Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mỗi giờ Đông Nam Á có 150 người chết vì thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

Sử dụng thuốc lá tiếp tục là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng ở khu vực Đông Nam Á vì nó giết chết trung bình 150 người mỗi giờ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhân Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31-5.

"Có gần 246 triệu người ở 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm Ấn Độ) hút thuốc và gần 290 triệu người sử dụng thuốc lá dưới các hình thức không khói. Thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong cho 1,3 triệu người trong khu vực mỗi năm, tương đương 150 ca tử vong mỗi giờ", Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á Poonam Khetrapal Singh cho biết.

Thông điệp của Ngày Thế giới Không Thuốc lá 2016 là “Hãy thực hiện in bao bì thuốc lá trơn”. Trên bao bì trơn, thương hiệu và thông tin quảng cáo, khuyến mại thuốc lá bị bắt buộc loại bỏ và thay thế bằng các hình ảnh cảnh báo sức khỏe, kết hợp màu sắc tối, tên sản phẩm hoặc tên nhà sản xuất theo kiểu chữ đơn giản chuẩn hóa.

WHO cho biết, bao bì trơn là một bước tiến lớn trong việc giảm sự hấp dẫn trong việc sử dụng thuốc lá và giảm các nguy cơ sức khỏe liên quan thuốc lá. Australia là quốc gia đầu tiên áp dụng luật bao bì trơn từ tháng 12-2012 và các nghiên cứu đã cho thấy bao bì trơn chứng tỏ hiệu quả làm giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá và gây cản trở người hút thuốc.

Bao bì trơn với các hình ảnh cảnh báo sức khỏe giúp giảm sử dụng thuốc lá. Ảnh: REX

11 quốc gia thành viên trong khu vực Đông Nam Á của WHO, bao gồm các bên tham gia Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC), đã có luật kiểm soát thuốc lá nhưng trẻ em, thanh niên và người lớn vẫn là đối tượng của các thông điệp tiêu dùng ủng hộ thuốc lá trên các phương tiện truyền thông.

"Khi mức độ hút thuốc giảm ở các nước thu nhập cao, các hãng thuốc lá ngày càng gia tăng nhắm vào các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm khu vực Đông Nam Á. Phải chống lại sự hiện diện này. Tác động của thuốc lá vượt xa sức khỏe cộng đồng, cản trở triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển, tạo gánh nặng cho người nộp thuế và hệ thống y tế với nguồn tài nguyên hữu hạn có thể được sử dụng tốt hơn cho các lĩnh vực khác", bà Singh cho biết.

GIA HY/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)