Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mỗi năm Hơn 830.000 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 10-12-2008, Tổ chức y tế thế giới (WHO), UNICEF cùng Bộ Y tế Việt Nam đã công bố báo cáo thế giới về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Báo cáo không nhằm mục đích công bố những số liệu được thống kê mà mục đích chủ yếu là đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích không chủ ý đối với trẻ em.
Mỗi ngày có hơn 2.000 gia đình phải rơi lệ
Mỗi ngày, trên thế giới cuộc sống của hơn 2.000 gia đình phải rơi lệ vì mất đi một đứa trẻ do thương tích không chủ ý gây ra. Nỗi đau mà các gia đình này phải gánh chịu là vô hạn và thường lan sang đời sống của toàn thể cộng đồng. Theo ước tính, hiện tại, thương tích không chủ ý hàng năm cướp đi mạng sống của khoảng 830 nghìn trẻ em trên toàn thế giới. Đối với những trẻ sống sót sau thương tích, nhiều em sẽ phải chịu thương tật lâu dài nếu không phải là thương tật vĩnh viễn. Vì vậy, thương tích được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ em sau 9 tuổi và 95% các thương tích trẻ em này xảy ra ở các nước đang phát triển. Tai nạn giao thông đường bộ và đuối nước là hai nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ từ 9-19 tuổi. Thương tích trẻ em vẫn còn là vấn đề ở các nước thu nhập cao và chiếm khoảng 40% toàn bộ số ca tử vong ở trẻ. Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em tử vong và hơn 50% là do đuối nước (trung bình một ngày Việt Nam có 10 trẻ bị chết do đuối nước).
Hoàn toàn có thể phòng tránh được
Trợ lý tổng giám đốc WHO khẳng định thực hiện các chiến lược phòng chống thương tích đã qua kiểm chứng có thể cứu mạng sống của hơn một nghìn trẻ em mỗi ngày. Những tai nạn thương tích trẻ em thường gặp phải là đuối nước, tai nạn giao thông đường bộ, ngã, bỏng, ngộ độc… Tất cả những tai nạn này, người lớn đều có thể phòng tránh cho trẻ. Trong báo cáo của WHO đã chỉ ra rất rõ các giải pháp cần phải thực hiện trong cộng đồng cũng như trong gia đình để bảo đảm an toàn cho trẻ như che đậy hoặc loại bỏ tất cả những hiểm họa về nước trong và xung quanh nhà như giếng nước, ao cảnh và thậm chí cả các xô thùng nước nếu có trẻ nhỏ ở xung quanh, đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông, cất giữ tất cả các loại thuốc và chất độc hại khác bằng cách khóa lại hoặc để xa tầm với của trẻ… Tại Việt Nam, có nhiều chương trình phòng tránh phù hợp với từng vùng miền như dạy trẻ tập bơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, phòng tránh tai nạn bom mìn ở Quảng Trị…
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)