Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mỗi học sinh cần biết lắng nghe… chính mình

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi trao đổi những thắc mắc với ban tư vấn (ảnh chụp ngày 11-2)

Trong hai ngày 11 và 12-2, chương trình “Cùng VTM định hướng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM, chuyên đề VTM tổ chức đã đến tư vấn cho học sinh (HS) hai trường THPT Mạc Đĩnh Chi và THPT Nguyễn Du.
Tại đây, các em HS đã được ban tư vấn đến từ các trường ĐH-CĐ trên địa bàn TP.HCM đưa ra các lời khuyên thiết thực, bổ ích nhằm giải tỏa những băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề trước ngưỡng cửa cuộc đời.  
Giải “cơn khát” thông tin
Tại buổi tư vấn, không ít HS đã tỏ ra thích thú khi được nghe những giải đáp cặn kẽ về ngành nghề mà mình quan tâm. Chỉ còn chưa đến một tháng nữa là HS lớp 12 phải nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2012 nên việc cung cấp thông tin về các trường ĐH-CĐ, ngành nghề… là việc hết sức cần thiết. Em Nguyễn Cao Hoàng Ngân, HS lớp 12A12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, băn khoăn: “Năm nay Bộ GD-ĐT không phát hành cuốn “Những điều cần biết về kỳ thi ĐH-CĐ” nên em không biết tìm thông tin từ đâu?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết thí sinh có thể tìm hiểu thông tin về ngành nghề đào tạo, kỳ thi ĐH-CĐ năm 2012 từ các nguồn thông tin chính thức như: Website các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT, cẩm nang do các đơn vị báo chí phát hành… Ngoài ra, thí sinh có thể khai thác thông tin từ website của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH của Bộ GD-ĐT.
Không chỉ hỏi thông tin về các ngành nghề, các em HS còn chia sẻ khó khăn trong việc chọn trường, chọn nghề giữa sở thích bản thân với định hướng của gia đình. “Em thích ngành ngoại giao. Nhưng gia đình em lại có truyền thống theo ngành sư phạm nên ba mẹ muốn em thi vào ngành này. Em không biết nên lựa chọn như thế nào mới phù hợp?”, em Trần Quốc Thái, HS lớp 12A21 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chia sẻ. TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng mâu thuẫn trong việc lựa chọn ngành nghề giữa ba mẹ và con cái là vấn đề thường xảy ra trong xã hội hiện nay. Giới trẻ với xu hướng ưa tìm tòi, thích khám phá sẽ nhanh chóng cập nhật thông tin để tìm ra ngành nghề nào mà mình yêu thích. “Trên thực tế, nhiều sinh viên sau khi học được một thời gian ở trường ĐH đã làm đơn xin chuyển ngành vì trót nghe theo lời khuyên của gia đình. Nếu em thực sự thích ngành ngoại giao, em cần phải chứng tỏ bản lĩnh để cho ba mẹ thấy được khả năng cũng như nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, em cũng cần xem liệu tính cách, khả năng của em có phù hợp với ngành này hay không vì đây là ngành đòi hỏi tính năng động, sự nhạy bén đối với nhiều vấn đề xã hội”, ông Hạ phân tích.
Đồng quan điểm với ý kiến đó, bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Chủ nhiệm bộ môn khoa học hành vi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khuyên mỗi HS cần biết lắng nghe chính mình. “Ai cũng muốn chọn nơi tốt nhất, cũng muốn mọi việc đều theo sự lựa chọn của mình. Nhưng ở lứa tuổi các em còn chưa trưởng thành nên mọi suy nghĩ, hành động đều thiếu sự chín chắn. Các em có thể thảo luận cùng gia đình nhằm tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, khả năng của mình để có sự lựa chọn thích hợp nhất”, bác sĩ Hoàng khuyên.
Học để không buồn ngủ
Không chỉ quan tâm đến xu hướng chọn ngành nghề, việc ăn uống, giữ gìn sức khỏe mùa thi như thế nào cũng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các sĩ tử. Em Hoàng Ngọc Dung, HS lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ: “Khi học bài em rất hay buồn ngủ, không tập trung vào bài học. Sắp tới mùa thi rồi nên em lo lắm”. Lời khuyên của bác sĩ Trương Trọng Hoàng cho trường hợp này là… cứ ngủ khi cảm thấy buồn ngủ. “Lúc chúng ta cảm thấy buồn ngủ tức là lúc não đang mệt mỏi. Vì vậy, các em cần phải ngủ để não có thời gian nghỉ ngơi kịp thời. Ngoài ra, ngồi học trong phòng tối, thiếu ôxy, ăn quá no cũng là nguyên nhân gây ra buồn ngủ. Các em cần lựa chọn phòng học, ăn uống phù hợp để hạn chế tình trạng này. Một biện pháp nữa để hạn chế “bệnh” buồn ngủ là các em nên ngủ đủ vào buổi tối và dậy sớm vào sáng hôm sau để học bài, đây cũng là khoảng thời gian đầu óc tỉnh táo, dễ tiếp thu bài vở. Nếu phải uống các chất kích thích để hạn chế buồn ngủ, các em nên dùng nước trà pha loãng vì lượng caffeine trong nước trà vừa đủ để giữ cho đầu óc tỉnh táo, không gây mệt mỏi. Ngoài ra, trước thời gian thi khoảng một tháng, các em nên tập cho mình thói quen làm việc trong thời gian thi để cơ thể, tinh thần quen dần trong trạng thái đó”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Các em HS có thể thảo luận cùng gia đình nhằm tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, khả năng của mình để đưa ra sự lựa chọn thích hợp nhất.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)