Ông Đào Anh Dũng (ngồi giữa) chủ trì buổi họp xung quanh công tác chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến mở các tuyến hàng không đến Cần Thơ |
Ngày 17-3 tới, TP.Cần Thơ sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến mở các tuyến hàng không trong nước và quốc tế đến Cần Thơ. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ xung quanh sự kiện có ý nghĩa đối với bước phát triển của TP này và cả khu vực.
PV: Xin ông cho biết sự cần thiết và mục tiêu mà TP.Cần Thơ muốn đạt đến chung quanh việc mở các tuyến hàng không trong nước và quốc tế?
Ông Đào Anh Dũng: Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được xây dựng và đưa vào khai thác nhà ga mới cuối năm 2010. Hiện nay, cảng đang phục vụ khai thác các đường bay nội địa và quốc tế như: Cần Thơ – Hà Nội (2 chuyến/ngày), Cần Thơ – Phú Quốc (1 chuyến/ngày), Cần Thơ – Côn Đảo, Cần Thơ – Đài Bắc (trong dịp Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, các tuyến bay hiện hữu quá ít nên vẫn chưa khai thác hết được công suất thiết kế và nhu cầu của hành khách lưu thông đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Chẳng hạn, năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ tiếp nhận 238.000 lượt hành khách trong khi công suất thiết kế là 3.000.000 khách/năm, thấp hơn so với các cảng hàng không trong nước như: Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang): 710.000 lượt khách/năm; Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng): 490.000 lượt khách/năm, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa): 1.500.000 lượt khách/năm. Do đó, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến mở các tuyến hàng không đến TP.Cần Thơ là cần thiết. Nhằm khai thác hiệu quả công suất hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; tăng cường kết nối dịch vụ du lịch, giao thương hàng hóa giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các địa phương; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến các địa phương vùng ĐBSCL đầu tư.
Thưa ông, việc mở các tuyến hàng không này sẽ mở ra những triển vọng phát triển như thế nào cho TP.Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung?
TP.Cần Thơ và ĐBSCL có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai thác triệt để. Những tuyến đường hàng không mở ra sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện cho khách du lịch ở miền Trung, miền Bắc và các nước lân cận đến Cần Thơ, ĐBSCL trực tiếp thay vì phải qua Sân bay Tân Sơn Nhất và di chuyển hơn 3 giờ bằng xe. Ngoài việc thúc đẩy phát triển du lịch, các tuyến hàng không còn tạo điều kiện cho vùng đẩy mạnh thu hút đầu tư và trao đổi hàng hóa, thương mại. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư còn e ngại khi đầu tư vào Cần Thơ và ĐBSCL là vì chúng ta chưa có các chuyến bay trực tiếp. Việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đến TP.HCM sẽ tăng chi phí rất nhiều, dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả. Do đó việc mở các chuyến bay này sẽ góp phần giải quyết tình trạng trên.
Nhân đây, ông có thể cho biết những chính sách ưu đãi của TP.Cần Thơ đối với các hãng hàng không khi mở các tuyến bay mới?
TP.Cần Thơ sẽ thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với các hãng hàng không. Chẳng hạn những chính sách hỗ trợ về thủ tục như: Tạo điều kiện thuận lợi nhất về địa điểm, nhân lực, các thủ tục cần thiết cho các hãng hàng không mở văn phòng đại diện, văn phòng giao dịch hoặc chi nhánh tại TP.Cần Thơ để mở rộng, nối dài các đường bay. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong và ngoài nước hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ bằng cách tích cực kết nối các công ty du lịch, lữ hành để đảm bảo các hãng hàng không có một số ghế tối thiểu nào đó trong mỗi chuyến bay.
Thưa ông, trong quá trình thực hiện, TP.Cần Thơ đang có những thuận lợi và khó khăn gì?
Về thuận lợi, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ giai đoạn 2 hoàn thành có đường hạ cất cánh dài 3.000m, nhà ga quốc tế mới với diện tích 20.700m2, công suất thiết kế 3 triệu khách/năm, đạt cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO, có khả năng khai thác các loại máy bay thân lớn như Boing 747 và tương đương, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách từ Cần Thơ đi các địa phương miền Bắc, miền Trung và các đường bay quốc tế đi, đến các quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á. TP cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ GTVT, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trong việc xúc tiến tổ chức hội nghị mở đường bay. Ngoài ra chủ trương này nhận được sự đồng tình của các công ty du lịch, đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch trên địa bàn Cần Thơ và cả ĐBSCL cùng toàn thể người dân địa phương. Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít, bởi các hãng hàng không còn e ngại việc mở đường bay chưa mang lại hiệu quả kinh tế vì kinh phí đầu tư lớn trong khi thị trường còn khá mới mẻ, lo lắng về tình hình kinh tế ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến sức mua, có tâm lý kinh doanh co cụm để bảo toàn vốn trong thời gian kinh tế bất ổn. Ngoài ra, Cần Thơ cũng chưa có nhiều khu du lịch, chương trình lễ hội mang tầm cỡ khu vực và quốc tế…. Để khắc phục, chúng tôi mời nhiều hãng bay đến khai thác Sân bay Cần Thơ với giá vé phải thật cạnh tranh so với TP.HCM; liên kết với các hãng lữ hành để bán tour cho khách đi từ Cần Thơ đến các điểm du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá các đường bay mới; có chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không quốc tế mới khai thác ví dụ tuyên truyền, quảng bá các đường bay mới, hỗ trợ thủ tục mặt bằng làm văn phòng đại diện; tổ chức nhiều lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế; liên kết du lịch giữa Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch như giảm giá nhưng vẫn giữ chất lượng dịch vụ…
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
Đan Phượng (thực hiện)
Bình luận (0)