Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mỏi mòn chờ khám tâm lý

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đưa trẻ đến khám chờ đợi trước Khoa Tâm lý (BV Nhi đồng 2)

Theo nhận xét của BS Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý (BV Nhi đồng 2 TP.HCM) số trẻ mắc các bệnh tâm lý, bị rối loạn tâm lý đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều phụ huynh không chỉ ở TP.HCM mà tại các tỉnh thành khác đều lo lắng đưa con đi khám để xác định bệnh lý.

Tuy nhiên, các phòng khám tâm lý của các BV nhất là BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 luôn trong tình trạng quá tải. Không ít người phải chờ đợi nhiều ngày mới được “bắt số” để dẫn trẻ vào phòng khám.

Quá tải vì đông

Ngày 22-3, tại bên ngoài phòng khám Khoa Tâm lý (BV Nhi đồng 2) có 3 dãy ghế đều kín chỗ vì phụ huynh ẵm con đến chờ khám tâm lý từ lúc 6 giờ sáng. Chị Ngọc, 30 tuổi ngụ ở P.Tân Thuận, Q.7 đưa con trai 3 tuổi đến khám cho biết: “Tuần trước hai vợ chồng tôi đến đăng ký khám nhưng các nhân viên ở phòng đăng ký hẹn đầu tuần sau nên bây giờ mới có hồ sơ để vào khám”. Theo lời kể của chị Ngọc, lúc cậu con trai sinh ra bình thường nhưng đến 2 tuổi vẫn chưa biết nói như đứa em họ sinh cùng tháng với cháu. Cũng vì bận rộn công việc và không có thời gian đến năm nay chị mới cho cháu đi khám ở BV xem thử cháu bị rối loạn tâm lý hay rối loạn về ngôn ngữ như người nhà phỏng đoán. Trong khi đó ở phía bên ngoài phòng chờ đăng ký có 2 dãy ghế dài nhưng cũng gần như kín chỗ vì phụ huynh “tay xách nách mang” đưa con đi điều trị tâm lý.

Trước đó vợ chồng anh L. ngụ ở đường Mai Văn Thưởng, P.12, Q.Bình Thạnh cũng đưa cô con gái 4 tuổi đi khám ở BV Nhi đồng 1 nhưng phải về không vì bệnh nhi quá đông mà chờ đợi trong ngày cũng không được. Giống như BV Nhi đồng 2, nhiều bệnh nhân ở đây chờ nhiều ngày mới được khám tâm lý, trẻ nào may mắn lắm thì được khám trong tuần còn dài hơn thì phải chờ sang tuần sau.

Trong Phòng khám tâm lý của BV Nhi đồng 2, BS Nguyễn Quí Quỳnh đang kiểm tra bệnh lý cho một đứa trẻ 5 tuổi. Mặc dù người bên ngoài chờ đợi rất đông nhưng mỗi ca khám tâm lý nhanh nhất cũng mất 15 đến 20 phút. Đây là lý do mà số người chờ đợi vốn đã đông lại càng đông hơn do bị ùn ứ liên tục. BS Quỳnh cho biết, khám tư vấn tâm lý cho trẻ thì phải hiểu được tâm lý của trẻ không thể trao đổi trực tiếp như người lớn được. Đa số trẻ bị rối loạn tâm lý thường nhút nhát, sợ sệt khi vào đây nên bước “làm quen” cũng mất 5, 7 phút. Nhiều trẻ “khó tính” hơn thì phải làm trò, đưa đồ chơi cho trẻ quen dần để có thể dạn dĩ và tự nhiên hơn.

Y sĩ tại một trường tiểu học đang tư vấn tâm lý cho phụ huynh và học sinh

BS Thủy cho biết, số trẻ cần được khám tâm lý năm sau nhiều hơn năm trước nhưng mỗi ngày khoa chỉ khám được 20 đến 30 bệnh nhi. Đây cũng là ý kiến của BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) về số lượng trẻ đến khám tại BV trong mỗi ngày.

Lý do từ hai phía

Về nguyên nhân, ngoài bẩm sinh hầu hết đều do môi trường sống trong gia đình và bên ngoài xã hội. Hầu hết các trẻ đến khám tâm lý đều có hoàn cảnh đặc biệt trong đó gia đình vì lý do này hay lý do khác nên ít quan tâm tới trẻ.

Theo BS Thủy, hầu hết các trẻ đến khám thường có sự phát triển không được bình thường giống như các trẻ khác như chậm nói, tự kỷ, rối loạn hành vi. Mỗi độ tuổi có những biểu hiện khác nhau nhưng phổ biến hơn cả là trẻ trên 3 tuổi. Trẻ ở độ tuổi dậy thì thường đến khám tâm lý do rối loạn giới tính. 

Hiện nay, các bậc cha mẹ hiểu biết hơn về kiến thức tâm lý trẻ nhỏ vì có nhiều kênh thông tin nên chỉ cần một biểu hiện khác lạ là họ nhanh chóng đưa con em đến khám để được tư vấn cụ thể hơn về tâm lý. Chính vì thế mà số lượng bệnh nhi khám tâm lý cũng tăng lên. Được biết ngoài BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 chỉ có BV Sức khỏe Tâm thần tiếp nhận các bệnh nhi này còn lại là các BV tư. Các BV này không chỉ tiếp nhận bệnh nhân của TP.HCM mà còn “gánh” thêm bệnh nhân từ các tỉnh đổ về nên việc quá tải là không thể nào tránh khỏi. Bên cạnh đó quy trình khám bệnh chưa được cải tiến nhanh gọn về thủ tục cùng gây phiền hà và làm chậm trễ cả tiến độ đăng ký. Ngoài ra, thực tế còn cho thấy một số phụ huynh vì quá lo lắng mà đã sớm đưa trẻ đến khám một cách chưa cần thiết nên đã gây ra tình trạng bệnh tật “ảo” chưa đúng với thực tế. 

Để khắc phục tình trạng này nhiều năm nay tại một số trường mầm non, tiểu học có trẻ hòa nhập đều mở phòng khám tâm lý riêng, bước đầu đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, hầu hết chỉ dành cho trẻ đã đến tuổi đi học. Gần đây một số BV như BV Nhi đồng 1, BV An Bình và Trường ĐHSP TP.HCM đã phối hợp mở các phòng khám phục hồi chức năng nhi để tư vấn điều trị nhi thần kinh, âm ngữ trị liệu, vật lý trị liệu. Tuy vậy nhiều phụ huynh vẫn ngại đưa con đến đây vì chưa tin tưởng và chi phí cao hơn.

Bài, ảnh: Quang Phan

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)