Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Mọi người cần ý thức khi tham gia giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Khẩu hiệu tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minhChỉ cần một ngày lưu thông ngoài đường thì đã phải chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tượng trái tai gai mắt, nhất là tình trạng tham gia giao thông của một số bộ phận người điều khiển phương tiện trên đường ngày càng luộm thuộm và thiếu ý thức, thiếu văn minh. Đó chính là nguyên nhân đã tạo nên hiện tượng xấu trong khi tham gia giao thông.

Không ai nhịn ai…

Vấn đề đáng nói ở đây là cách hành xử của những người vô tình va chạm xe vào nhau mà không ai nhận là mình sai và cũng không ai nói được lời xin lỗi. Đó là nguyên nhân dẫn đến những “xô xát” ngay trên đường phố, mặc cho kẹt xe, mặc cho những cái lắc đầu ngao ngán của người đi đường, mặc cho cái nhìn đầy khó hiểu của những người ngoại quốc. Hậu quả là hai bên đều bị tổn thương ít nhiều, hoặc phải đợi đến khi cảnh sát giao thông xuất hiện, họ mới chịu thôi. “Nhiều vụ va quẹt rất nhỏ, đáng lí ra người dân có thể tự giải quyết để đi và tránh ùn tắc nhưng họ vẫn gọi cảnh sát giao thông đến giải quyết, gây thêm kẹt xe. Nếu biết nhường nhịn nhau một chút thì đâu đến nỗi bị phạt”. Anh Trung, một tài xế xe ôm từng chứng kiến nhiều cảnh tượng như thế bức xúc. Anh kể, mới sáng hôm qua thôi, trên đường Đinh Bộ Lĩnh vào giờ cao điểm đông nghẹt xe và người. Hai chiếc xe máy do một thanh niên ăn mặc lịch sự và một người đàn ông khoảng 50 tuổi đều cố lách qua để vượt lên, vô tình đụng nhẹ vào nhau. Cả hai chiếc xe không bị sứt mẻ gì, nhưng ai cũng cho là mình đúng nên đã văng ra nhiều lời “khó nghe”. Cuối cùng cả hai đều xông vào đánh nhau giữa đường, những người hiếu kỳ cứ ngoái đầu lại xem, có người còn dừng hẳn lại để xem, khích bác vài câu kiểu “thêm dầu vào lửa” vì thế mà đoạn đường lại bị kẹt xe nặng hơn. Một vụ va quẹt khác giữa một xe buýt và một xe gắn máy trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) anh thanh niên đang điều khiển xe máy chạy sát lề đường, chiếc xe buýt tấp vào một cách đột ngột ở trạm gần đó, đuôi xe đụng vào đầu xe gắn máy làm anh thanh niên chao đảo rồi ngã nhào lên lề đường. Nhân viên xe buýt nhảy xuống (mặc dù xe mình đã sai rõ ràng) lớn tiếng la lối, đe dọa. Người thanh niên đang tức tối, cũng không nhịn được nên lời qua tiếng lại, rồi xảy ra ẩu đả.

Một lần khác, trên đường về Thủ Đức, chạy trước tôi là hai cô gái trẻ, đến đoạn ôm cua thì đột ngột một chú xe ôm chạy ôm cua quá sát khiến hai cô bất ngờ nên suýt té. Việc cũng chưa có gì nghiêm trọng, nhất là khi chú ấy đã dừng xe, quay đầu lại xin lỗi nhưng hai cô gái thì cứ mắng tới tấp: Điên hả? Chạy xe kiểu gì vậy?… Có lẽ cũng vì không chịu nổi những lời “chanh chua” của hai cô gái đáng tuổi con mình nên chú cũng không nhịn nữa nên mắng lại, vậy là cuộc “đấu võ mồm” diễn ra, ai cũng có cái lý của mình, phải tới lúc một bác cao tuổi tập thể dục gần đó khuyên can họ mới chịu thôi.

Qua một cuộc khảo sát nhanh với 10 người ngẫu nhiên, khi được hỏi về văn hóa giao thông, hầu như tất cả đều trả lời được một cách cơ bản đó là: Phải có hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật; phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông, khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác, gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời; cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết cảm ơn, xin lỗi khi có va quẹt… Lý thuyết là như thế, nhưng trên thực tế nhiều người đã không làm được như vậy, thậm chí trong số họ còn có người đã từng hành xử một cách bản năng khi đụng chuyện.

 

Chuyện va quẹt nhỏ trên đường phần lớn là do vô tình, thế nhưng hậu quả của những hành động này còn nghiêm trọng hơn. Thành phố vào mùa mưa nhiều đoạn đường hay bị ngập, trong khi một cô gái trẻ vận bộ váy trắng đang thận trọng chạy chậm qua một đoạn ngập nước thì đằng sau, hai thanh niên rú ga vượt qua rồi cười khoái chí, nước bẩn bắn tung tóe, bộ váy trắng của cô gái “lãnh đủ”. Cô gái dừng xe lại chỉ biết tức tối và khóc, nhưng một nạn nhân khác cùng cảnh với cô gái thì không “cam chịu” như thế, lập tức anh chạy theo hai thanh niên kia để “dạy cho tụi nó bài học”. Đuổi kịp hai thanh niên, không nói không rằng anh giơ chân đạp thẳng chiếc xe làm ngã nhào, hai bên lao vào ẩu đả… Một trường hợp khác cũng đáng lên án đó là ở ngay ngã tư Đinh Tiên Hoàng- Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, hai cô gái trẻ điều khiển xe tay ga đang đứng đợi đèn xanh thì phía sau một xe gắn máy khác do hai thanh niên điều khiển cũng trờ tới. Sẵn điếu thuốc hút dở trên tay, người ngồi sau châm thẳng vào phần lưng để hở của cô gái làm cô này giật mình suýt té. Hai thanh niên tăng ga và cho xe quẹo qua đường, còn hai cô gái thì văng ra một tràng “thóa mạ” cho hả giận, người đi đường lắc đầu ngao ngán.

Sao không hành xử văn minh hơn?

Không phải ngẫu nhiên mà trên nhiều tuyến đường trong thành phố đã xuất hiện những băng rôn, biểu ngữ để tuyên truyền về ý thức chấp hành luật, về những hành vi có văn hóa của người đi đường, với những nội dung: “Hãy cư xử có văn hóa khi xảy ra va quẹt”, “Bình tĩnh, lịch sự và nhường nhịn nhau khi gặp sự cố trong khi tham gia giao thông”, “Hãy vì một thành phố văn minh”… Bởi lẽ, ý thức của người tham gia giao thông đã đến hồi báo động. Phải chăng, lối sống “vị kỷ” đã ăn sâu vào mỗi người nên khi ra đường không ai chịu nhường nhịn ai, luôn cố thể hiện ta nhanh hơn, ta đúng hơn,… vì thế nên mới có chuyện.

Ở những nước phát triển khác, khi xã hội càng phát triển, con người ta cư xử có văn hóa hơn khi ra đường, thực hiện tốt văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, đáng để học hỏi. Ở nước ta thì khác, hình như xã hội càng phát triển, vấn đề tham gia giao thông lại có chiều hướng rối ren và khó kiểm soát hơn. Nhiều ứng xử tốt của người đi đường không phải là không có, nhưng rất ít. Còn những hành vi kém văn hóa lại xảy ra thường xuyên hơn. Không thể nói rằng ở các nước bạn, hệ thống giao thông chuẩn hơn, luật pháp nghiêm minh hơn, hay trên đường luôn có cảnh sát giao thông, luôn luôn có camera quan sát, mà đó là ở ý thức của họ. Vấn đề là không phải dựa trên sự cưỡng chế của luật pháp mà dựa trên sự ý thức của mọi người.

Như Sương

Bình luận (0)