Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mở van khuyến mãi lên 100%

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy không xóa trần khuyến mãi 50% nhưng nghị định 81/2018 vừa ban hành cho phép trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung, mức khuyến mãi có thể lên đến 100%.

Mở van khuyến mãi lên 100% - Ảnh 1.

Không ít doanh nghiệp muốn khuyến mãi trên 50% cho người tiêu dùng nhưng vướng quy định. Trong ảnh: một cơ sở tung khuyến mãi để hút khách – Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều quy định "cởi trói" cho doanh nghiệp trong thủ tục thực hiện khuyến mãi cũng được ban hành. Nghị định có hiệu lực từ 15-7.

Thủ tục đơn giản hơn

Nghị định 81/2018 cũng nới lỏng khá nhiều thủ tục đăng ký khuyến mãi cho doanh nghiệp. 

Trường hợp doanh nghiệp có chương trình khuyến mãi có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng, thương nhân không phải thông báo cho sở công thương địa phương, được linh hoạt thực hiện ngay.

Thủ tục đăng ký hồ sơ thông báo được gửi đến sở công thương cũng được rút ngắn: tối thiểu trước 3 ngày làm việc (trước khi thực hiện khuyến mãi) thay cho 7 ngày làm việc trước đây. 

Đặc biệt các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng qua các sàn như Lazada, Sendo hay Tiki… khi thực hiện khuyến mãi không phải thông báo đến sở công thương mà tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề… sẽ không bị áp hạn mức giảm giá tối đa khi khuyến mãi.

Mở van khuyến mãi lên 100% - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ trần khuyến mãi 50% vì thực tế khó quản lý. Trong ảnh: mời gọi khách mua hàng giảm giá – Ảnh: Q.ĐỊNH

Kỳ vọng bỏ hẳn trần khuyến mãi

Tại TP.HCM, hằng năm TP có chương trình "Tháng khuyến mãi" kéo dài trong suốt tháng 9 và gần đây được nối dài đến tháng 12. 

Từ trước đến nay do bị khống chế mức trần 50% nên theo các chuyên gia, hầu hết các nội dung khuyến mãi trong tháng này không hấp dẫn hơn so với chương trình của doanh nghiệp, dẫn đến sức mua không tăng như mong đợi…

Giám đốc tiếp thị một siêu thị nước ngoài ở TP.HCM cho rằng quy định cho phép khuyến mãi giảm đến 100% sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh tay giảm sâu hơn trong các chương trình chung. Mặt khác, cũng sẽ tạo ra cạnh tranh khuyến mãi giữa các địa phương.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên giữ trần 50% với các chương trình doanh nghiệp tự tổ chức. 

Giám đốc kinh doanh của một trung tâm điện máy có trụ sở ở Q.3 cho biết các lô hàng công nghệ, đặc biệt là điện thoại, tivi… chỉ sau hơn một năm đã lỗi thời. 

Nhà bán lẻ cũng đã đạt lợi nhuận kỳ vọng nên rất muốn đẩy hàng tồn, thu hồi vốn với mức giảm trên 50%. 

Nên cần nghiên cứu bỏ mức khống chế trần 50% với khuyến mãi doanh nghiệp tự tổ chức, tăng quyền lợi người tiêu dùng.

Đại diện Hiệp hội Quảng cáo VN cũng cho rằng hiện nay các hoạt động đăng ký khuyến mãi đã được thực hiện qua trực tuyến. 

Vì vậy, quy định doanh nghiệp có chương trình khuyến mãi có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng không cần đăng ký khuyến mãi là phù hợp, tạo điều kiện cho hàng hóa vận động mạnh, doanh nghiệp giải phóng hàng hóa… Nếu quản, nên tập trung vào doanh nghiệp lớn có khối lượng hàng hóa lớn.

Vị đại diện trên cho rằng việc khống chế mức trần quảng cáo trước đây là để bảo vệ doanh nghiệp nhỏ, giảm tình trạng "cá lớn nuốt cá bé". 

Nhưng hiện Luật cạnh tranh đã ra đời, sân chơi cũng bình đẳng hơn, doanh nghiệp tự cạnh tranh bằng năng lực của mình. 

Do đó, nên để doanh nghiệp tự quyết định giá sản phẩm của mình, cơ quan quản lý chỉ cần kiểm tra chặt về chất lượng sản phẩm thay vì khống chế mức trần khuyến mãi.

Khó quản mức giảm giá thực?

Tại TP.HCM, năm tháng đầu năm 2018, ước tính đã có 32.000 hồ sơ thủ tục hành chính khuyến mãi từ các doanh nghiệp được duyệt qua cổng thông tin trực tuyến.

Bộ phận phụ trách của Sở Công thương phải căng mình đối chiếu thông tin khuyến mãi, so sánh sản phẩm.

Do đó, theo các chuyên gia, không dễ quản lý được các trường hợp vượt trần mức quảng cáo…

Trong khi từ trước đến nay, quy định trần khuyến mãi 50% đã vô hình trung kìm hãm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, với ngành công nghệ hay thời trang… khi cần giải quyết hàng tồn kho, thu hồi vốn.

N.BÌNH/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)