Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mỗi ngày, hơn 10.000 lượt trẻ đến khám bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Từ đầu tháng 9 đến nay, tại TPHCM, các bệnh viện nhi rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng khi bệnh hô hấp và bốn loại bệnh truyền nhiễm như viêm màng não, viêm não, sốt xuất huyết (SXH) và tay- chân- miệng (TCM) tăng bất thường…

Tại BV Nhi Đồng 1, từ lúc 5 giờ sáng, ở khu vực phòng khám đã đông nghịt người đứng xếp hàng. Theo các BS, trong tháng 9, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị mỗi ngày tăng mạnh. Có ngày, phòng khám tiếp nhận gần 7.000 lượt bệnh nhi đến khám tại 54 phòng khám của BV. Mặc dù làm việc đến 22 giờ, nhưng theo BS Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 – các phòng khám cũng không gồng gánh xuể trước áp lực quá đông bệnh nhi. Thậm chí, Ban giám đốc BV cũng thay phiên nhau tăng cường ra khám bệnh vào chiều thứ sáu hằng tuần tại các phòng khám.

Trẻ mắc SXH đang được điều trị tại BV Nhi Đồng 1, TPHCM.

Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 2, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng mạnh theo từng tháng. Mỗi ngày, các phòng khám của BV này cũng tiếp nhận khoảng 4.000 – 5.000 lượt. Số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú trung bình mỗi ngày khoảng 1.750 bệnh nhi, khiến BV rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Tại khoa Nhiễm, phần lớn các bệnh nhi đều trong tình trạng nằm ghép 2-3 trẻ/giường. Báo động nhất vẫn là bệnh TCM, SXH, viêm màng não, viêm não. Thống kê của phòng Kế hoạch tổng hợp BV cho thấy, số ca đến khám bệnh TCM đang tăng thẳng đứng với tốc độ chóng mặt. Trong tháng 1 – 2, số lượng bệnh nhi đến khám bệnh TCM vỏn vẹn 1.600 – 1.900 lượt thì đến tháng 8 và 9, số lượng bệnh nhi đến khám đã tăng gấp 10 lần – từ 18.944 – 19.500 lượt.

Cùng với bệnh TCM, trẻ mắc SXH tại BV Nhi Đồng 2 cũng tăng mạnh. Trong tháng 2 – 3, số lượng trẻ đến khám nghi mắc SXH khoảng 120 – 170 trường hợp thì đến tháng 8 và 9, số lượng trẻ đến khám SXH tăng lên 600 – 650 lượt.

Cũng trong tháng 9, Sở Y tế đã đề nghị đóng cửa cơ sở 3 của Trường Mầm non 15, quận 11, TPHCM vì bệnh TCM. Cả ba lớp học của cơ sở này đều có trẻ mắc bệnh. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số trẻ mắc bệnh TCM từ đầu năm đến nay tại TP đã lên đến gần 8.000 trường hợp, với 6 ca tử vong. Để đối phó với bệnh TCM và SXH, Sở Y tế và Sở Giáo dục- Đào tạo TP đã ký kết liên tịch chỉ đạo các quận huyện, phòng giáo dục, trường học… khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm thực hiện công tác kiểm soát bệnh TCM và SXH trong trường học. Theo đó, các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông cho phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức về các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành (chủ yếu là bệnh TCM và SXH). Trường học đảm bảo thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn định kỳ vật dụng, đồ chơi, lớp học theo hướng dẫn của ngành y tế. Hằng tuần, tổ chức kiểm tra và xử lý những nơi có khả năng đọng nước, tạo điều kiện phát sinh loăng quăng.

Các trạm y tế phường, xã phân trách nhiệm theo dõi tình hình bệnh hoặc nghỉ học của HS, hỗ trợ trường thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Theo Bộ Y tế, trong 9 tháng, cả nước đã có hơn 93.000 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó 41 trường hợp đã tử vong. Các dịch bệnh khác cũng có nhiều người mắc như 554 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó có 15 trường hợp tử vong; 124 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, 5 trường hợp tử vong; 440 trường hợp mắc bệnh thương hàn. Về dịch bệnh TCM, trong tháng 9, số trường hợp mắc mới vẫn không ngừng gia tăng ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Bình Phước.

Võ Tuấn

Báo Lao Động

Bình luận (0)