Tự nhận mình chỉ làm công việc bình thường, 1/4 thế kỷ qua, những giáo viên ấy vẫn luôn gắn bó cống hiến với nghề, miệt mài đưa đò cho biết bao thế hệ học sinh. Các thầy cô là những bông hoa lặng lẽ tỏa hương trong “vườn hoa giáo dục TP.HCM”, xứng đáng được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020.
Chinh phục học sinh qua những giờ học thực tế
25 năm gắn bó với Trường THCS Lữ Gia (Q.11), cô Lê Thị Thúy Vân (giáo viên môn công nghệ) đảm nhiệm nhiều vai trò, từ cán bộ Đoàn, giáo viên bộ môn cho đến công tác chủ nhiệm khối 9. Ở vai trò nào cô cũng tạo ra những dấu ấn riêng, nhận được nhiều tình cảm yêu thương của học sinh và đồng nghiệp. 5 năm làm công tác Đoàn, cô Vân đã ghi dấu ấn đậm với các hoạt động phong trào Đoàn – Đội, tạo khí thế sôi nổi trong học sinh. Đặc biệt, chương trình Lửa trại cho học sinh khối 9 vào dịp 26-3, kết hợp kết nạp đoàn viên mới, đã tạo ra những kỷ niệm đẹp cho học sinh cuối cấp, hun đúc lòng tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đoàn Thanh niên. Ở vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô Vân đặc biệt lưu ý, cân nhắc việc xử phạt học sinh sao cho vừa mang tính răn đe, vừa giúp học sinh tiến bộ nhưng không làm các em tự ái, không làm tổn thương các em. “Có những vi phạm cần phải nhắc nhở trước lớp để thay đổi cả tập thể, nhưng có những vi phạm của học sinh lại cần sự tế nhị, cô trò nói chuyện riêng; song có những vi phạm lại cần đến sự đồng hành, vào cuộc của phụ huynh để có lợi nhất cho học sinh”, cô Vân cho biết.
Học sinh Trường THCS Lữ Gia (Q.11) tặng hoa cho cô Lê Thị Thúy Vân trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Trong khi đó, với vai trò giáo viên công nghệ – bộ môn mà nhiều phụ huynh, học sinh vẫn quan niệm là môn phụ – cô Vân đã miệt mài tìm hiểu và áp dụng những phương pháp dạy học mới để chinh phục học sinh. Phương pháp “thực tế hóa kiến thức môn học” được cô đưa vào trong từng tiết học, kiến thức hiển hiện một cách trực quan sinh động, nhiều vấn đề đời sống được cô đặt ra để chính học sinh giải quyết. Thậm chí ngay cả phin pha cà phê, chảo, lư đồng… cũng được cô sử dụng làm đạo cụ giảng dạy, giúp tiết học sinh động và gần gũi hơn. Cùng với thực tế hóa kiến thức, cô Vân còn mạnh dạn ứng dụng CNTT trong môn học, đưa học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng, linh hoạt. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô đã được áp dụng rộng rãi, hiệu quả, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học. Đơn cử như các sáng kiến: “Rèn kỹ năng thực hành lắp mạch điện – môn Công nghệ 9”, “Sử dụng sáng kiến bàn tay nặn bột để dạy các bài thực hành lắp mạch điện – môn Công nghệ 9”, “Vận dụng phương pháp giáo dục STEM dạy bài thực hành truyền chuyển động – môn Công nghệ 8”, “Vận dụng phương pháp giáo dục STEM dạy bài thực hành lắp mạch điện bảng điện – môn Công nghệ lớp 9”… “Môn công nghệ tuy khô khan, nhiều kiến thức có vẻ lạ nhưng lại rất gần với đời sống. Việc đưa kiến thức cuộc sống vào trong bài dạy không chỉ giúp học sinh hiểu bài hơn, yêu thích môn học mà còn giúp các em trang bị, “bỏ túi” nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa, những kỹ năng sống cần thiết trong cuộc sống”, cô Vân chia sẻ.
Để có thể thực tế hóa kiến thức trong sách giáo khoa đến học sinh, cô Vân luôn tự mở rộng kiến thức từ các chương trình về khoa học trên ti vi, đọc thêm sách báo, tìm hiểu thêm trên mạng internet… Bên cạnh đó, cô không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. “So với giáo viên trẻ, có nhiều điều bản thân tôi sẽ chậm hơn, đặc biệt là về CNTT. Những tiết thao giảng của các thầy cô giáo trẻ trong và ngoài trường, tôi đều cố gắng sắp xếp đi dự để học hỏi thêm phương pháp, kinh nghiệm. Điều quan trọng là không ngại học hỏi. Cứ cố gắng hết mình, tích lũy kiến thức thì tự nhiên hạnh phúc sẽ nở hoa, trái ngọt sẽ tới”, cô Vân bày tỏ.
1/4 thế kỷ miệt mài “đưa đò”, với những cống hiến, sáng kiến cho nghề, nhiều năm liền cô Vân được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp TP; nhiều năm liên tục cô được UBND TP tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Điều hạnh phúc nhất mà nghề giáo mang lại cho tôi là đã làm cho nhiều thế hệ học sinh yêu thích môn học, say mê học, biết vận dụng những kiến thức bài học vào trong thực tế”, cô Vân tự hào.
“Là thầy, là bạn, là cha”
Trước khi được đứng lớp, thầy Hoàng Đức Thanh (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3) có 4 năm phụ trách nhiều công việc trong trường: Công tác Đội, nhân viên phòng nghe – nhìn lên tiết hỗ trợ giáo dục học sinh về an toàn giao thông, thể dục – thể thao. Với thầy Thanh, 4 năm đó đôi khi có chạnh lòng nhưng lại là cơ hội để “hun đúc hơn” lòng yêu nghề, yêu trẻ. “Tôi nhớ năm đầu tiên sau 4 năm ra trường được lãnh đạo nhà trường phân công đứng lớp, chính thức đứng trên bục giảng, tôi đã không kìm được lòng vui sướng mà thổ lộ với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con được đứng lớp rồi!”. Từ niềm vui đó đã thôi thúc tôi cố gắng hơn trong công việc. Khi dạy trẻ, tôi luôn coi trẻ như con cháu mình để dạy bằng hết khả năng, tấm lòng của mình”, thầy Thanh bộc bạch.
Lứa học sinh đầu tiên ấy cũng để lại cho thầy Thanh nhiều kỷ niệm sâu sắc, để thầy nhận ra rằng với trẻ nhỏ, người thầy giáo còn cần phải là “một người bạn, người cha”. “Lớp tôi chủ nhiệm năm đó chủ yếu là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một lần, khi đang đứng mua đồ tại cửa hàng băng đĩa thì tôi thấy một em bé tự dưng ngồi thụp xuống, tôi lại gần kiểm tra thì mới hay đó là học sinh lớp tôi chủ nhiệm, em đang đi bán vé số. Sau đó, tôi tìm hiểu mới hay, gia đình em rất khó khăn, buổi sáng em phụ mẹ đi bán vé số, chiều đi học, tối về lại đi bán vé số. Khi biết hoàn cảnh của em, tôi đã quan tâm em nhiều hơn, động viên em cố gắng học tập. Ngoài việc học, tôi xin học bổng cho em, cuối năm đó mua tặng em 1 bộ sách giáo khoa lớp 4. Tôi làm rất tự nhiên, chân thành và không mong được đền đáp. Khi em lên lớp 6, học trường khác, một lần em và mẹ quay về trường cũ tìm gặp tôi để tặng 1 cái áo khiến tôi rất xúc động. Đó là động lực để tôi cố gắng, gắn bó hơn với nghề”, thầy Thanh nhớ lại.
Thầy Hoàng Đức Thanh cùng các em học sinh trong lớp thầy chủ nhiệm
Những câu chuyện từ các thế hệ học sinh đầu tiên đã giúp thầy Thanh hiểu hơn về công việc của mình. Luôn coi học sinh là những người bạn nhỏ, mang những câu chuyện vui, tếu táo vào trong giờ học, thiết kế giáo án điện tử kết hợp nhiều trò chơi sinh động để thu hút các em học tập. “Đóng nhiều vai trò nhưng phải biết khi nào là thầy, khi nào là bạn, khi nào là cha để mỗi giờ học đều trở nên vui vẻ, dễ gần. Với trẻ nhỏ, quan trọng là phải động viên, khích lệ các em đúng lúc. Có thể chỉ là viên kẹo, cây bút khi các em trả lời đúng, hăng hái phát biểu, thay đổi bản thân… nhưng sẽ là động lực để các em tự tin hơn”, thầy Thanh nói.
Trong phương pháp giáo dục trẻ, thầy Thanh đặc biệt chú trọng đến việc hình thành cho học sinh tính quan sát, ý thức tự giác, khích lệ các em dám bày tỏ tình cảm, sự sáng tạo của bản thân. Trong từng tiết học, thầy lồng ghép các câu chuyện thực tế để giáo dục học sinh hình thành những đức tính tốt. Những hoạt động ngoài giờ lên lớp được thầy Thanh khuyến khích học sinh tự thể hiện. “Đơn giản như trao cho các em cơ hội để tự dọn dẹp góc học tập của mình trong lớp học và ở nhà thì sẽ dạy các em sự chỉn chu, tính tự giác và biết quan tâm đến người khác. Tưởng chừng như đó là chuyện nhỏ nhưng sẽ có vai trò và ý nghĩa rất lớn, làm hành trang để các em tự tin bước vào môi trường học tập mới ở bậc THCS”, thầy Thanh chia sẻ.
Sáng kiến kinh nghiệm của thầy Thanh “Biện pháp giúp giáo viên thực hiện công tác chủ nhiệm lớp” đã được nhân rộng tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn. Suốt 25 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Thanh vui vẻ nói rằng: “Hạnh phúc nhất là thấy mình vẫn đủ yêu thương để gắn bó và say mê với nghề, với trẻ”. Vượt qua những áp lực, đòi hỏi của nghề, với thầy Thanh, mỗi ngày đến lớp đều là một ngày vui với học sinh. Mỗi học sinh đều là một bông hoa nhỏ để tưới tắm, ngát hương…
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)