Tòa soạnThư đi – tin lại

Móc túi hoành hành trên xe buýt

Tạp Chí Giáo Dục

Kẻ gian thường lợi dụng hành khách mất cảnh giác khi chen lấn lên xe buýt để móc túi.(Ảnh chụp trước trạm xe buýt tại Q.1, TP.HCM)

“Một số tuyến phức tạp, nhân viên soát vé xe buýt biết nhẵn mặt kẻ gian nhưng không dám lên tiếng. Chỉ với câu “hành lý trên xe quý khách tự giữ lấy” là nhà xe bỏ mặc trách nhiệm với hành khách…” với những khách thường xuyên đi xe buýt câu nói đại loại như thế này trở thành quen thuộc với họ…
Sơ hở là… mất!
Anh Nguyễn Văn Hiển kể “Tôi đang nhắn tin điện thoại khi đợi xe buýt tại trạm gần Bến xe Miền Đông, xe buýt số 8 đến, tôi bỏ nó vào túi rồi vội vàng lên xe. Sau một lúc chen lấn tìm chỗ đứng, tôi sờ vào túi quần thì phát hiện điện thoại đã… “không cánh mà bay”…”. Anh Thu, sinh viên (SV) Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM cảnh báo rằng, các tuyến xe buýt số 8, 19, 104… rất hay xảy ra tình trạng móc túi. Tuyến xe buýt số 19 chạy ngang Bến xe Lam Hồng (xa lộ Đại Hàn), chợ đầu mối Thủ Đức, là nơi tập trung nhiều đối tượng chuyên trà trộn lên xe để trộm cắp, móc túi”. Mỹ Lệ (SV Khoa Thư viện Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM) hoảng hốt khi chứng kiến 3 vụ móc túi trên xe buýt chỉ cách nhau có vài ngày. Mỹ Lệ kể: “Đầu tiên là 2 vụ mất điện thoại trên xe buýt số 19, nạn nhân đều là SV. Vụ thứ nhất diễn ra vào buổi sáng, một nữ SV lên xe được vài phút thì la lên “mất điện thoại”. May nhờ những người trên xe nhá máy, truy tìm nên tên móc túi vứt điện thoại trong góc sàn của xe buýt. Vụ buổi chiều cũng tương tự, mọi người trên xe nhá máy tìm quanh, phát hiện một tên rất khả nghi nhưng chưa kịp nói gì thì xe ghé trạm, tên này xuống mất. Sau đó, ở tuyến xe buýt số 19, hai tên trộm thấy một cô gái mở túi trả tiền là tìm cách nhích đến dàn cảnh chen lấn rồi móc túi. Em thấy một ông chen lấn rồi thò tay móc túi cô gái nhưng không dám nói, vì hai ông này nhìn bặm trợn quá. Khi ông này vừa xuống xe, cô gái kêu mất ví và khóc quá trời”.
Bọn “đạo chích” lợi dụng các tuyến xe đông khách, nhiều SV hay dân tỉnh lên phố còn khờ khạo để chôm chỉa. Trong đó, “món” khoái khẩu nhất của bọn chúng là… điện thoại di động. Anh Thanh Hùng (nhân viên một công ty ở Phú Nhuận) cho biết: “Thường là bọn chúng “săn hàng” theo băng nhóm, trà trộn lên xe buýt, dàn cảnh để chôm điện thoại, móc túi. Tôi rất cảnh giác nhưng cũng đã “cúng” cho bọn chúng chiếc điện thoại tại trạm chờ xe buýt gần Suối Tiên”.
Cần cảnh giác cao độ
Khi đề cập tình trạng này, hành khách xe buýt rất bức xúc trước thái độ của nhà xe. Mỹ Lệ nói: “Khi nữ SV truy hô “mất điện thoại”, nhân viên soát vé lạnh lùng buông một câu “điện thoại của em chứ đâu phải điện thoại của anh” rồi bỏ đi lên phía trước xe. Tài xế cũng không nói gì, cứ cho xe chạy, chỉ có khách đi xe buýt tỏ ra sốt sắng tìm giúp cho nạn nhân này”. Tương tự, anh Hùng cho biết: “Khi nạn nhân hô hoán bị móc túi, một số ít bác tài, nhân viên soát vé có trách nhiệm sẽ cố gắng ngăn chặn bọn trộm. Còn lại đa số họ làm lơ, bỏ mặc khách hàng vì “hành lý trên xe quý khách tự giữ lấy”. Anh Nguyễn Văn Hiển bức xúc: “Thái độ của tài xế, nhân viên soát vé đã vô tình tiếp tay cho kẻ gian. Nếu họ làm quyết liệt, mời công an vào cuộc thì tình trạng này sẽ giảm hẳn”.
Anh Thu nhận định: “Chắc chắn, sau khi thi tú tài, nhiều thí sinh ở tỉnh đến Sài Gòn luyện thi sẽ trở thành “miếng mồi” cho bọn trộm cắp trên xe buýt. Đặc biệt, vào kỳ thi cao đẳng, đại học, các tuyến xe buýt đều quá tải, trong đó phụ huynh, thí sinh sẽ trở thành mục tiêu để bọn móc túi hoạt động”.
Trước tình trạng này, các thí sinh, SV phải tự bảo vệ tài sản của mình. Hơn nữa, lực lượng thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi cần liên tục cảnh báo để các thí sinh này đề cao cảnh giác khi đi xe buýt.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang
Với “kinh nghiệm” nhiều lần trở thành… nạn nhân hoặc chứng kiến cảnh móc túi trên xe buýt, nhiều SV cho biết một số “điểm đen”, như các trạm chờ xe buýt ở gần Suối Tiên, Bến xe Lam Hồng, chợ đầu mối Thủ Đức, Bến xe Miền Đông…
 

Bình luận (0)