Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Mỗi cá nhân lựa chọn cho mình một hình thức học tập phù hợp”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh yêu nội dung này tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập. Hội nghị do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 27-10.


Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học khuyến tài được biểu dương

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị TP quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Thể hiện qua việc nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng GD-ĐT được củng cố và giữ vững, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò nòng cốt của hội khuyến học các cấp trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho giáo dục, thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng đến từng gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học.

Kết quả còn thể hiện qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; một số dòng họ học tập đã tích cực nêu gương và khuyến khích con cháu tham gia phong trào học tập suốt đời.

Ngoài ra, hội viên khuyến học phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Từ năm 2008 với 173.609 hội viên đến nay TP đã có hơn 1.430.000 hội viên, tỷ lệ đảng viên là hội viên khuyến học từ năm 2012 là 48,8% đến nay là 98,1%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quan tâm thực hiện.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song ông Nguyễn Hồ Hải cho rằng việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 thời gian qua vẫn còn một số hạn chế.  Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số cấp ủy, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị chưa đúng mức. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa phát triển đồng đều. Hoạt động của chi hội khuyến học khu phố, ấp còn một số bất cập và chưa đạt hiệu quả cao. Chất lượng các mô hình học tập có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng TP học tập. Tương tự, chế độ, chính sách cho các đối tượng kiêm nhiệm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập tại địa phương chưa được quan tâm thực hiện tốt.

Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy và hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở trong lãnh đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy đối với công tác này.

Đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng công tác thi đua, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến…

Đồng thời, ông đề nghị quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tiếp cận nhanh hơn nữa những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần gắn với việc nâng cao hiệu quả thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hồ Hải còn nhấn mạnh mỗi cá nhân lựa chọn cho mình một hình thức học tập phù hợp để nâng cao tinh thần tự học, tự rèn, truyền cảm hứng và ý chí học tập suốt đời đến mọi người xung quanh. Phấn đấu trở thành “công dân học tập”, gia đình chúng ta là “gia đình học tập”, nơi ta sinh sống là “cộng đồng học tập”, cơ quan ta làm việc là “đơn vị học tập”.

Các cấp hội tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hội khuyến học cơ sở ngày càng vững mạnh, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp.

Đặc biệt sự phối kết hợp của hội khuyến học với ngành GD-ĐT cần đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai đạt hiệu quả hơn. Ngành giáo dục thường xuyên rà soát, nắm chắc nhu cầu học và khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp trên địa bàn TP, tránh tình trạng quá tải trường lớp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để có thể ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ thầy cô giáo yên tâm công tác, bảo đảm cuộc sống, đặc biệt đối với những khu vực còn nhiều khó khăn.

Dịp này, 47 tập thể, 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn được biểu dương. Đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo và tích cực tham gia thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

N.Trinh

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)