Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mời bạn tham gia cuộc thi: “Giải quyết tình huống giáo dục” lần X

Tạp Chí Giáo Dục

 

1. Mục đích
Cuộc thi giúp thầy cô giáo, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục, bạn đọc… trao đổi kinh nghiệm quản lý, giáo dục học sinh, con cái – đặc biệt là các em chưa ngoan.
Qua 9 lần tổ chức, Ban tổ chức nhận thấy ngày càng có nhiều giáo viên, bạn đọc tham gia cuộc thi (tổng kết mỗi năm có hàng chục ngàn giáo viên, bạn đọc hưởng ứng), ngày càng cần thiết đối với giáo viên, bạn đọc. Cuộc thi đã thành diễn đàn truyền thống trên Báo Giáo Dục TP.HCM hàng năm. Lần thứ X tổ chức, điều lệ cuộc thi và giải thưởng được cải tiến và nâng cao hơn.
2. Điều kiện tham dự
– Người tham dự gửi bài viết dự thi. Nội dung bài nêu biện pháp, kinh nghiệm giải quyết tình huống đã được nêu trên báo (nêu nhận thức, lý luận, biện pháp tiến hành, kết quả), ưu tiên chọn giải cho tác giả gửi bài sớm.
– Những bài tương đối tốt được Ban biên tập chọn đăng báo để mọi người cùng trao đổi kinh nghiệm, các tác giả có thể tranh luận với nhau. Những bài đăng báo tòa soạn tính nhuận bút.
– Ban giám khảo (gồm nhà giáo, nhà báo, nhà văn) sẽ chấm các bài đã được chọn đăng, xếp hạng các bài nhận giải thưởng và công bố vào tháng 5-2009.
3. Cơ cấu giải thưởng:
* Cá nhân:
– 1 giải nhất: trị giá 4 triệu đồng và quà tặng.
– 1 giải nhì: trị giá 3 triệu đồng và quà tặng.
– 1 giải ba: trị giá 2 triệu đồng và quà tặng.
– 10 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 500 ngàn đồng và quà tặng.
* Tập thể:
– Giải thưởng là 1 máy vi tính dành cho một đơn vị có số lượng giáo viên tham gia nhiều nhất.
4. Những điều cần lưu ý:
– Để dự thi: tác giả cắt “phiếu tham dự giải quyết tình huống giáo dục” lần 10 đã được đăng trên báo, dán vào bài dự thi, điền đầy đủ chi tiết của phiếu. Bạn đọc không có báo in, có thể lấy đề thi trên báo giáo dục điện tử www.giaoduc.edu.vn.
– Bài viết trên một mặt giấy A4 (hoặc giấy tập học sinh); hoặc gửi email: nhipcausupham@giaoduc.edu.vn bài gửi email cũng cần ghi rõ các chi tiết theo yêu cầu của “phiếu tham dự”.
Ban tổ chức
 
Cô hiệu trưởng và bức thư không tên
Trường THCS N. Cô hiệu trưởng Bích Ngọc nổi tiếng nghiêm khắc, rất quan tâm đến hoạt động giáo dục đạo đức học sinh. Để xây dựng trường học thân thiện cô có sáng kiến làm hộp thư “Điều em muốn nói” gắn ở trước các lớp. Ngay trước phòng làm việc của cô cũng có hẳn một hộp thư ghi rõ: “Hộp thư Điều em muốn nói với cô hiệu trưởng”.
Một hôm mở hộp thư, mặt cô bỗng biến sắc khi đọc một thư được bỏ trong bì rất trịnh trọng:
* Cô ơi! Sáng thứ hai tuần rồi, em thật buồn khi cô phê bình một số bạn trong đó có bạn em lúc chào cờ không hát quốc ca. Trong khi chính cô là hiệu trưởng mà có bao giờ em thấy cô hát đâu? Cô có biết không, hôm đó bạn em mới cắt a-mi-đan mà.
* Em kính tặng cô bức ảnh này thay cho điều thứ hai muốn nói! (Đó là bức hình chụp cảnh cô hiệu trưởng cùng chồng trên chiếc hon đa đang vượt đèn đỏ ở một ngã tư nhỏ.).
1- Nếu là cô Bích Ngọc trong tình huống này bạn sẽ tỏ thái độ gì và chọn cách hành xử nào? Hãy lý giải?
a- Nóng giận. Xé tan bức thư bỏ sọt rác. Coi như không có chuyện gì xảy ra.
b- Tức tối, hằn học. Lặng lẽ giấu bức thư. Bí mật tìm cách điều tra truy tìm bằng được tác giả bức thư để xử lý.
c- Bình tĩnh. Chọn thời điểm thích hợp, cho đọc công khai thư đó trước hội đồng sư phạm, coi đây như một bài học quý để BGH cùng giáo viên rút kinh nghiệm trong việc nêu gương sáng trước các em ở mọi hoàn cảnh, việc làm.
d- Một chút buồn thoáng qua. Giữ lại bức thư như một kỷ niệm khó quên. Coi như một lời nhắc nhở khéo để sửa mình.
e- Cách hành xử khác (nếu có)
2- Qua tình huống trên bạn nghĩ gì về cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực khi bước vào năm học mới 2008-2009? (Có kỷ niệm minh họa càng tốt).
NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ

 

Bình luận (0)