Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mỏi mòn ngóng thuế xăng dầu giảm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Giá xăng dầu vừa giảm nhẹ nhờ hiệu ứng giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới, còn công cụ điều hành giá được mong chờ nhất là thuế thì vẫn chưa thể sớm thông qua và áp dụng do phải qua nhiều quy trình…
Sau 7 lần tăng giá liên tiếp, từ 15 giờ ngày 1-7, giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm nhẹ từ 400-1.000 đồng/lít, kg tùy loại. Trong đó, xăng RON95 giảm ít nhất – chỉ 110 đồng/lít – và vẫn neo ở mức rất cao là 32.763 đồng/lít.
Tăng lương không đủ bù
"Mớ rau, con cá ngoài chợ đều tăng giá với lý do xăng dầu tăng cao. Với mức lương công nhân của vợ chồng tôi, cuộc sống gần đây rất chật vật" – chị Nguyễn Thị Huệ, công nhân tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (TP Hà Nội), không khỏi ngao ngán.
Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng nhà nước sớm quyết định giảm đồng loạt các loại thuế, phí liên quan đến mặt hàng xăng dầu. 
Thực tế, một mặt bằng giá mới đã được thiết lập trên thị trường đối với hầu hết mọi loại hàng hóa kể từ khi giá bán lẻ xăng dầu liên tiếp phá vỡ kỷ lục cũ và đứng ở mức cao nhất trong lịch sử. Không chỉ nhóm doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều nhiên liệu mà đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, người nghèo và người có thu nhập thấp, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù lương tối thiểu vùng chính thức tăng thêm 6% kể từ ngày 1-7 song mức tăng này được đánh giá là "chẳng thấm vào đâu"!
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phân tích mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 là 6% sau 2 năm 2020 và 2021 không tăng nhưng tỉ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay là hơn 6%, tức là việc tăng lương không đủ bù đắp trượt giá. "Lạm phát năm 2020 là 2,31%; năm 2021 là 1,84%; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. So với tốc độ tăng giá tiêu dùng, mức tăng lương tối thiểu khó bù đắp được phát sinh tăng thêm trong chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả. Tình hình càng khó khăn hơn khi giá xăng dầu liên tục tăng cao trong khi số lần giảm và mức độ giảm thấp" – ông Nghĩa chỉ rõ.
Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, với mức tăng lương tối thiểu vùng 6%, tương ứng mức cao nhất 4,68 triệu đồng (khoảng 200 USD), tiền lương tối thiểu ở nước ta vẫn thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Như vậy, với cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay, việc tăng lương tối thiểu vùng không tác động nhiều đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Do đó, ông Nghĩa kiến nghị bên cạnh các giải pháp quyết liệt bình ổn giá xăng dầu và các mặt hàng khác, cần thương lượng để tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2023.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, thông tin một cuộc khảo sát trong công ty cho thấy đa số công nhân đang "không có dư" do chi phí tăng vọt, bao gồm cả các khoản chi tăng do người bán "té nước theo mưa". "Nếu tăng lương trong điều kiện giá cả thị trường ổn định thì người lao động được hưởng, còn trong bối cảnh hiện tại thì khoản thu nhập tăng thêm từ tăng lương chỉ mang tính chất hỗ trợ, bù đắp phần nào" – ông Vũ nhận xét.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), từ đầu năm đến nay, hầu hết DN đã chủ động tăng lương với mức tăng cụ thể phụ thuộc vào ngành nghề và điều kiện "sức khỏe" của từng DN để giữ chân nhân công, tuyển thêm người. Việc nhà nước tăng lương tối thiểu vùng cũng là một cách góp phần tăng thu nhập cho người lao động, bù đắp chi phí phát sinh. Tuy nhiên, có một thực tế là tăng lương luôn đi sau tăng giá, lương luôn "đuổi" theo giá.
Cần giảm nhanh, mạnh nhiều loại thuế
Trong bối cảnh giá xăng dầu đứng ở mức cao kéo dài gây tác động không tốt đến nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội, Chính phủ, Quốc hội đều nhận định việc giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng này là rất cần thiết. Bộ Tài chính cũng có động thái tích cực khi mới đây đã báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu. Trước đó, bộ này cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các mặt hàng nhiên liệu. Theo đó, bộ đề xuất giảm thuế BVMT các mặt hàng xuống mức sàn như sau: xăng 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 1.000 đồng/lít; dầu diesel 500 đồng/lít, dầu ma-dút và dầu hỏa 300 đồng/lít…
Tuy vậy, việc thay đổi thuế suất các sắc thuế phải qua nhiều quy trình và do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất hoặc ít nhất là Chính phủ quyết định (ví dụ thuế nhập khẩu xăng dầu – PV). Đây chính là điểm nghẽn khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước không dễ hạ nhiệt dù đòi hỏi giảm giá đã đến mức rất cấp bách.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt như hiện nay, "van" chính sách còn lại và gần như duy nhất có thể sử dụng là thuế. Ông Long nêu rõ ngoài thuế BVMT, mỗi lít xăng dầu còn chịu 10% thuế nhập khẩu; riêng xăng RON95 gánh 10% thuế TTĐB và xăng E5 RON95 là 8%; thuế GTGT với các mặt hàng là 10%. Như vậy, dư địa để giảm thuế xăng dầu còn rất nhiều. "Vừa qua, việc giảm thuế BVMT "chưa thấm vào đâu" so với mức tăng mạnh của giá bán lẻ mặt hàng này. Việc xem xét giảm loại thuế gián thu, như thuế TTĐB và thuế GTGT, sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, dù có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách" – ông Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Luật sư Trần Xoa, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, nhấn mạnh việc giảm 2 loại thuế TTĐB và GTGT là việc "cần làm, phải làm", nếu chậm trễ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp với đời sống kinh tế – xã hội. "Tác động từ 2 năm dịch Covid-19 diễn ra đã khiến nhiều người dân, DN gần như kiệt sức. Nên giảm ngay thuế suất 2 loại thuế này để đưa giá xăng dầu về mức hợp lý, từ đó bảo vệ túi tiền người dân, góp phần chặn đà tăng giá trên thị trường. Có thể thực hiện giảm thuế trong thời gian nhất định và khôi phục các khoản thu này khi giá dầu thế giới hạ nhiệt" – luật sư Trần Xoa gợi ý.
Ông Nguyễn Đặng Hiến nêu rõ Chính phủ đã quyết định giảm 2% thuế GTGT đối với một số hàng hóa, dịch vụ để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người dân, DN sau dịch Covid-19. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu nên rất cần được xem xét giảm thuế này về mức 5% để hãm đà tăng giá.
Lên tiếng mạnh mẽ hơn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng ngoài việc ưu tiên giảm thuế BVMT bởi có thể thực hiện ngay trong tháng 7 này với thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về lâu dài, cần đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng. 
Nhiều quốc gia đã giảm thuế
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dẫn chứng một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc đã lựa chọn giải pháp giảm thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu. Với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc giảm thuế BVMT, thuế TTĐB và thuế GTGT đối với xăng dầu là cũng giải pháp hữu hiệu. "Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm thuế với xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này là để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN. Đây được xem như khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước" – TS Nguyễn Bích Lâm phân tích.
 
THANH NHÂN (theo NLĐ)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)