Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mời bạn đọc tham gia chuyên mục mới: Truyện Kiều – Cảo thơm lần giở…

Tạp Chí Giáo Dục

 

Chuyên mục do nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít phụ trách sẽ xuất hiện mỗi tuần một kỳ trên trang Văn hóa văn nghệ, số ra ngày thứ tư hàng tuần. Kính mời quý thầy cô dạy văn và bạn đọc yêu thích cùng tham gia trao đổi. Kỳ 1 chuyên mục này nêu vấn đề “Hai nhân vật chính trong Truyện Kiều: Kim Trọng và Thúy Kiều – Nguyễn Du đã kí thác tâm sự vào nhân vật nào?”. Rất mong quý thầy cô, bạn đọc cùng tham gia.
Ban biên tập
Hai nhân vật chính trong Truyện Kiều Kim Trọng và Thúy Kiều, Nguyễn Du kí thác tâm sự vào nhân vật nào?

Thúy Kiều – Kim Trọng trong vở cải lương Kim Vân Kiều (ảnh minh họa). Ảnh: S.M

Có lẽ khi ông Dương Quảng Hàm trên Tạp chí Tri Tân số 4 (26-4-1941) và ông Đào Duy Anh trên Tri Tân số 6 (5-7-1941) cho rằng Nguyễn Du đã dựa vào cuốn Kim-Vân-Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) mà viết ra Truyện Kiều, từ đấy hầu như các nhà nghiên cứu đã bằng lòng với kết luận ấy.
Nhưng TTTN là ai? Đáng tiếc, các nhà nghiên cứu Trung Quốc chưa làm rõ lai lịch nhà văn mà Nguyễn Du và người Việt chúng ta đều hàm ơn. Có tư liệu (không dám đảm bảo độ chính xác) cho rằng: Thanh Tâm Tài Nhân là Từ Vị (Từ Văn Trường), tác giả bộ Ngũ Thanh Viên, là người yêu của Thuý Kiều trong đời thực. Thuý Kiều bị Từ Hải bắt về làm vợ, TTTH tức lắm. Ông đã hiến kế dụ hàng cho Hồ Tôn Hiến mong đánh dẹp Từ Hải và giành lại Thuý Kiều. Nhưng Hồ Tôn sau khi đánh tan “giặc” Từ Hải lại cướp Thúy Kiều. Hồ gửi Kiều trong một ngôi chùa và lui tới huởng thụ. TTTN đành lén lút giả dạng thầy tu đến với Kiều. Hồ biết được, bắt các thầy tu xếp hàng (trong đó có TTTN) để Kiều chỉ mặt. Thương TTTN quá, Kiều chỉ bừa vào một thầy tu vô tội. Thầy tu ấy bị Hồ Tôn Hiến chém chết. Xúc động trước tấm lòng cưu mang, che chở của Thuý Kiều, TTTN hẹn với lòng mình: dẫu Thúy Kiều trôi nổi ở đâu, sa cơ thất thế như thế nào, TTTN vẫn một lòng chung thủy. Kim Trọng trong Kim Vân Kiều Truyện là hiện thân của tác giả. Chưa hiểu chuyện xảy ra đúng với sự thật ra sao, nhưng nếu đúng vậy, quả là một chuyện tình đáng ghi vào sử sách.
Còn Nguyễn Du?. Nguyễn Du vẫn tôn trọng và quý mến Kim Trọng nhưng có lẽ tâm sự của Nguyễn tiên sinh kí thác vào Thúy Kiều. Nguyễn Du thương Thúy Kiều ngày nào sống trong một gia đình nề nếp, phong lưu nay bị trôi dạt đau đớn ê chề. Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường, thương Thúy Kiều, đấy cũng là nỗi thương xót cho bản thân mình. Ngày nào gia đình Nguyễn Du: Trâm anh thế phiệt nhất nước Nam mà nhà thơ phải chịu cảnh mười năm gió bụi, đói rét cơ hàn, bệnh tật! Mỗi lần Thuý Kiều bị hành hạ đớn đau, Nguyễn Du cảm thấy như chính mình bị đòn roi, bị chà đạp: Thịt da ai cũng là nguời/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau! Thuý Kiều chỉ vì có tài, có sắc mà bị đày đoạ, Nguyễn Du như nghĩ đến thân phận của mình, kêu lên: Tài tình chi lắm cho trời đất ghen! Nguyễn Du cũng đã nhiều phen vươn lên con đường kinh bang tế thế nhưng không ít phen thất bại, Thuý Kiều bao lần làm lại cuộc đời mà vẫn rơi vào chốn bùn nhơ: Tiếc thay nuớc đã đánh phèn – Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!
Có nguời cho rằng Nguyễn Du đã viết cuộc đời Thuý Kiều mấy lần có chồng nhưng lòng vẫn trắng trong huớng về Kim Trọng, ấy cũng là Nguyễn Du muốn thanh minh với đời về tấm lòng nhớ đến Lê triều của mình…
Lê Xuân Lít
Kỳ 2: Gọi là “Tryện Kiều” liệu có đúng ý Nguyễn Du?

 

Bình luận (0)