Hồ hởi làm hồ sơ tham gia vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ để đóng mới, cải hoán và nâng cấp tàu vỏ gỗ cũng như tàu vỏ sắt bao nhiêu thì giờ đây, nhiều ngư dân miền Trung bắt đầu xuống tinh thần. Bởi cơ hội làm chủ một con tàu nhạt dần cùng với thủ tục quá rườm rà và đợi vay được vốn quá lâu trong khi mùa đánh bắt mới đã bắt đầu từ vài tháng qua.
Quay về tàu gỗ
Ngư dân Võ Văn Hân (47 tuổi), xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) một trong những đoàn viên đầu tiên của Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu xung phong đăng ký đóng tàu vỏ thép. Cùng với thời điểm làm hồ sơ tàu vỏ thép, anh Hân rao bán chiếc tàu vỏ gỗ để bù vào số tiền dự định vay đóng tàu vỏ thép. Tàu vỏ gỗ cũ đã bán, tàu vỏ thép thì cũng chưa thấy đâu.
Ngư dân miền Trung cần được vay vốn nhanh để đóng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn. Ảnh: HÀ MINH
Để đóng tàu vỏ sắt, anh Hân đã vào Khánh Hòa, ra Quảng Ninh, Hải Phòng… để tham khảo giá, mẫu và kỹ thuật đóng tàu. “Nhà máy Đóng tàu Đông Bắc (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) đóng tàu 30,8m, mã C2BNN có giá thấp nhất nên tôi có ý định đóng tại đây. Sau đó tôi lên gặp lãnh đạo ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi đề xuất nguyện vọng thì họ nói cần giấy chứng nhận của hội đồng thẩm định giá, giá dự toán… Hội đồng thẩm định giá là các thành viên của tỉnh, ngân hàng, huyện… tôi lấy giấy ở đâu để trưng ra? Mùa biển mới đến rồi nên phải ra khơi không thể ở nhà tiếp tục theo tàu vỏ thép được” – anh Hân thở dài ngao ngán.
Cùng chung cảnh chờ đợi với ngư dân Võ Văn Hân, anh Nguyễn Chí Thạnh, xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) trên đường đi đánh bắt ở Hoàng Sa đã bị cháy tàu. Nghị định 67 đã đem lại hy vọng cho anh. Sau một thời gian dài đợi và… chờ, hết kiên nhẫn, anh cùng một số ngư dân góp vốn mua lại một tàu vỏ gỗ cũ (công suất 260CV) để ra khơi đánh bắt.
Ngư dân Nguyễn Văn Năm, phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng, khi đóng tàu vỏ thép phải sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại quá tốn kém “Nghề của tôi là mực khơi kiêm lưới vây, theo quy định đóng một tàu công suất 1.000 CV chi phí khoảng 17 tỷ đồng kèm 4 máy mới (gồm 3 máy phát điện, 1 máy chính) mất gần 5 tỷ đồng. Bỏ ra chi phí nhiều như vậy nên ngư dân ngại đóng tàu vỏ thép” – anh Năm phân tích. Một cản ngại nữa đối với ngư dân là khi đóng tàu vỏ thép, ít nhất mỗi tàu có thợ cơ khí, thợ điện, điện lạnh, có một gara để sửa chữa máy móc phòng khi tàu hư hỏng, trục trặc…
“Tưởng chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận lợi và nhanh chóng tiếp cận vốn, công nghệ, nên đăng ký nhiều. Đăng ký rồi mới thấy lộ ra những khó khăn lớn, yêu cầu và ràng buộc nhiều thứ nên các ngư dân nản” – ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu đúc kết.
Khổ với khâu chỉnh sửa thiết kế
Hơn 5 tháng sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, giữa tháng 3 vừa qua, ông Phan Thu (45 tuổi) xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) mới chính thức đặt bút ký hợp đồng tín dụng vay của BIDV Quảng Nam 11,7 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép. Để tiếp cận được nguồn vốn này, ông Thu phải chật vật lo hồ sơ, thủ tục từ khâu chỉnh sửa thiết kế cho đến khâu chờ phê duyệt. Phải “chạy” không biết bao nhiêu lần đến các cơ quan chức năng liên quan để xác nhận giấy tờ, chứng minh năng lực đánh bắt, khả năng đầu ra và tổng thu nhập cả năm… “Trót đâm lao phải theo lao” – ông Thu tặc lưỡi nói.
Ông Thu hiện hành nghề câu mực bằng tàu vỏ gỗ 340CV. Công suất nhỏ, máy móc lạc hậu nên khi được tiếp cận nguồn vốn để đóng tàu vỏ thép công suất 822CV hiện đại, cả gia đình ông khấp khởi.
Con tàu vỏ thép sắp đến ông Phan Thu đóng sẽ được triển khai đóng mới tại Công ty TNHH Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Đà Nẵng) với trị giá 12,6 tỷ đồng, trong đó BIDV cho vay 11,7 tỷ đồng, vốn đối ứng của ông Thu là 900 triệu đồng. Dự kiến trong khoảng 5 tháng tới, con tàu của ông Thu sẽ được hạ thủy hành nghề lưới rê hỗn hợp tại ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa.
Trong số 21 mẫu thiết kế tàu vỏ sắt được Chính phủ phê duyệt thì có nhiều điểm chưa phù hợp với ngư dân miền Trung. Cụ thể, theo ông Thu máy tàu là máy liên doanh của hãng Doosan (Hàn Quốc) trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng nên ngư dân chưa yên tâm về tuổi thọ và chất lượng. Vì vậy, sau khi đã chọn mẫu tàu, ông Thu phải chỉnh sửa thiết kế máy tàu là máy Yanmar (Nhật Bản) với trị giá khoảng 2,6 tỷ đồng. Để thay đổi thiết kế cũng đã mất vài tháng trời, tự bỏ ra khoảng 70 triệu đồng chi phí. Sau đó, “ôm” hồ sơ qua ngân hàng để vay tiền…
Chia sẻ với “đoạn trường” của ngư dân, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết: có 65 hồ sơ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, 32 hồ sơ đăng ký đóng tàu vỏ thép và 33 hồ sơ đăng ký đóng tàu vỏ gỗ. Đến ngày 18-3, Quảng Nam có 2 cá nhân ký kết hợp đồng tín dụng để đóng tàu (tàu vỏ thép của ông Thu) và tàu vỏ gỗ của ông Lương Tấn Xị (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) trị giá 7 tỷ đồng. Ông Ngô Tấn cũng thừa nhận khó khăn lớn nhất để hoàn thành hồ sơ vay vốn là khâu chỉnh sửa thiết kế tàu. Việc chỉnh sửa thiết kế tàu cho phù hợp với ngư dân miền Trung vừa mất nhiều thời gian vừa mất nhiều tiền, vì thế đây là cản ngại đối với ngư dân.
Theo ông Tấn, sắp đến, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ NN-PTNT có phương án hỗ trợ chi phí chỉnh sửa thiết kế tàu. Đồng thời, đề nghị các đơn vị thiết kế và đơn vị thẩm định phải nâng cao năng lực để rút ngắn thời gian thiết kế, thẩm định hồ sơ chỉnh sửa thiết kế.
Tại TP Đà Nẵng, theo ông Trịnh Quang Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT giao chỉ tiêu cho Đà Nẵng đóng mới 39 tàu khai thác và 8 tàu hậu cần, 182 chiếc đã đăng ký. Thế nhưng thực tế đến nay các quận mới chuyển hồ sơ có mười mấy chiếc. Với tình hình này, khả năng TP Đà Nẵng sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. “Nếu không đóng đủ số lượng tàu và khi ngư dân không đáp ứng được các tiêu chí thì chúng tôi sẽ họp lại Ban chỉ đạo để có phương hướng tiếp theo. Sau đó, Chi cục Thủy sản sẽ lập danh sách trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, việc đóng mới sẽ thực hiện sau tháng 3-2015” – ông Vinh cho biết.
Tại tỉnh Bình Định cũng chỉ có 4 hợp đồng tín dụng đã ký kết với tổng giá trị 61 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ có 2 ngư dân đầu tiên được Agribank cho vay vốn để đóng tàu… Rõ ràng số hợp đồng tín dụng ngư dân vay của các ngân hàng ở các địa phương hiện nay còn đếm trên đầu ngón tay, trong khi theo chính sách của Chính phủ, số tàu đánh bắt xa bờ từ nay tới năm 2020 phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Điều này cho thấy cần đẩy mạnh hơn nữa việc vay và cho vay giữa ngư dân, chủ tàu với các ngân hàng. |
HÀ MINH – NGUYÊN KHÔI
(SGGP)
Bình luận (0)