Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Mơ thành chuyên gia hạt nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi sáng, cả khu bán hàng rau củ quả ở chợ Thanh Sơn (TP Phan Rang, Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) chộn rộn hẳn lên khi hay tin thằng nhỏ thường phụ mẹ bán hàng ở chợ “thi đứng nhứt Trường đại học Sài Gòn và đứng nhì khối A Trường đại học Khoa học tự nhiên ở tận TP.HCM”.

Bà con đi chợ chúc mừng trong khi Liêm ngượng nghịu làm công việc hằng ngày giúp mẹ – Ảnh: Duy Thanh
“Thằng nhỏ” đó là Nguyễn Thanh Liêm. Sáng nay vẫn như mọi ngày, Liêm ra chợ phụ mẹ, hơi ngượng nghịu một chút vì quá trời bà con đi chợ hỏi thăm, véo tai, bẹo má. Còn bà Phạm Thị Lương – mẹ Liêm – cười hớn hở, luôn tay cân bí, gọt mướp cho khách vừa luôn miệng trả lời những câu hỏi đại loại như “nuôi con sao mà học giỏi dữ vậy, có bí quyết gì hông?”…
Muốn khám phá lĩnh vực hạt nhân
Liêm thi khối B, ngành khoa học môi trường, đạt tổng cộng 25,5 điểm (làm tròn), trong đó toán 8,25, sinh 7,25 và hóa 9,75. Liêm thổ lộ: “Em rất vui khi giành được số điểm cao như vậy vào Trường đại học Sài Gòn, nhưng ước mơ và con đường em đã chọn là nghiên cứu về lĩnh vực vật lý hạt nhân”.
Liêm đã chạm được vào ước mơ ấy khi đỗ á khoa khối A Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM ngành vật lý hạt nhân với số điểm làm tròn là 28 (toán 8,75, vật lý 9,5 và hóa học 9,5). Liêm nói đã “lập trình” cho việc đi theo con đường vật lý hạt nhân cách đây hai năm.
“Chính phủ đã chọn Ninh Thuận là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN. Đó là một lĩnh vực mới mẻ, có độ thử thách lớn trong nghiên cứu và ứng dụng, rất phù hợp với suy nghĩ của em. Hơn thế, học xong em có cơ hội sống và làm việc ngay trên đất Ninh Thuận quê hương” – Liêm bộc bạch về lý do chọn ngành học.
Người mẹ tảo tần
Nhà Liêm rất nghèo. Ba Liêm là ông Nguyễn Hiệp, 50 tuổi, một cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến trường K suốt hơn ba năm trong giai đoạn cực kỳ khốc liệt (1982-1985). Từ ngày xuất ngũ về quê, lấy vợ sinh con thì ông bệnh tật liên miên, thuốc thang hằng ngày nhưng chẳng đỡ bao nhiêu, bây giờ hoàn toàn mất sức lao động.
Nhà có hai người con, ngoài Liêm lành lặn bình thường – tuy hơi nhỏ con so với bạn bè đồng trang lứa – thì em gái Liêm là Nguyễn Thị Hiền Diệu, 16 tuổi, bị động kinh, chỉ biết bò lết, ú ớ, mọi sinh hoạt đều phải được giúp đỡ.
Bởi vậy, tất cả mọi thứ đều nhờ vào quầy bầu bí nhỏ của bà Lương ở chợ Thanh Sơn. Hằng ngày, khi trời chưa kịp sáng bà đã quày quả đội chiếc nón cời, lên chiếc xe đạp cũ cọc cạnh về chợ Tấn Tài cách nhà gần 3km mua các loại củ quả bỏ lên hai chiếc giỏ lát treo trước tay lái rồi đạp về chợ Thanh Sơn cho kịp buổi chợ sáng.
Chợ tan, bà cọc cạch đạp xe về nhà lo bữa trưa cho cả nhà, khoảng 15g lại đến chợ để bán suất chiều. Hai buổi chợ với biết bao mồ hôi đổ xuống, mỗi ngày bà Lương kiếm lời được khoảng 100.000 đồng.
Liêm đậu cao cả nhà và bà con hàng xóm ai cũng vui. Nhưng trên gương mặt sạm đen của người mẹ hiện lên nỗi lo đau đáu: “Liêm đậu đại học đương nhiên là phải đi học. Nhưng với thu nhập hiện nay của tui thì khó mà kham nổi học phí và chi phí của cháu ở TP.HCM. Chắc là phải tính đường vay mượn thôi…”.
Cậu ruột Liêm cho biết tháng trước ông đưa Liêm đi TP.HCM thi đại học, nhiều người trong dòng họ phải góp phụ với gia đình mới đủ 2 triệu đồng để hai cậu cháu làm lộ phí.
Theo DUY THANH
Tuoi tre
Đủ điều kiện cấp học bổng du học
Chiều 26-7, ông Nguyễn Anh Linh – phó giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo Ninh Thuận – cho biết rất vui và tự hào khi Nguyễn Thanh Liêm, học sinh Trường THPT Chu Văn An, đậu cao trong kỳ thi vừa rồi.
Ông Linh nói: “Theo quy định đã được Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, thí sinh Ninh Thuận thi đại học khối A từ 19 điểm trở lên, học lực lớp 12 đạt điểm trung bình 7,0 trở lên và hạnh kiểm tốt; nếu tình nguyện học ngành hạt nhân và cam kết phục vụ lâu dài cho nhà máy điện hạt nhân ở VN thì đủ điều kiện được đài thọ đi du học ngành này. Hai năm qua, có mười học sinh ở tỉnh Ninh Thuận đủ các điều kiện trên đã được sang Nga du học. Với thành tích đã đạt được, em Nguyễn Thanh Liêm dư điều kiện để được học bổng học ngành vật lý hạt nhân”.

Bình luận (0)