Chưa bước vào cao điểm hè nhưng nhiều hành khách di chuyển bằng đường không đã than trời vì cứ bay là "delay".
Hành khách ngồi chờ bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. H.M
Chờ từ dưới đất lên trên trời
Đặt chuyến bay của hãng hàng không Vietjet từ TP.HCM đi Hải Phòng để công tác ngày 9.6, chị Hà Thanh (ngụ Q.4, TP.HCM) dự tính sau khi bay từ Singapore về nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tranh thủ bay luôn chuyến 17 giờ 15 để kịp dự buổi hẹn lúc hơn 20 giờ cùng đồng nghiệp tại Hải Phòng. May mắn, chuyến bay từ Singapore về TP.HCM khởi hành đúng giờ, đáp xuống Tân Sơn Nhất đúng 15 giờ 10 phút theo kế hoạch. Không phải chờ hành lý ký gửi, cũng đã làm thủ tục check-in online nên chị Hà Thanh chỉ mất thêm 45 phút cho toàn bộ quá trình nhập cảnh và chuyển sang nhà ga quốc nội, sẵn sàng cho chuyến bay kế tiếp.
Ngồi chờ tới 16 giờ 45 để ra cửa máy bay theo thông báo của hãng hàng không, chị Thanh bất ngờ đọc trên bảng tin rằng chuyến bay sẽ khởi hành trễ do máy bay đến trễ, giờ khởi hành mới là 18 giờ 10, trễ gần 1 giờ. Tiếp tục chờ mòn mỏi, tới gần 18 giờ 20, nhân viên hãng mới bắt đầu mở cửa boarding cho hành khách.
"Đến khi toàn bộ hành khách yên vị, ổn định ngồi trên máy bay thì đã gần 19 giờ rồi, nhưng máy bay nhích được tí thì lại nghe loa phát thông báo từ phi công do tình trạng đông đúc tại Tân Sơn Nhất nên máy bay sẽ phải chờ ở đường băng thêm khoảng 10 phút. Khi đó tôi thấy còn 3 chiếc máy bay đang xếp hàng trên đường lăn để chờ cất cánh. Cuối cùng, phải tới gần 19 giờ 30 mới bay được, trễ hơn 2 giờ. Tôi về tới khách sạn cũng đã hơn 22 giờ, tàn tiệc luôn. Từ nước ngoài vội về cho kịp mà cuối cùng lại trễ ở sân bay trong nước. Mất việc thiệt!" – chị Hà Thanh than.
Cách đó gần 1 tuần, anh Chí Kiên (ngụ Q.11, TP.HCM) bay hãng Vietnam Airlines từ Phú Quốc về TP.HCM cũng được "khuyến mãi" thêm gần 30 phút bay trên trời vì phía dưới đường băng Tân Sơn Nhất đang "kẹt", máy bay chưa có chỗ để hạ cánh. Cùng đoàn anh Kiên có nhóm khách đang vội về xử lý việc gấp của công ty nên sốt ruột, vừa chờ trên trời vừa bức xúc: "Đi máy bay giờ vé vừa đắt, vừa đủ kiểu chậm trễ. Hành khách đến trễ 1 phút thôi cũng bị bỏ lại, trong khi máy bay trễ vài tiếng đồng hồ cũng chỉ một câu xin lỗi là xong. Đúng là đã bỏ tiền còn vác bực vào thân".
Du lịch bước vào cao điểm hè, hàng không cũng vào mùa cao điểm "delay". H.M
Hàng ngàn chuyến "delay" nhưng vẫn chưa phải cao điểm?
Theo thống kê, từ 1 – 11.6, sân bay Tân Sơn Nhất đã ghi nhận tới 740 chuyến bay quốc nội khai thác chậm giờ. Trong đó, hãng hàng không Vietjet đứng đầu danh sách với 356 chuyến bay "delay", Vietnam Airlines có 260 chuyến chậm, tiếp đến là Pacific Airlines có 78 chuyến, 31 chuyến bay của Bamboo Airways chậm giờ, Vasco chậm 10 chuyến và Vietravel Airlines ít chuyến bay nhất nên số chuyến bay muộn cũng thấp nhất, chỉ có 5 chuyến. Nếu tính cả các chuyến bay quốc tế, chưa đầy nửa tháng 6 đã ghi nhận tổng 915 chuyến bay trễ.
Thực tế, tình trạng máy bay "delay" đã bắt đầu "nóng" từ hồi giữa tháng 5. Thời điểm đó, lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, mỗi năm khi mùa mưa tới, Tân Sơn Nhất lại phải "căng mình" giải tỏa tắc nghẽn. Không đủ điều kiện thời tiết an toàn, máy bay có thể phải bay vòng trên trời, không hạ cánh được. Một chuyến bay delay sẽ ảnh hưởng dây chuyền, kéo theo chậm trễ của các chuyến bay khởi hành sau hoặc các chuyến khởi hành từ những sân bay khác. Khu vực nhà ga cũng sẽ bị áp lực do đông hành khách phải chờ bay.
"Tình trạng mưa lớn thường xuất hiện vào buổi chiều, cùng giờ tan tầm nên sân bay Tân Sơn Nhất sẽ "x3" ùn tắc: tắc trên trời, tắc dưới nhà ga và nghẽn cả các tuyến giao thông kết nối" – lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam thông tin thêm.
Thời điểm hè rơi vào mùa mưa của TP.HCM nên tỷ lệ chuyến bay chậm dự kiến có thể tăng cao, ảnh hưởng tới hành khách, nhà ga, gây quá tải trong một số thời điểm. Do vậy, các đơn vị được chỉ đạo xây dựng kế hoạch chống ngập, có phương án xử lý trong trường hợp thời tiết xấu ảnh hưởng tới hoạt động bay. Đồng thời, phối hợp kịp thời trong công tác triển khai thông tin chuyến bay tại các khung giờ cao điểm để điều hòa, phân bổ nguồn lực cũng như tăng cường trao đổi, rà soát slot để khai thác phù hợp năng lực nhà ga.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
|
Tuy nhiên, số liệu các chuyến bay "delay" tại Tân Sơn Nhất chỉ ra rằng, số lượng chuyến bay khai thác trễ vì lý do thời tiết trong giai đoạn nửa đầu tháng 6 chiếm tỷ lệ rất nhỏ – 28/740 chuyến bay. Đa phần là lý do tàu đến trễ và do tổ bay. Đáng nói, đại diện sân bay Tân Sơn Nhất thông tin, kế hoạch phục vụ cao điểm hè của Tân Sơn Nhất bắt đầu từ 1.6 – 15.8 nhưng hiện nay lượng khách vẫn chưa ghi nhận tăng quá mạnh. Dự kiến trong cả dịp hè 2023, cảng Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ gần 24 triệu hành khách trên hơn 150.000 chuyến bay, tăng 7,6% lượng khách và 6,64% số chuyến bay so với hè 2022. Lượng khách sẽ tập trung đông đúc cả 2 chiều khách đi và khách đến.
Chưa phải giai đoạn "nóng" nhất mùa hè mà máy bay đã liên tục trễ như vậy, sắp tới khi người người, nhà nhà đổ xô đi du lịch, không biết nỗi ám ảnh "delay" còn kinh hoàng đến mức nào?
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)