Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mỗi địa danh là một… môn học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm học sinh thực hiện đề tài Ca Huế trên sông Hương

Vừa qua, các học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Nhân Văn (TP.HCM) đã có chuyến trải nghiệm thực tế ở nhiều địa danh thuộc 7 tỉnh/thành: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế; qua đó các em học hỏi được nhiều điều thú vị về văn hóa, lịch sử, con người vùng đất này. Tour trải nghiệm trên nằm trong dự án học liên môn với các môn học: văn học, lịch sử, địa lý, vật lý, sinh học, hóa học và tiếng Anh, được khởi động từ ngày 10-1. Theo đó, các em được tham quan, tìm hiểu nhiều địa danh gắn liền với lịch sử, văn hóa của mỗi vùng đất – mỗi nơi là một “tiết học” của các bộ môn. Cụ thể, ở Bình Thuận, các em được học môn ngữ văn và lịch sử khi ghé thăm Trường Dục Thanh – nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học trước đây; biết về tình trạng hoang mạc hóa và những tác động của biến đổi khí hậu của bộ môn sinh học và địa lý khi tham quan đồi cát, hay học về các loại năng lượng trong môn vật lý khi tới nhà máy điện gió Tuy Phong. Ở Khánh Hòa, các em tìm hiểu về lịch sử hình thành và sự cấu tạo của tháp bà Ponagar, được tham quan Viện Hải Dương học, tắm bùn khoáng để trải nghiệm những kiến thức tích hợp trong bộ môn sinh học, hóa học, địa lý… Không chỉ được học những kiến thức liên quan đến các bộ môn, học sinh cũng được khơi mở những điều mới lạ mà bấy lâu nay mình chưa tìm được lời giải đáp. “Khi ghé Đà Nẵng, em đã hiểu vì sao trước đây Pháp lại chọn bán đảo Sơn Trà làm vị trí chiến lược để đổ bộ khi xâm lược nước ta. Đây là nơi nước sâu, dễ dàng cho tàu bè ra vào, lại có thể dễ dàng tiến ra kinh thành Huế, tiến thẳng vào trung tâm Đà Nẵng để chiếm đóng”, Thái Hà (một thành viên trong đoàn) chia sẻ. Hay một nhóm học sinh khi ghé thăm phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng đã kịp tìm hiểu về cách thức, nguyên lý khi làm lồng đèn – một món quà không khách du lịch nào dễ bỏ qua khi ghé thăm nơi đây… Sau chuyến đi, các em phải thực hiện các đề tài để báo cáo dựa trên những gì đã trải nghiệm. “Trước khi đi, nhà trường phát cho mỗi em một cuốn sổ tay trong đó có ghi lại những địa điểm sẽ ghé qua, những điều sẽ được học tại địa điểm đó. Các giáo viên cũng thông báo cho học sinh thực hiện những đề tài nào sau khi kết thúc hành trình và xem đó như một bài thu hoạch của các em”, thầy Hồ Hoài Khanh (giáo viên bộ môn ngữ văn) cho biết.

Cô Hoàng Thị Minh Liên (Chủ tịch Hội đồng nhà trường) cho biết trường đang lên kế hoạch để sắp tới đưa học sinh lớp 10 và 11 thực hiện dự án học liên môn tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Điều mà các giáo viên cảm nhận rõ rệt nhất sau hành trình ở mỗi học sinh là các em năng động hơn, ham học hỏi hơn và chủ động tìm hiểu kiến thức để ứng dụng vào đời sống thực tiễn.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)