Ngoài những phim chiếu mạng (web-drama) được đầu tư từ các nhà sản xuất, những nghệ sĩ có tên tuổi, hiện nay xuất hiện rất nhiều video clip trên YouTube, TikTok, Facebook, Zalo… được làm theo kiểu nghiệp dư, khai thác những chủ đề gây sốc để thu hút lượng tương tác.
Những video clip này được gắn mác phim ngắn, phim cực ngắn nhưng ẩn chứa mối họa tạo tác động xấu cho khán giả, nhất là người trẻ. Đa phần những phim ngắn, phim cực ngắn này được quay dựng nhanh với lượng diễn viên không nhiều, bối cảnh đơn giản, nội dung tập trung những vấn đề gây sốc, xoáy vào các mối quan hệ trong gia đình nhưng theo hướng nhảm nhí, không giá trị, thậm chí phản cảm.
Những phim ngắn có nội dung độc hại trên các nền tảng mạng. Ảnh chụp màn hình
Khán giả chỉ cần gõ những từ khóa như mẹ chồng nàng dâu, tiểu tam, ngoại tình, chị dâu em chồng, sugar baby, sugar daddy, bạo lực học đường… là có thể xem hàng loạt video clip với nhiều phần, nhiều tựa đề khác nhau. Những nội dung này lôi kéo được lượng người xem lớn và dù có nhiều bình luận chỉ trích, cho rằng nhảm nhí, phản cảm sẽ khiến người xem có cái nhìn lệch lạc về các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, song cũng có không ít bình luận ủng hộ.
Hiện nay, các phim dạng này rất phổ biến do lượng lớn người dùng trẻ thường xuyên tìm kiếm nội dung trên mạng để giải trí. Vì thế, nhiều nỗi lo ngại rằng khi giới trẻ bị lôi cuốn bởi những phim ngắn có nội dung không lành mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tinh thần, suy nghĩ lệch lạc. Đặc biệt, để thu hút hơn, những cảnh gợi cảm, tình huống giật gân được đẩy lên cao trào. Những tình tiết trong các phim dạng này thường bị làm quá lên, phi thực tế, lời thoại có nội dung dung tục.
Cũng có một số phim ngắn khác được đầu tư hơn nhưng nội dung cũng chỉ tập trung vào các yếu tố nhằm thu hút người xem như mô tả cách phản ứng quá lố của con dâu với mẹ chồng, trả đũa chồng và "tiểu tam" theo kiểu để người xem thỏa mãn nhưng lại không có giá trị về mặt cốt truyện, diễn xuất…
Những tác phẩm trên mạng lâu nay là nơi để nhiều người đam mê phim, ca hát thoải mái thể hiện khả năng của mình. Nếu họ có thực lực, đây là môi trường tiền đề để xây dựng lượng người hâm mộ, tạo danh tiếng ban đầu và cơ hội bước vào thế giới thật nếu nỗ lực không ngừng và được thừa nhận. Huỳnh Lập, BB Trần… cũng có giai đoạn phát triển từ thế giới ảo.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ các nền tảng mạng xã hội, nhiều người đã tạo nên những nội dung chủ yếu nhằm tăng tương tác, tăng lượng người theo dõi tài khoản của mình và sử dụng điều này để tìm kiếm lợi nhuận từ việc quảng cáo, bán hàng. Chịu tổn thất nặng ở đây là những khán giả trẻ, dễ bị thay đổi suy nghĩ theo hướng tiêu cực nếu chẳng may "nghiện" những "rác phẩm" mạng được gắn mác phim ngắn hay phim cực ngắn.
Theo những người trong cuộc, một số biên kịch trẻ vì mưu sinh nên đã viết kịch bản cho những phim ngắn này với chi phí rất rẻ. Công việc này sẽ lợi bất cập hại vì làm riết sẽ quen, rất khó để sau này có thể viết được những tác phẩm phim truyền hình hoặc điện ảnh có chất lượng cao. "Với tôi, những video clip đó không được xem là phim, chỉ nhằm tạo tình huống để thu hút người xem. Việc nở rộ và lan rộng những video clip này tiềm tàng mối họa vì nhiều khán giả trẻ có thể nhầm lẫn rằng câu chuyện, tình huống được miêu tả trong phim cũng sẽ có ở ngoài đời. Từ đó, họ sẽ bị ảnh hưởng với cách nhìn, cách ứng đối trong gia đình" – nhà biên kịch Thanh Hương lo ngại.
Cấp bách cần phải quản lý những nội dung trên mạng, chấn chỉnh tình trạng sản xuất tràn lan các nội dung không hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ. Cơ quan chức năng liên quan cần sớm có những giải pháp để bảo vệ không gian giải trí cho khán giả, nhất là người trẻ.
Theo Minh Khuê/NLĐO
Bình luận (0)