Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Mở trói” giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thềm năm học mới, vấn đề Thông tư 30 về việc đánh giá HS tiểu học và mô hình trường học mới VNEN lại “nóng” lên với nhiều ý kiến trái chiều.

Về hai vấn đề này, trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói rõ: “Ý nghĩa của Thông tư 30 là thay đổi cách đánh giá HS; không chỉ đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà còn đánh giá năng lực, ý thức, đánh giá sự tiến bộ của HS trong quá trình học. Đây là sự đổi mới mang tính nhân văn. Thực tế thực hiện Thông tư 30 và mô hình VNEN cũng cho thấy mặt tích cực là HS năng động, sáng tạo hơn, không bị áp lực căng thẳng, tình trạng dạy thêm, học thêm đã giảm. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện cũng có nhiều hạn chế”.

Nhiều người đồng tình với nhận xét của Bộ trưởng. Thật ra, Thông tư 30 và mô hình VNEN không phải do Việt Nam sáng chế ra mà được đúc rút kinh nghiệm từ nước ngoài. Không thể tin một phương pháp đánh giá HS và một mô hình dạy học đã có sức sống lâu dài ở nhiều nước lại bị đánh giá là có nhiều khuyết điểm khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Vậy tại sao có ý kiến trái chiều, có ý kiến phản đối? Vấn đề là ở cách thực hiện chúng. Nó giống như vận động viên leo núi có nhiều con đường để tới đích. Vấn đề là chọn con đường nào. Hãy để cho giáo viên (GV) tự chọn đường tới đích phù hợp điều kiện riêng của mình. Còn nếu bắt tất cả cùng leo một con đường thì GV phản ứng là phải. Vì sao? Vì GV dạy lớp học 50 HS lao động phải khác lớp học có 25 HS. GV bộ môn năng khiếu đảm nhận nhiều lớp hơn phải lao động khác GV văn hóa dạy ít lớp hơn. GV ở thành thị có điều kiện khác GV nông thôn… Nếu bắt tất cả các GV cùng làm các công đoạn đánh giá như nhau thì rõ ràng không phù hợp. Mà đã không phù hợp, không thích thì đẻ ra cách làm hình thức, qua loa, chiếu lệ. Hãy để mỗi GV có cách làm mang dấu ấn và trách nhiệm riêng của mình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Tôi rất mong sự sáng tạo từ cơ sở. Bộ sẽ chỉ quản lý mục tiêu giáo dục, khung chương trình chung còn có độ linh hoạt để cho các trường, các thầy cô giáo sáng tạo, đổi mới. Chừng nào bộ còn tập trung vào chỉ đạo theo hướng cầm tay chỉ việc thì chừng ấy còn nhiều bức xúc”.

Như vậy, vị tư lệnh ngành đã “mở trói” cho GV khi thực hiện Thông tư 30 cũng như mô hình trường học mới VNEN. Nhưng không phải nhà quản lý giáo dục nào cũng thấy điều này. Do vậy, để thực hiện Thông tư 30 hay mô hình VNEN thành công cho thấy vai trò rất quan trọng của cán bộ quản lý giáo dục. Nhiệm vụ của nhà quản lý giáo dục là thay vì rập khuôn hãy tạo điều kiện, giúp GV tìm thấy con đường phù hợp với điều kiện của mình.

“Tôi đang có chỉ đạo rất quyết liệt đổi mới tư duy của những người làm công tác quản lý giáo dục. Đây là điều không đơn giản nhưng tôi hi vọng sẽ thực hiện được”.

Bộ trưởng đã bắt mạch đúng. Vấn đề còn lại là liều thuốc có đủ đô để trị dứt con bệnh rập khuôn, xơ cứng đã tồn tại không ít năm nay trong công tác quản lý giáo dục.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)