Nhật Bản kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh với các nước ASEAN trong bối cảnh tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc chưa dừng lại
Từ ngày 13 đến 15-3, tranh chấp ở biển Đông sẽ được giới chuyên gia quốc tế mổ xẻ trong cuộc hội thảo tại Mỹ do Hội Châu Á (AS, trụ sở tại New York) phối hợp Trung tâm Châu Á và Toàn cầu hóa (CAG) thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức.
Theo thông báo đăng trên trang web của AS, trung tâm nghiên cứu và tham vấn hàng đầu tại Mỹ về châu Á, hội thảo lần này sẽ tập hợp hàng chục chuyên gia, giáo sư đầu ngành thuộc nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức tư vấn đến từ Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Úc. Chọn góc độ “Biển Đông là nhân tố trung tâm cho hòa bình và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, các chuyên gia sẽ phân tích liệu tranh chấp khu vực này có đang là một quả bom nổ chậm, đòi hỏi phải nhanh chóng tháo gỡ.
Tàu tác chiến gần bờ USS Freedom của Mỹ sẽ được phái tới Singapore trong tháng 3-2013. Ảnh: AP
AS nhận định tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông đã âm ỉ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và được dịp bùng lên theo đà trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Góp phần làm nổi sóng, theo cách nói của Trung Quốc, là quyết định chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương. “Căng thẳng leo thang có chiều hướng tác động tiêu cực đáng kể đến hòa bình và ổn định trong khu vực, dẫn đến yêu cầu cải thiện tiến trình đối thoại liên ngành và xuyên biên giới để ngăn chặn nguy cơ các va chạm nhỏ hiện nay phát triển thành xung đột lớn hơn” – hội trên đánh giá.
Sau lễ khai mạc tối 13-3 (giờ Mỹ), trong 2 ngày sau đó, hội thảo sẽ tiến hành theo 5 tiểu ban khác nhau gồm: Nguồn gốc của tranh chấp; Quan hệ Mỹ – Trung trên biển Đông; Vai trò của luật pháp và quản trị quốc tế; Quan điểm của ASEAN về biển Đông và hệ quả đối với hòa bình – an ninh khu vực; Tìm một hướng tiến tới hợp tác: Các bài học và đề xuất.
Trong khi đó, Nhật Bản ngày 13-3 đã kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại cuộc họp cấp thứ trưởng quốc phòng kéo dài 2 ngày tổ chức ở Tokyo.
Phát biểu khai mạc cuộc họp kín này, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto nói: “Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều vấn đề liên quan tới an ninh và quốc phòng, trong đó có các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Ngoài ưu tiên tăng cường hợp tác kinh tế, Nhật Bản và ASEAN cần thúc đẩy hơn nữa các quan hệ trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng”.
Đây là cuộc đối thoại quốc phòng cấp cao đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhậm chức hồi cuối tháng 12-2012.
Tokyo sẽ đáp trả “thích đáng”
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định ý định khảo sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông của Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc là “không thể chấp nhận”.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 13-3, ông Suga nhấn mạnh: “Nếu thông tin trên chính xác, Nhật Bản không thể chấp nhận điều này. Quần đảo Senkaku là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản trên cả phương diện lịch sử lẫn luật pháp quốc tế”. Khi được hỏi liệu Nhật Bản có bắt giữ các nhà khảo sát Trung Quốc nếu họ đặt chân lên Senkaku, ông Suga cho biết ông không thể trả lời những câu hỏi mang tính giả thuyết nhưng khẳng định Tokyo sẽ đáp trả “thích đáng” bằng luật pháp của Nhật Bản.
Năm ngoái, phía Nhật Bản đã bắt giữ các nhà hoạt động Hồng Kông (Trung Quốc) đổ bộ lên một trong các hòn đảo của Senkaku, làm dấy lên các cuộc biểu tình từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 12-3, ông Lý Bằng Đức, Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc, cho biết nước này dự kiến gửi đội khảo sát đến quần đảo Điếu Ngư vào một “thời điểm thích hợp” để thu thập thông tin cho việc vẽ bản đồ hang động và các đặc trưng khác không quan sát được từ trên không.
theo NLĐ
Bình luận (0)