Thông tin trên được TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tại Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11) vừa qua. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM.
Chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự trả lời thắc mắc của học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang. Ảnh: T.A
Chia sẻ về định hướng nghề nghiệp sau kỳ thi THPT quốc gia với học sinh trong trường, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng các em có rất nhiều ngã rẽ để tiếp tục con đường học vấn. Theo đó, tùy vào năng lực, điều kiện mà các em có thể học ở các trường TC-CĐ nghề, ĐH. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có trên 75% học sinh chọn học ĐH; khoảng 15% học sinh sau khi tốt nghiệp đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp. Ngoài ra, mỗi năm có trên 130.000 học sinh đi học ở nước ngoài. “Dù học ở bậc nào, trường nào thì ngay từ bây giờ các em phải chuẩn bị kiến thức thật vững vàng để có thể đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khuyên.
Trả lời thắc mắc của một số học sinh “cơ sở nào để chọn ngành nghề khi bản thân chưa xác định đâu là ngành nghề phù hợp?”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa gợi ý: “Các em nên chia sẻ nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của cha mẹ, thầy cô, bởi họ là những người từng trải và biết được khả năng, năng lực thực sự của các em. Ngoài ra, các em cũng có thể nhờ chuyên gia tư vấn để có được cơ sở lựa chọn ngành nghề chính xác nhất”.
Trong chương trình, trước sự quan tâm của một số học sinh về ngành logistics, đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cho biết: “Logistics là một ngành còn khá mới ở Việt Nam. Đây là ngành dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa đường biển, đường bộ, hàng không… Cụ thể là các dịch vụ cho thuê kho bãi và lưu trữ hàng hóa, bốc xếp và dỡ hàng hóa, thủ tục hải quan… Tương tự, em Nguyễn Tăng Quang Vỹ (học lớp 11D8) băn khoăn: “Em nên chọn học nghề theo truyền thống của gia đình hay theo đam mê?”. Với băn khoăn trên, TS. Nguyễn Đức Nghĩa phân tích: Nếu ngành nghề mà em yêu thích chính là ngành nghề truyền thống của gia đình thì quá tốt. Tuy nhiên, em cũng phải học, phải trải nghiệm để có kinh nghiệm quản lý, điều hành… Một khi có đam mê, quyết tâm theo đuổi đến cùng thì tỷ lệ thành công rất cao ở bất cứ công việc, ngành nghề nào. Thực tế có không ít người quyết không kế nghiệp gia đình mà theo đuổi đam mê nghề nghiệp của mình. Do vậy, em cần chọn học ngành nghề thuận lợi để tiếp tục phát triển sự nghiệp của gia đình mà vẫn đảm bảo thỏa đam mê bản thân.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền đặt câu hỏi với ban tư vấn. Ảnh: T.A
Trước đó, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” cũng đã diễn ra tại Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5). Tại đây, một nhóm học sinh đặt câu hỏi: “Học ngành tâm lý ra trường làm những việc gì, ở môi trường nào?”. Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết học tâm lý trước hết là để giúp mình, sau đó giúp người khác giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Điều kiện để học ngành này là phải có đam mê, yêu thích, nhạy bén nắm bắt tâm lý, hiểu cảm xúc của mình và người khác… Học ngành này ra trường có thể làm giảng viên tâm lý, quản lý nhân sự, tư vấn tâm lý học đường… Em Lâm Văn Long (học lớp 12A6) chia sẻ: “Em rất thích học ngành công nghệ ô tô nhưng không biết cơ hội việc làm trong những năm tới thế nào?”. ThS. Lý Quốc Huy (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định: Công nghệ ô tô là ngành đang phát triển tại Việt Nam nên các em không phải lo thất nghiệp. Ngành này có 2 chuyên ngành cơ bản là cơ khí ô tô và điện tử ô tô, ra trường có thể làm việc ở các xưởng sản xuất cơ khí hoặc điện tử cho ô tô. Các trường có đào tạo ngành này là ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM… Ngoài ra, các trường CĐ nghề cũng có đào tạo ngành này được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng là CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Nghề TP.HCM… Điểm đầu vào ngành này từ 17 đến 28, tùy trường cũng như bậc đào tạo.
Tương tự, ngành thương mại điện tử cũng được nhiều học sinh trong trường quan tâm tìm hiểu. Theo ThS. Đoàn Thanh Phong (Trưởng bộ phận Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM), trong thời đại công nghệ số, internet kết nối, ở Việt Nam chỉ cần nhấp chuột là có thể mua một món hàng ở nước ngoài. Đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến, ngành thương mại điện tử ra đời và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây. Đây là ngành tích hợp giữa các ngành kinh doanh, thương mại, truyền thông và công nghệ thông tin.
Kiều Khánh – Trần Anh
Bình luận (0)