Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Mỗi bài thi được chấm 2 lần độc lập

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi tổ chức tốt công tác coi thi, hiện nay, các ĐH, học viện, trường ĐH bắt đầu triển khai việc chấm thi. Cần phải làm gì để việc chấm thi đạt yêu cầu đánh giá đúng chất lượng thí sinh (TS) và tránh những sai sót có thể xảy ra, cuộc trao đổi giữa phóng viên với Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Nghĩa sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về quan điểm cũng như sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về công tác này. 

– Thưa ông, để thực hiện tốt công tác chấm thi cho kỳ thi năm nay, những điểm hạn chế nào của năm trước cần được rút kinh nghiệm? 

Thực hiện nghiêm túc công tác chấm thi sẽ bảo đảm sự công bằng và quyền lợi cho thí sinh. Ảnh: Viết Thành

– Năm 2008 việc chấm thi được hoàn thành sớm hơn so với dự kiến, đạt chất lượng nên các khiếu nại về kết quả thi so với mọi năm giảm. 
Tuy nhiên, việc chấm thi của năm trước cũng bộc lộ một số hạn chế vẫn còn ở một số nơi, như cán bộ chấm thi lần 1 chấm trực tiếp vào bài làm của TS, để lại ký hiệu, bút tích; sửa điểm bài thi nhưng không ký xác nhận. Việc giao nhận túi bài thi giữa tổ thư ký chấm thi với các trưởng môn chấm và giữa trưởng môn chấm đối với cán bộ chấm thi không qua bốc thăm mà giao trực tiếp. Việc xử lý kết quả sau 2-3 lần chấm không đúng quy định, còn mang tính thỏa hiệp. Một số trường để điểm tổng 3 môn lẻ nhỏ hơn 0,25 điểm hoặc lớn hơn 0,75 điểm là sai quy chế. Đây là những điểm sẽ được khắc phục trong công tác chấm thi năm nay. 
– Năm nay những hạn chế này sẽ được khắc phục bằng cách nào, thưa ông? 
– Có nhiều điều trong công tác chấm thi mà các ĐH, học viên, các trường, cần đặc biệt lưu ý. Thứ nhất, các trường phải bố trí nơi chấm thi và nơi bảo quản bài thi gần nhau, liên tục có người bảo vệ suốt ngày đêm, có đủ phương tiện để bảo mật và bảo quản bài thi. Các giám khảo tuyệt đối không được mang tài liệu, giấy tờ riêng và các loại bút không nằm trong quy định của ban chấm thi khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi. Việc chấm thi phải tuân thủ đúng quy chế như đối với việc chấm bài tự luận, trước khi chấm, cán bộ chấm thi kiểm tra từng bài xem có đủ số tờ, đủ số phách không và gạch chéo tất cả phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết. Ngoài ra, trong lần chấm đầu, cán bộ chấm thi tuyệt đối không ghi gì vào bài làm của TS. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét được ghi vào phiếu chấm của từng bài. Đến vòng chấm thứ 2, trưởng môn chấm thi bốc thăm người chấm. Cán bộ chấm thi lần này chấm trực tiếp trên bài làm, phải chấm điểm từng ý nhỏ, ghi rõ ra lề bài thi cạnh ý được chấm, cán bộ chấm thi cũng phải tính điểm thành phần và điểm toàn bài. Những yêu cầu như chấm đúng theo đáp án, thang điểm, hướng dẫn chấm, phiếu chấm của Bộ; thảo luận kỹ về đáp án, thang điểm, hướng dẫn chấm trước khi chấm; tổ chức chấm thử cũng phải thực hiện nghiêm quy định chấm thi theo 2 vòng độc lập… một lần nữa được nhấn mạnh
– Có thể nói, để bảo đảm tính chính xác, công bằng của việc chấm thi, biện pháp chấm 2 vòng độc lập luôn được Bộ yêu cầu các trường thực hiện. Tuy nhiên, đây là việc không dễ kiểm soát, nhất là với những trường TS dự thi đông, áp lực về tiến độ luôn khiến các trường có thể tìm cách bớt công đoạn. Theo ông, cần kiểm soát việc chấm thi như thế nào để có thể phát huy hiệu quả của biện pháp chấm thi 2 vòng độc lập?
– Năm trước, trên thực tế, cũng có một vài nơi không thực hiện quy định chấm 2 vòng độc lập hoặc có làm thì chỉ là hình thức. Năm nay, Bộ sẽ tăng cường thanh tra khâu chấm thi, nhất là những điểm “nóng” để hạn chế tình trạng này. Cũng có một số giải pháp như cố định cán bộ chấm thi tại các phòng chấm để tránh tình trạng cán bộ chấm thi vòng 1 buổi sau bốc thăm được chấm vòng 2 và túi bài chấm vòng 1 hôm trước rơi vào người ngồi bên cạnh, hay quy định cụ thể mầu mực dùng cho cán bộ chấm thi để dễ dàng phân biệt chữ của cán bộ chấm thi thứ nhất với cán bộ chấm thi thứ hai. Theo quy định của quy chế, sau hai lần chấm, bài thi của TS sẽ được ban thư ký so sánh kết quả và xử lý. Nếu điểm toàn bài lệch từ 0,5-1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, từ 1-1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội thì hai cán bộ chấm phải đối thoại và báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm. Nếu điểm toàn bài lệch trên 1 điểm với môn khoa học tự nhiên và trên 1,5 điểm với môn khoa học xã hội thì trưởng môn chấm thi phải tổ chức chấm lần thứ ba. Đây là những biện pháp để nâng cao hiệu quả của việc chấm 2 vòng độc lập, tuy nhiên, tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tinh thần, thái độ và trách nhiệm của giám khảo cũng như của lãnh đạo các hội đồng tuyển sinh.
– Vậy với những môn thi trắc nghiệm mà kết quả chấm không phụ thuộc nhiều vào chủ quan của người chấm thì có cần lưu ý gì không, thưa ông ?
– Việc chấm bài thi trắc nghiệm phải thực hiện đúng quy trình, tiến độ và các yêu cầu kỹ thuật đã quy định tại các công văn và hướng dẫn đã gửi các trường. Bộ chỉ xin lưu ý các đơn vị tự chấm và chấm bài thi cho các đơn vị khác phải có đủ các điều kiện về nhân lực, máy móc, thiết bị, phần mềm và tổ chức chấm thi bảo đảm các yêu cầu đã đề ra, đặc biệt lưu ý khi quét và chấm bài thi môn Vật lý (khối A) của các TS đã sử dụng đề thi bị lỗi do ĐH Quy Nhơn in sai. Với các đơn vị gửi bài cho các đơn vị khác chấm thi thì phải có hợp đồng chặt chẽ và chi tiết với đơn vị chấm, ghi rõ trách nhiệm mỗi bên và yêu cầu đơn vị chấm thực hiện đúng quy trình xử lý và chấm bài thi theo quy định.
– Trước băn khoăn việc chấm thi môn Ngữ văn có theo hướng mở để tránh thiệt thòi cho những TS có tính sáng tạo, Bộ có chỉ đạo gì hay không?
– Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh năm nay được đánh giá là đã ra theo hướng mở, tránh việc học vẹt, học tủ của TS, nên trong hướng dẫn của Bộ đối với môn Ngữ văn chắc chắn sẽ đặt ra yêu cầu khuyến khích tính sáng tạo của TS, tránh việc “đếm ý cho điểm”. Bên cạnh đó, trên cơ sở biểu điểm cũng như hướng dẫn chấm thi, các hội đồng chấm đều phải thảo luận để thống nhất cách chấm thi sao cho phù hợp, bảo đảm công bằng và quyền lợi cho TS, đặc biệt những TS có sáng tạo riêng. Các trường cần nghiên cứu kỹ đáp án, thang điểm, hướng dẫn chấm để có sự thống nhất cao về cách chấm thi. Đối với những bài làm đúng, có sáng tạo, độc đáo khác với đáp án, giám khảo có thể thưởng điểm theo quy định của quy chế. Điểm này không chỉ áp dụng với môn Ngữ văn mà còn được áp dụng với các môn tự luận khác. Ngày hôm nay, Bộ sẽ có công văn lưu ý các trường tăng cường chỉ đạo trong công tác chấm thi.
– Xin cám ơn ông!
Quỳnh Phạm thực hiện (HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)