Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mở trường mầm non trong khu dân cư mới, KCX-KCN: Ràng buộc ngay khi lập dự án

Tạp Chí Giáo Dục

Le lói điểm sáng mới

Giờ học tiếng Anh tại Trường mầm non Khánh Hội, Q4. Ảnh: LÊ LINH
“Khi xây khu chung cư Khánh Hội để bố trí cho dân tái định cư của thành phố và quận 4, thấy nhiều phụ huynh phải vất vả tìm chỗ học cho trẻ, chúng tôi đã mạnh dạn dành riêng quỹ đất gần 3.000m²  và hơn 16 tỷ đồng để xây trường đáp ứng nhu cầu cấp bách về chỗ học cho các cháu: có 1 trệt, 2 lầu, 14 phòng học, mỗi phòng có diện tích 78m², được trang bị đủ tiện nghi cho hơn 300 bé sinh hoạt. Chúng tôi đang phấn đấu để trở thành trường đạt chuẩn quốc gia” – ông Ngô Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Khánh Hội (Khahomex), cho biết.
Khu công nghệ cao TPHCM cũng đã xây dựng được Trường MN Vàng Anh (T1) phục vụ cho con em các hộ dân tái định cư và nhân dân trong phường Hiệp Phú (quận 9). Trường được xây dựng trên diện tích hơn 2.000m², có 1 trệt, 1 lầu, gồm 10 phòng học, phòng ăn và hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh như sân chơi, sân tập thể dục… Công ty đang chuẩn bị khởi công xây dựng thêm trường MN T2 tại khu công nghệ cao để phục vụ cho con em của các hộ tái định cư và dân cư ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9.
Nhiều gia đình có con nhỏ đang ở tại chung cư cao cấp Conic Garden thuộc khu dân cư Conic Phong Phú cũng đã có thể yên tâm làm việc. Bởi ngay từ lúc có dự án xây dựng khu chung cư, nhà đầu tư đã dành diện tích trong chung cư để làm trường MN.
Mới chỉ làm cho có (!)
Từ khi TPHCM có nhiều KCN-KCX và khu dân cư mới được hình thành, vấn đề thiếu nhà trẻ, trường học ở những khu vực này cũng bắt đầu “nóng” lên.
Quyết định 02/2003 của Chủ tịch UBND TPHCM ban hành về quy hoạch mạng lưới trường lớp có quy định: Cứ 1 khu dân cư có 1.000 người phải có 70 – 80 chỗ học cho trẻ, nhưng trên thực tế dường như vẫn chưa có hiệu lực. Rất nhiều KCN-KCX và khu dân cư mới khi lập dự án thì có quy hoạch đất cho giáo dục, nhưng nhiều nơi sau khi đã “được việc” thì cố tình chậm trễ hoặc không thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng có một vài doanh nghiệp làm được điều này như KCN Tân Tạo. Từ khi thành lập đến tháng 6-2007, đơn vị này bàn giao Trường MN Tân Tạo trị giá 4 tỷ đồng, nhưng trường đãõ quá tải với gần 200 trẻ.
Một số nơi như khu dân cư Hiệp Bình Chánh – Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức), Hoàng Mai 1 và 2 (Q6, Q8) cũng có xây dựng trường và chuyển giao cho ngành giáo dục với tiêu chuẩn 300 – 600 trẻ, nhưng so với mật độ dân cư, hầu hết đều không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TPHCM, chỉ tính đến cuối tháng 5-2009, số học sinh MN tăng hơn 12.000 trẻ so với năm ngoái. Khu vực tăng sĩ số chủ yếu tập trung ở các khu dân cư mới, KCX-KCN. Do đó, nếu TP không có kế hoạch ngay từ bây giờ thì không chỉ hiện nay mà về lâu dài nguy cơ nhiều trẻ không được đến trường là điều không thể tránh khỏi.
Theo quy hoạch phát triển của UBND TPHCM đến năm 2020, sẽ có khoảng 23 KCX-KCN đi vào hoạt động. Quá trình hình thành các KCN sẽ thu hút số lượng lớn lao động tại chỗ và các tỉnh đến làm việc.
Bên cạnh việc đào tạo, giải quyết việc làm cho công nhân, chính quyền TP và các doanh nghiệp trong các KCX-KCN trên địa bàn TP cần phải có hoạch định rõ ràng không chỉ nơi ăn, chốn ở ổn định mà con cái của họ cũng phải có nơi học tập, nuôi dưỡng. Có như vậy, lực lượng công nhân mới yên tâm sản xuất góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Trưởng ban Quản lý KCX-KCN TPHCM Vũ Văn Hòa:
Thành lập KCN-KCX phải có trường mầm non
TPHCM hiện có 13 KCX-KCN đang hoạt động với tổng số lao động khoảng 250.000 người, trong đó, lao động nữ chiếm đa số. Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương mở nhà trẻ trong khu vực này. Chúng tôi vẫn quan tâm hàng đầu khi kiến nghị với cơ quan chức năng ưu tiên, ưu đãi về đất đai, hay thuế cho doanh nghiệp trong việc xây dựng lưu trú. Tuy nhiên, cũng cần phải có những quy định cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Đối với những KCN-KCX đã hình thành, chúng tôi đang vận động họ hỗ trợ địa phương để tạo chỗ học cho trẻ. Đối với những dự án mới trong quy hoạch buộc phải có xây dựng trường học cho trẻ. Do đó, cần có sự chỉ đạo của TP để các doanh nghiệp thực hiện.
Lê Linh (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)