Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mối lo thực từ giang hồ sống ảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Vài năm qua, trên mạng xã hội có hiện tượng tung hô một số cá nhân có nhiều hành vi đáng lo ngại, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Một số cá nhân có hành vi đáng lo ngại nhưng trở thành “hiện tượng” được tung hô trên mạng xã hội	 /// Ảnh: Chụp lại màn hình
Một số cá nhân có hành vi đáng lo ngại nhưng trở thành “hiện tượng” được tung hô trên mạng xã hội. ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Sự việc nữ sinh Nguyễn Thị H.Y (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng, H.Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 bạn học hành hung dã man, lột hết quần áo, quay, phát tán clip từ ngày 22.3 đã khiến dư luận thực sự phẫn nộ.
Sau vụ việc, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản hỏa tốc yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan; đề nghị công an tỉnh phối hợp với UBND và Công an H.Ân Thi khẩn trương giải quyết các vi phạm theo quy định của pháp luật. Xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xảy ra vụ việc bạo lực học đường tại Trường THCS Phù Ủng.
Diễu võ, giương oai
Tôi thấy lo lắng khi có xu hướng giới trẻ coi việc sử dụng các hành vi lệch chuẩn để làm “màu” và sống ảo, nổi tiếng trên mạng bất chấp. Việc này sẽ dẫn đến sự lung lay các nền tảng giá trị đạo đức hay thậm chí có các hành vi vi phạm pháp luật

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững

Khi sự việc đang được cơ quan chức năng xử lý, tài khoản Facebook D.M.T đã đăng tải thông tin một “băng nhóm” kéo xuống H.Ân Thi tìm những học sinh hành hung bạn để “xử lý”. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng hình ảnh kèm theo status này là những bạn trẻ vây quanh, tung hê một thanh niên xăm trổ vằn vện – người từng tự nhận là “giang hồ làm lại cuộc đời” – không khiến nhiều người tỏ ra ngạc nhiên.

Thực tế, nhiều cư dân mạng hẳn vẫn không còn xa lạ với cái tên D.M.T, còn được gọi là “thánh chửi” đất Bắc Ninh. T. thường tự quay clip chửi bới tục tĩu các cá nhân, từ người nổi tiếng, đến thách thức chém nhau, dọa đốt nhà… trên mạng xã hội (MXH), thu hút hàng triệu lượt xem.
Sau một thời gian “làm mưa làm gió” trên Facebook, năm 2017, T. bị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử và tuyên phạt 32 tháng tù về các tội: gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản. Cuối năm 2018, T. ra tù và được chào đón, livestream trên mạng như người hùng.
Tương tự “hiện tượng” D.M.T, tài khoản Facebook K.BảnH, một thanh niên gắn liền với những hình ảnh giang hồ xăm trổ, chuyên quay các livestream nói tục, chửi thề trên Facebook và YouTube, thậm chí cùng bạn bè dàn hàng ngang trên cao tốc để chụp ảnh và đã bị cơ quan chức năng xử lý, lại được giới trẻ chào đón, xin chụp hình như thần tượng.
Trang Facebook cá nhân của K.Bảnh có đến 60.000 lượt theo dõi; riêng kênh YouTube của người này có gần 2 triệu người theo dõi. K.Bảnh thường xuyên đưa lên mạng các video ăn chơi nhậu nhẹt cùng bạn bè, văng tục, chửi thề, thách thức, cầm súng, mã tấu đi “giải quyết công việc”, đánh bài… Mới đây, K.Bảnh không ngần ngại quay video clip đăng tải trên YouTube đe dọa một nhà báo nêu ý kiến lo ngại về “hiện tượng” K.Bảnh gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Điều đáng chú ý, thay vì phản đối các “hành vi” của K.Bảnh, một số bạn trẻ lại “tung hê”, thậm chí xin “kết nghĩa anh em”.
Cùng với D.M.T và K.Bảnh, còn có một loạt “hiện tượng” khác như H.H.H, H.Đ, D.T, Q.R.B… cũng được tung hô là các “đại ca” với hàng loạt clip đe dọa người này, đòi “dàn quân” thanh trừng người kia. Thậm chí, H.H.H còn có cả clip “chia sẻ kinh nghiệm” kiếm tiền bằng cách cho vay nặng lãi. Những hiện tượng này được tung hô rồi có cả “bảng xếp hạng 10 giang hồ khét tiếng nhất VN”.
Từ mạng ảo đến đời thực
Cách đây vài năm, Đ.T.T.V (ngụ P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) và V.H.T.V (ngụ TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lời qua tiếng lại trên MXH nên đăng các clip thách thức nhau. Ngay sau đó, Đ.T.T.V và V.H.T.V lôi kéo bạn bè, “fan” hâm mộ lên tới hàng trăm người hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ “quyết chiến”. Đúng ngày hẹn, hàng trăm thanh thiếu niên của hai nhóm Đ.T.T.V và V.H.T.V tập trung tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để “giao chiến”.
Vụ việc thu hút rất đông người hiếu kỳ tập trung theo dõi gây mất trật tự công cộng. Nhận được tin báo, Công an P.Bến Nghé đã có mặt giải tán đám đông và đưa 16 người liên quan (trong đó có Đ.T.T.V và V.H.T.V) về trụ sở làm việc.
Những ngày cuối năm 2017, trên MXH xuất hiện đoạn video clip dài hơn 30 phút ghi lại hình ảnh nhóm thanh niên khoảng 10 người đứng trên đường cao tốc đoạn qua H.Phù Ninh (Phú Thọ) miệng chửi thề, tay cầm dao, mã tấu chặn xe tải, xe khách “xin tiền”. Cơ quan công an H.Phù Ninh đã vào cuộc điều tra và triệu tập nhóm thanh niên liên quan đến vụ việc. 10 thanh thiếu niên có độ tuổi từ 16 – 18 khai nhận trước đó có uống rượu rồi rủ nhau mang hung khí tự chế lên cao tốc để “chụp ảnh”. Sau đó, nhóm thanh, thiếu niên này nảy sinh ý định chặn xe “xin tiền”, đồng thời một người trong nhóm quay livestream trên Facebook cá nhân. Cơ quan Công an Phú Thọ đã khởi tố 10 thanh niên “vừa cướp vừa livestream” này.
Ngày 6.10.2018, người dân sống quanh khu vực cầu Nhị Thiên Đường (P.6, Q.8, TP.HCM) hoảng hốt đóng kín cửa nhà khi hai băng nhóm trẻ tuổi, tay cầm hung khí lao vào hỗn chiến. Vụ việc gây náo loạn cả khu vực và 1 người bị thương. Khi công an có mặt, hai băng nhóm bỏ chạy tán loạn để thoát thân. Qua truy xét, Công an Q.8 đã bắt được 6 nghi phạm liên quan. Qua điều tra, công an xác định nguyên nhân vụ việc là do N.N.T và T.N.T.L (cầm đầu 2 băng nhóm) có mâu thuẫn trên MXH nên hẹn nhau giao chiến. Cả hai băng nhóm nói trên (khoảng 50 người) chuẩn bị dao tự chế, mã tấu, dao, ống tuýp sắt… và rủ thêm nhiều thanh niên mới lớn lên cầu Nhị Thiên Đường lao vào giao chiến. Ngay sau đó, Công an Q.8 có mặt kiểm soát tình hình và truy bắt những người liên quan.
Thu hút giới trẻ bằng sự lệch chuẩn để câu “like”, câu “share”
Sau khi xem qua các kênh Facebook, YouTube của K.BảnH, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho rằng, đa số các clip đều là đánh nhau, chửi bới, dùng vũ khí, đánh bài, miêu tả đời sống của của nhóm xã hội đen… Vị này nói, đó đều là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Lý giải về các hiện tượng người trẻ cổ súy cho những nhân vật lệch chuẩn về giá trị sống trên MXH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh cho rằng hiện tượng K.BảnH không phải là trường hợp đầu tiên – vốn không có gì tốt đẹp, thậm chí lệch lạc – được dân mạng, đặc biệt giới trẻ, tung hô (trước đây từng có trường hợp B.T, L.R…). Khác với những người nổi tiếng hay KOLs (Key Opinion Leader: những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó, được nhiều người biết đến – NV) thu hút dân mạng bằng những hình mẫu, thông điệp tích cực hay ít nhất là thú vị, thì trường hợp những thanh niên giang hồ thu hút giới trẻ bằng sự lệch chuẩn.
Theo bà Linh, trẻ em và thanh niên vốn tò mò và nông nổi nên các giang hồ mạng ảo này đánh vào tâm lý ham những thứ lạ của giới trẻ để câu “like” (thích). “Tôi không lạ khi giới trẻ bị thu hút bởi những câu chuyện như vậy nhưng cũng khá e ngại khi trường hợp như K.BảnH được “like”, “share” (chia sẻ) đình đám và chào đón như KOLs. Dẫu biết có thể chỉ là phong trào tức thời, “like”, “share” cho vui, vì tò mò, nhưng nó cũng thể hiện các hành vi và ứng xử chưa phù hợp của dân mạng; chưa tư duy, suy nghĩ và cân nhắc trước khi chia sẻ”, bà Linh nói.
Bà Linh cho rằng, mạng ảo nhưng ảnh hưởng rất thật. Theo đó, các hành vi ứng xử trên mạng cũng định hình các dấu ấn cá nhân của những công dân số. Do đó, việc cổ súy cho các hành vi lệch chuẩn một cách thiếu suy nghĩ cũng phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ của người tương tác chứ không đơn giản chỉ cho vui.
“Tôi thấy lo lắng khi có xu hướng giới trẻ coi việc sử dụng các hành vi lệch chuẩn để làm “màu” và sống ảo, nổi tiếng trên mạng bất chấp. Việc này sẽ dẫn đến sự lung lay các nền tảng giá trị đạo đức hay thậm chí có các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Linh cảnh báo.
ThS Ngô Văn Huấn, chuyên gia xã hội học, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng những hiện tượng lệch chuẩn theo kiểu giang hồ đã tồn tại và có những ảnh hưởng nhất định ngoài đời thực. Sau đó, do sự phát triển của MXH, từ giang hồ ngoài đời bắt đầu sinh ra “hình thái” giang hồ trên MXH. Những người này quảng bá hình ảnh nhằm nhiều mục đích tạo ra sự ảnh hưởng đối với một bộ phận giới trẻ thiếu bản lĩnh. Cũng theo ThS Huấn, hiện tượng này đang ngày càng gia tăng và lan rộng.

Vì sao một bộ phận giới trẻ xem giang hồ như “thần tượng”?

ThS Ngô Văn Huấn cho rằng, các bạn trẻ thường tìm đến những người có thể thỏa mãn “nhu cầu nổi loạn” nhưng không cần thể hiện bằng hành động ngoài đời thực. Chính vì vậy, phần lớn fan của những “băng nhóm trên MXH” là những người trẻ đang trong giai đoạn khẳng định bản thân và chưa đủ sự thẩm thấu về giá trị chuẩn mực. “Qua hiện tượng này chúng ta có thể nhận thấy sự ảnh hưởng đang ngày càng lớn của MXH. Sự “thành công” của các “băng nhóm giang hồ mạng” trong thời gian qua một phần là do họ dùng chiêu thức khoe của, khoe sự giàu có đã khiến nhiều người tin theo, thán phục…”, ThS Huấn lý giải.
Nguyễn Tiến

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)