạn được mượn cũng sẽ được tăng lên”.

Tránh mất tiền oan

Việc sử dụng thẻ tín dụng cũng cần phải lưu ý nhiều vấn đề nếu không muốn bị mất tiền oan hoặc tiêu dùng vượt quá khả năng chi trả. “Tội phạm công nghệ ở Mỹ rất phổ biến và đã từng có nhiều vụ việc chủ thẻ mất tiền oan do tài khoản thẻ bị lộ thông tin cá nhân. Vì vậy, bạn cần phải bảo mật thông tin cá nhân bằng cách luôn giữ thẻ bên mình, không đưa thẻ cho bất kỳ ai khác và khi mất thẻ phải báo ngay với ngân hàng phát hành thẻ để phong tỏa tài khoản. Khi đặt hàng và thanh toán phải sử dụng máy tính cá nhân bởi máy tính có thể lưu lại các thông tin cá nhân khai báo khi mua hàng nên nếu sử dụng máy tính công cộng hoặc máy tính của người khác thì khả năng bị lộ thông tin rất cao. Ngoài ra, khi mua hàng phải chọn những website đáng tin cậy, có chế độ bảo mật tốt để tránh tin tặc xâm nhập và đánh cắp thông tin”, Tuấn Khanh trao đổi.

Ngoài những cách này, Lê Ngọc Chiến, sinh viên ngành tài chính quốc tế tại Trường Umass Dartmouth, còn gợi ý cách kiểm tra kẻ trộm thông tin tài khoản: “Hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi bảng thống kê chi tiết các khoản vay tín dụng cho khách hàng. Bạn nên kiểm tra kỹ các thông tin xem có đúng là mình đã thực hiện các giao dịch đó không. Nếu có một số giao dịch đúng với thực tế thì nên báo với ngân hàng để bảo mật lại thẻ. Ngoài ra, bạn cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ chi tiêu để tránh việc tiêu quá “lố”, tiền nợ “gối đầu” liên miên, gây ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt ở nước ngoài”.

Linh Vy

Việc sử dụng thẻ tín dụng cũng cần phải lưu ý nhiều vấn đề nếu không muốn bị mất tiền oan hoặc tiêu dùng vượt quá khả năng chi trả.

 

Bình luận (0)