Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mỗi bài học cần một sự trải nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục trẻ bằng những lý thuyết dù hấp dẫn thì cũng không có ý nghĩa gì hết nếu như những lý thuyết đó không được trải nghiệm với cuộc sống xung quanh trẻ.

Trẻ có trải qua thực tiễn mới hiểu đúng và thân thiện với môi trường. Ảnh: Học sinh tiểu học tham dự cuộc thi Robotics do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Trinh

Ở thành thị việc xả rác bừa bãi lâu nay là vấn nạn và cũng có rất nhiều ý kiến để hạn chế việc xả rác bừa bãi. Đa số ý kiến cho rằng phải bắt đầu từ thế hệ trẻ. Tuy nhiên, theo tôi, giáo dục trẻ ở thành thị nếu không được bài bản, đặc biệt không được cho trẻ có cơ hội để quan sát, so sánh, thực hành với thực tế cuộc sống thì cũng không có tác dụng. Ai cũng phải thừa nhận, trẻ thành thị được học hành những kiến thức về bảo vệ môi trường khá bài bản, có đầy đủ những phương tiện để mô tả, giải thích sinh động và hấp dẫn, song không ít trẻ học xong lại quên ngay, và hành động xả rác vẫn tiếp tục… Chẳng hạn, học kỳ quân đội cũng là một ví dụ điển hình. Nhiều trẻ ở thành thị được trải qua các khóa học kỹ năng sống đều đặn nhưng cũng không ít trẻ chưa đưa bài học đó trở thành những thói quen thường xuyên, liên tục hàng ngày. Hiện tượng học sinh, sinh viên tụ tập ở công viên, nhà chờ xe buýt, lưu thông trên đường… vẫn vô tư xả rác như là một thói quen của nhiều người khác.

Giáo dục trẻ nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung cũng như việc xả rác bừa bãi là việc làm cần thiết nhất là ở gia đình, nhà trường.

Ở gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình để lại dấu ấn rõ nét trong nhân cách của trẻ. Mỗi cha mẹ nếu dạy trẻ ngay từ những thói quen gọn gàng, sạch sẽ theo từng độ tuổi nhất định thì lớn lên trẻ cũng dễ dàng thực hiện theo những thói quen đó. Trẻ 2-3 tuổi, người lớn nên kết hợp vừa chỉ bảo vừa làm gương cho trẻ quan sát; khi trẻ có hành động vứt rác bừa bãi nên cùng trẻ thu gom vào những vị trí nhất định. Cụ thể là các đồ chơi, người lớn khi cho trẻ chơi xong thì hãy động viên, yêu cầu trẻ cất đồ chơi vào các rổ đựng đồ. Trẻ 4-5 tuổi, bên cạnh việc giáo dục, uốn nắn, làm gương thì cần để trẻ tự thực hiện theo yêu cầu của người lớn, dần dần dạy cho trẻ hiểu giá trị của việc gọn gàng, ngăn nắp trong gia đình. Mỗi khi trẻ thực hiện dù đúng sai, đều phải phân tích cho trẻ hiểu. Tốt nhất hãy cho trẻ làm những việc như quét nhà, gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân hàng ngày… Nếu trẻ xả rác bừa bãi có thể trừng phạt bằng cách không cho trẻ được chơi với những món đồ đó nữa. Thậm chí, người lớn chỉ cho trẻ thấy hậu quả của việc xả rác như: Đồ chơi của con vứt bừa bãi bị dơ bẩn nên mẹ không cho con chơi nữa hoặc mẹ bỏ đồ chơi của con vào thùng rác rồi vì con không thu gom để kiến bò vào…; như vậy trẻ sẽ rút được kinh nghiệm cho những lần sau.

Ở nhà trường, bên cạnh những bài học về giáo dục môi trường (giáo dục qua sách giáo khoa; xem các bộ phim tư liệu về việc học sinh, sinh viên, người dân tham gia bảo vệ môi trường; hậu quả của ô nhiễm môi trường…) thì giáo viên nên tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế. Cụ thể là đưa các em đến quan sát những khu vực mà thường xảy ra hiện tượng xả rác bừa bãi. Chẳng hạn, đến các công viên, nhà ga, sông rạch…, nơi có nhiều rác thải, chất thải đồng thời chỉ cho các em thấy được các hành động xả rác là thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Tổ chức thường xuyên các buổi vệ sinh môi trường ở các khu vực công cộng như bãi biển, công viên, nhà ga, khu phố…

Chỉ có thực tiễn mới giúp trẻ có những hiểu biết đúng và hành động thân thiện với môi trường. Nếu chỉ lý thuyết suông thì việc giáo dục cũng chẳng mang lại giá trị cho cuộc sống.

Nguyễn Văn Công

Bình luận (0)