Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Mỗi khách hàng chỉ được mua 3 kg đường

Tạp Chí Giáo Dục

Đợt sốt giá đường trong tháng 8 khiến một số siêu thị tại TP HCM áp dụng giải pháp khống chế số lượng bán ra, mỗi người đi siêu thị chỉ được phép mua tối đa 3kg đường.
Việc làm này được hệ thống siêu thị Co.op Mart áp dụng từ ngày 12/8 và kết thúc vào chiều tối qua 30/8. Theo đó, 38 siêu thị trên toàn quốc thuộc hệ thống của Co.op Mart đều áp dụng chính sách giảm giá đường Bonsu xuống 13.000 đồng. Đồng thời, mỗi khách hàng đến siêu thị chỉ được mua tối đa 3 kg một lần để tránh hiện tượng thu gom hàng đầu cơ.
Đại diện của Co.op Mart cho biết do giá đường đã hạ nhiệt nên việc khống chế lượng hàng bán ra đã được siêu thị này kết thúc vào chiều 30/8.
Theo nguồn tin từ Tổ điều hành thị trường trong nước, một số siêu thị cũng có biện pháp tương tự nhằm bình ổn giá đường, hạn chế tình trạng thu gom hàng.
Các siêu thị ở Hà Nội đang thực hiện các chương trình khuyến mãi dịp Mùng 2/9. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – Vũ Vinh Phú, việc "khống chế 3 kg" đường cho mỗi người mua là việc làm lạ lùng và lần đầu tiên ông thấy. Đành rằng, đây là giải pháp cần thiết để hạ giá đường nhưng nếu làm không tốt có thể phản tác dụng. "Lâu nay, giá cả chịu tác động nhiều bởi yếu tố tâm lý, việc siêu thị hạn chế lượng bán ra chẳng khác nào khuyến khích người dân đi thu gom hàng vì họ lo giá có thể tăng lên khi nguồn cung bị hạn chế", ông nói.
Ông Phú cho rằng chuyện giá đường "sốt" thời gian qua là có thật – và đây là quy luật hằng năm khi Tết Trung thu đến. Tuy nhiên, để ổn định giá bán, điều quan trọng là Bộ Công thương nên chỉ đạo các Sở Công thương đi kiểm tra lượng đường bán và tiêu thụ tại các tỉnh thế nào, nguồn cung ra sao… để tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá đường bất hợp lý.
Chủ tịch Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: Việc hạn chế mua đường cho khách hàng thực hiện tại siêu thị thời gian qua không khéo sẽ gây tâm lý hoang mang cho khách hàng. Nó sẽ có tác dụng ngược là người tiêu dùng lo sợ thiếu nguồn cung ứng đường nên cố mua thêm để dự trữ. Nếu không mua được ở siêu thị, họ sẽ mua tại các cửa hàng khác.
Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam – Hà Hữu Phái cho hay giá đường đã dịu lại trong khoảng một tuần trở lại đây. Hiện các mặt hàng đường tinh luyện đã giảm từ 500 đồng đến 700 đồng một kg so với tuần trước và đang phổ biến ở mức 15.500 đồng đến 16.000 đồng mỗi kg.
Lý giải về đợt sốt giá cách đây 3 tuần, ông Phái cho rằng đó là tâm lý khi thị trường bước vào mùa Trung thu – các cơ sở cần đường để sản xuất bánh.
Dự báo trong tháng 9, lượng đường cung ứng ra thị trường vào khoảng 141.736 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ vào khoảng đạt 106.500 tấn. Ông Phái khẳng định trong những tháng tới, giá đường sẽ giảm nhẹ khi có nhiều nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục vào vụ, bổ sung thêm nguồn dự trữ cho tháng 10.
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, giá bán buôn đường kính trắng liên tục được điều chỉnh tăng từ 2-3 lần (ngày 4/8, ngày 10/8 và 20/8), mức tăng lớn nhất tập trung vào đầu tháng (Hà Nội tăng 11-12%; miền Trung tăng 12%, TP HCM tăng 6-8%), các đợt điều chỉnh tiếp theo mức tăng đều dưới 5%.
Hồng Anh (VnExpress)

Bình luận (0)