Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Mổ xẻ” chất lượng giáo dục đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng giáo dục đại học đã được các vị Đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.

Chất lượng sinh viên thấp

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nêu nghịch lý: Ở nhiều trường, tỷ lệ sinh viên ra trường với tấm bằng loại khá, giỏi cao nhưng trên thực tế, chất lượng sinh viên ngày càng thấp. Và ông yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cho biết trách nhiệm của mình trước thực trạng này, đồng thời, nêu rõ giải pháp để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, ngay trong năm học tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, giữa kết quả thực của kiến thức, kỹ năng với điểm số và xếp hạng văn bằng của người học đúng là có khoảng cách. Chính vì thế, Bộ GD – ĐT đã tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng của các trường theo hướng, gắn thương hiệu, trách nhiệm xã hội của nhà trường với bằng cấp phát ra.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) truy: “Trong thời gian qua, Bộ đã thực hiện chức năng kiểm tra của mình được bao nhiêu phần trăm đối tượng cần kiểm tra và có quản lý hết các đối tượng sai phạm hay không?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, ông chưa thống kê được cụ thể số trường mà Bộ GD – ĐT đã tiến hành kiểm tra nhưng năm 2010, Bộ đã đình chỉ tuyển sinh của 2 trường và dừng tuyển sinh tiến sĩ của 101 chuyên ngành do không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng.
 Tuy nhiên, một số trường không đủ tiêu chuẩn vẫn có mã tuyển sinh là do trên thực tế, khi các đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc lại được dẫn đến một cơ sở khác, không phải cơ sở đào tạo chính, gây ra sai sót trong đánh giá. “Chúng tôi thấy việc thanh tra, kiểm tra của mình còn chưa hiệu quả, xin được rút kinh nghiệm”, ông Luận nhận thiếu sót, song vẫn không làm ĐB Tâm thỏa mãn: “Tôi vẫn chưa thấy Bộ trưởng làm rõ vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Khi thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra mà lại ngây thơ để các trường lừa một cách dễ dàng, vậy Bộ trưởng sẽ xử lý thế nào với những sai phạm như vậy?!”.
Mất cân đối nguồn nhân lực
Tại phiên chất vấn, nhiều ý kiến đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD – ĐT giải trình các vấn đề nổi cộm của giáo dục đại học thời gian qua, đặc biệt liên quan đến chất lượng đầu ra. ĐB Đoàn Nguyễn Thúy Trang (TP. HCM) âu lo hỏi: “Những kỳ tuyển sinh gần đây đã chứng kiến sự sa sút nghiêm trọng của khối ngành KHXH&NV. Năm 2011, chỉ có 4,4% thí sinh đăng ký thi khối C, nhiều trường phải đóng cửa các ngành KHXH&NV vì không đủ số lượng sinh viên. Điều này rất đáng lo ngại vì sẽ dẫn tới sự mất cân đối nguồn nhân lực.
Đồng thời, một xã hội không quan tâm đầy đủ đến KHXH&NV thì con người sẽ phát triển như thế nào? Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?”. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, không chỉ có các ngành KHXH&NV mà còn nhiều ngành khác như Nông – Lâm – Ngư nghiệp, năm vừa qua cũng chỉ thu được 2,5% số hồ sơ đăng ký dự thi, trong khi hơn 70% dân số của nước ta là nông dân và làm nông nghiệp. Tương tự, chỉ có 1,8% hồ sơ dự thi Kiến trúc, Xây dựng dù nhu cầu của xã hội là không nhỏ… Giải pháp khắc phục sự mất cân đối này, theo ông Luận là Nhà nước cần xây dựng một lộ trình quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, những dự báo nhân lực để học sinh, phụ huynh có cơ sở định hướng học tập.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Bình) và một số đại biểu băn khoăn về chất lượng đào tạo của hình thức tại chức, từ xa, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thực sự của cán bộ, công chức, viên chức. Theo Bộ trưởng Luận, chất lượng tại chức yếu là do chưa quản lý được chất lượng đào tạo và còn nhiều hiện tượng tiêu cực. “Thời gian tới, Bộ sẽ có những điều chỉnh để khắc phục hiện tượng trên. Đối với hình thức đào tạo từ xa, Bộ sẽ có những nghiên cứu, chấn chỉnh cụ thể. Quan điểm của Bộ là sẽ không có sự phân biệt giữa trường đại học công lập và ngoài công lập, giữa đào tạo chính quy tập trung với tại chức”, ông Luận khẳng định.
“Tại sao sinh viên Việt Nam được đánh giá là rất thông minh nhưng khi đi làm vẫn bị nói là thiếu năng lực? Hiện nay, ở Việt Nam có bao nhiêu trường được xếp hạng là có chất lượng cao và đến bao giờ, sinh viên Việt Nam mới được học những chương trình đào tạo có chất lượng ngay trên quê hương mình?”.
(ĐB Bùi Mạnh Hùng, Bình Phước)

“Số lượng sinh viên ngày càng tăng nhưng số lượng được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp lại rất ít. Nhiều cử tri cho rằng, đây là một lãng phí rất lớn về ngân sách, thời gian, tiền bạc của nhân dân”.
(ĐB Phương Thị Thanh, Bắc Kạn)

Theo SVVN

Bình luận (0)