Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mối lo sân chơi hè tự phát

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa hè là thời gian lý tưởng để cho HS vui chơi, giải trí. Tuy nhiên so với nhu cầu của tuổi thơ thì nhiều nơi vẫn còn thiếu sân chơi mùa hè cho các cháu và nếu có thì cũng còn đơn điệu và không phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình.

Trẻ cần nhiều sân chơi lành mạnh trong mùa hè

Sân chơi tự phát

Chưa đến ngày nghỉ hè nhưng trên khu đất trống phía sau chợ Bình Triệu thuộc P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM chiều nào cũng đông trẻ con tụ tập. Ngoài các cháu theo cha mẹ dắt xe đạp ra đường đi dạo là những tốp thiếu nhi bày trò đá banh tự phát trên một nền nhà cũ. Đông nhất vẫn là nhóm trẻ con và người lớn chiều nào cũng say mê với những chiếc diều đang được thả trên trời. Tuy nhiên, sau một hồi chơi đùa nghe tiếng trẻ khóc nên nhiều người đang tập thể dục và chơi cầu lông gần đó xúm lại. Đó là một đứa trẻ khoảng 12 tuổi tay ôm trái banh đi khập khiễng, máu một bên chân trái chảy ra do bị tai nạn. Theo lời kể lại, do chạy vào trong bụi cây sau ngôi nhà mới phá bỏ để lượm trái banh nên cậu bé đã giẫm phải một miểng chai thủy tinh rất sâu. Được vài người lớn dẫn vào tiệm thuốc gần đó mua thuốc và bông băng ra sơ cứu.

Bà Lê Thị Chung – cán bộ Hội Phụ nữ của khu phố 2 cho biết, chiều nào đi tập thể dục tôi cũng gặp các cháu bị tai nạn. Khi thì bị té xe, khi thì bị xe máy chạy qua đụng phải. Lại có hôm trẻ đạp đinh, dây chì, miểng chai ở xung quanh những đống rác tự phát trên bãi đất trống. Những nguy hiểm đó cũng rình rập thường xuyên ở sân chơi thiếu nhi tự phát ở P.Long Bình, Q.9. Đằng sau Trường THCS gần đó có một khoảnh đất rộng từ một ngôi nhà xưởng được phá bỏ nên sau giờ học một số HS thường ở lại chơi đá cầu, đá banh. Do một số em bỏ dép chạy chân đất nên không biết được nguy hiểm từ những cọng dây chì, mảnh sắt vụn còn vương vãi trên mặt đất mà hậu quả là phải chịu các thương tích.

Bên bờ sông Sài Gòn thuộc P.13, Q.Bình Thạnh có một bến sông cây cối mọc um tùm. Đây chính là bãi tắm lý tưởng của nhiều nhóm trẻ con từ nơi khác đến và cả HS Trường THCS Bình Lợi Trung gần đó. Mặc dù có người lớn can ngăn vì trước đây đã có 1 đứa trẻ bị đuối nước ngay ở khúc sông này nhưng lũ trẻ sau đó vẫn vô tư đùa giỡn với nước và tử thần.

Cần sự quan tâm từ các địa phương

Thực tế hiện nay, tại các địa phương không phải là không có các sân chơi cho trẻ vì hầu hết mỗi quận huyện đều có một nhà thiếu nhi. Đây chính là một nơi dành riêng cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng với các khu vui chơi phù hợp với độ tuổi. Đó là sân bóng đá, hồ bơi, nhà thi đấu, nhà trượt patin, phòng mỹ thuật, sân khấu biểu diễn văn nghệ. Tuy nhiên, không phải thành phần trẻ em nào cũng được vào đây vui chơi trong dịp hè. Ngoài các em có nhà ở gần thì đa số “khách” của nhà thiếu nhi là HS đến từ các trường học, đơn vị giáo dục khác. Còn những đứa trẻ ở các khu dân cư xa nhà văn hóa thì không bao giờ nghĩ tới.

Ông Phạm Văn Hiến – cán bộ hưu trí ở Q.7 cho rằng, dù có các nhà thiếu nhi quận huyện nhưng nếu các tổ chức ở địa phương phường xã không biết tổ chức và lên kế hoạch cụ thể thì sân chơi của thiếu nhi trong dịp hè vẫn là phong trào tự phát. Nhìn vào thực tế, sân chơi cho thiếu nhi hiện vẫn còn thiếu rất nhiều.

Bà Chung cho biết: “Q.Thủ Đức cũng có một nhà thiếu nhi rất lớn ở P.Linh Chiểu nhưng cách xa trên 5 cây số thì làm sao tụi nhỏ ở cuối quận hàng ngày có thể ra đó chơi được”. Chính vì thế việc tận dụng các sân cỏ để hoang, nền nhà mới phá bỏ làm “sân chơi” là giải pháp thực tế nhất của các cháu luôn có nhu cầu giải trí trong dịp hè. Theo bà Chung các tụ điểm vui chơi như Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo Cầm Viên, Suối Tiên dù hoạt động hàng ngày cũng không đáp ứng được nhu cầu các cháu trong 3 tháng hè nhất là ở khu vực xa như Thủ Đức.

Ông Nguyễn Kim Hiếu – Bí thư Quận đoàn Gò Vấp, Giám đốc Nhà Thiếu nhi Q.Gò Vấp cho biết, chương trình hoạt động hè năm 2017 có chủ đề “Thiếu nhi thành phố vui hè, an toàn, bổ ích”. Theo đó các hoạt động bao gồm: sân chơi em yêu khoa học, Hoạt động dã ngoại, Chương trình trải nghiệm thực tế “Một ngày làm nông dân” với nội dung: trồng rau sạch, thu hoạch nấm, thực hiện làm bánh tráng, trồng lúa, bắt cá… Hành trình về cội nguồn, các em sẽ được tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn quận qua đó viết bài cảm nghĩ của bản thân để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trong điều kiện hiện nay.

Ông Phạm Văn Hiến – cán bộ hưu trí ở Q.7 cho rằng, dù có các nhà thiếu nhi quận huyện nhưng nếu các tổ chức ở địa phương phường xã không biết tổ chức và lên kế hoạch cụ thể thì sân chơi của thiếu nhi trong dịp hè vẫn là phong trào tự phát. Nhìn vào thực tế, sân chơi cho thiếu nhi hiện vẫn còn thiếu rất nhiều.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)