Nghỉ làm vì lương không đủ tiền đổ xăng
Theo số liệu thống kê đến đầu tháng 10, TP.HCM vẫn thiếu 223 giáo viên mầm non và 557 giáo viên tiểu học. Trong đó, các quân thiếu nhiều nhất là Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và quận 11.
Điều đáng nói, lượng giáo viên tuyển về đã khó, số ra đi thì lại càng đông. Năm qua, toàn thành phố có gần 100 giáo viên mầm non và tiểu học xin nghỉ việc. Các giáo viên trẻ thường xin nghỉ việc khi nhận được lời mời từ các trường tư thục hay việc làm khác có mức lương hấp dẫn hơn.
“Dù muốn gắn bó với nghề nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền với chúng tôi còn chưa duy trì được”, cô Trịnh Thị Hoa (Q.1, TP.HCM) chia sẻ sau quyết định thôi việc.
Sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp giáo viên mầm non, Hoa xin vào dạy tại một trường mầm non ở Q.1. Với đồng lương 2 triệu đồng/tháng, Hoa phải lo đủ thứ từ tiền trọ, ăn uống và xăng xe. “Khi có chuyện gì như cưới xin tôi thường phải vay bên ngoài, vì không còn một đồng tích lũy”, Hoa nói.
Hoa nói thêm: “Cuộc sống rất khó khăn, cầm tiền đi chợ mỗi ngày, muốn mua món gì cũng phải đắn đo, suy tính”.
Cô Phan Quỳnh Trang, huyện Củ Chi cũng vừa xin nghỉ việc để làm công ty gần nhà. Cô cho biết, hằng ngày cô đi tới 20km để chạy vào thành phố dạy học, tiền xăng xe không đủ, đến tít tối mới về nên không có thời gian chăm sóc gia đình.
Trả lời trên báo Đất Việt, bà Ngô Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Nguyễn Thái Bình (Q1, TP.HCM), cho biết năm nào trường cũng có giáo viên xin nghỉ vì thu nhập không đủ sống làm cho hoạt động của trường rất khó khăn. Mặc dù nhà trường đã tìm đủ mọi cách để động viên, hỗ trợ tạo thuận lợi về thời gian nhưng giáo viên vẫn xin nghỉ việc.
Nới rộng vẫn thiếu!
Thiếu giáo viên nên năm học vừa qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phải nới rộng diện xét tuyển so với mọi năm. Chỉ cần có KT3 (giấy đăng ký tạm trú dài hạn ở TP.HCM) là đủ điều kiện dự tuyển.
Tuy nhiên, sau đợt dự tuyển, thành phố mới tuyển được trên 500 giáo viên mầm non, còn thiếu trên 400 GV. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD&ĐT Q.3, cho biết trong đợt tuyển dụng giáo viên mầm non lần đầu, Q.3 có 25 ứng viên đăng ký. Tuy nhiên đến rà soát dữ liệu chỉ có 20 ứng viên, trong đó có 19 ứng viên trúng tuyển, vẫn còn thiếu 27 GV so với nhu cầu.
Trả lời báo Người lao động, bà Nguyệt lo lắng: “Quận 3 TP.HCM còn thiếu hơn 20 giáo viên, ở quận 8 cũng đang thiếu 26 giáo viên mầm non nhưng nhiều người đang muốn nộp đơn nghỉ việc”.
“Nhiều giáo sinh mới ra trường chứng kiến cảnh giáo viên mầm non quá vất vả nên nản chí”, bà Nguyệt nói.
Ảnh minh họa: Mấu chốt của sự việc là do lương và chế độc tuyển dụng! |
Mấu chốt: Lương và tuyển dụng!
Câu trả lời cho tình trạng trên đó là do đời sống giáo viên hiện nay chưa ổn định. Thu nhập còn chênh lệch giữa các địa phương nên giáo viên còn đắn đo trong việc chọn nơi làm việc.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn, thầy Phan Văn Kèo chia sẻ với Dantri rằng, nhiều giáo viên ở nơi khác đến dạy một thời gian ngắn, khi đủ điều kiện họ lại tìm cách xin đi đến ở những nơi tốt hơn. Thế nên số mới vừa đến thì số cũ lại đi nên thiếu vẫn hoàn thiếu.
Thực tế là thu nhập của các giáo viên vẫn còn thấp nên khiến những thầy cô giáo có tâm huyết nhất có lúc cũng phải đắn đo. Nhất là ở ngoại thành, giáo viên không thể có thêm nguồn nào khác ngoài lương và phụ cấp của ngành. Và với mức lương của giáo viên mới ra trường khoảng 2triệu đồng/tháng, GV có thâm niên khoảng trên dưới 3 triệu đồng/tháng nhưng phải gánh đủ thứ từ tiền nhà, xăng xe, nhiều chi phí phát sinh khác… khiến nhiều người chùn bước.
Cũng trên Dantri, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhận định, cái gốc của bài toán thiếu giáo viên là ở chỗ lương bổng và tuyển dụng. Việc tuyển dụng Sở có thể giải quyết được khi phân cấp cho các quận huyện phân công nhiệm sở hợp lý, giáo sinh ra trường đảm bảo có việc làm ngay. Ngược lại, dù cố gắng thì chính sách lương bổng lại nằm ngoài thẩm quyền của Sở. Do đó, tình trạng thiếu giáo viên mỗi năm học mới lại trở thành bài toán khó giải.
Theo ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT, việc thiếu giáo viên một phần là do tâm lý – rất ít người đăng ký thi vào ngành này nên khiến cho "đầu ra" bị hụt.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, muốn nâng cao nhất lượng giáo dục mầm non thì đời sống của giáo viên, bảo mẫu phải được cải thiện.
Bình luận (0)