Lành mạnh hóa xã hội là đổi cái xấu thành cái tốt, lấy cái mới hay thay cho cái cũ dở. Báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định trật tự an toàn, phản ánh hợp thời, đúng thực trạng, góp phần hướng dẫn, xây dựng xã hội đến chỗ văn minh, giàu đẹp. Chức năng lành mạnh hóa xã hội của báo chí là không thể phủ nhận. Nhưng báo chí dù có trăm tay nghìn mắt cũng không thể tự mình nhìn thấy hết được mọi mặt của xã hội. Báo chí cần có sự tiếp tay của quần chúng nhân dân.
Mỗi người dân là một cộng tác viên, là tai mắt, là mắt xích kết nối giữa báo chí và nhân dân. Không có quần chúng tiếp tay, báo chí sẽ có nhiều sự thật không nắm bắt được để phản ánh kịp thời. Có thể, cũng từ đó Nhà nước chậm thấy được việc phải làm để chấn chỉnh, ngăn chặn đúng lúc.
Gần đây, những vấn đề thời sự nóng bỏng đầy bức xúc như nạn “xe cướp, cơm tù”, thù hằn, tranh chấp, thanh toán nhau đến những gương người tốt việc tốt, nghĩa cử anh hùng liệt sĩ xả thân cứu người trong khắp cả nước mà báo chí đã phản ánh kịp thời một phần cũng nhờ nơi nguồn tin của quần chúng cung cấp.
Báo Tuổi Trẻ mỗi tháng đều bình chọn một số độc giả tiêu biểu đã cung cấp tin tức cho báo kịp thời để tặng quà lưu niệm. Đây là một việc làm hay. Món quà lưu niệm, xét về vật chất thì không phải là nhiều, nhưng về mặt tinh thần quả thật rất lớn. Giữa báo chí và độc giả – tức là quần chúng – đã thể hiện được sự quan tâm mật thiết, gắn bó.
Tất cả những người làm báo đều nhìn thấy rất rõ điều này. Mỗi tờ báo đều có một đường hướng riêng để đến với quần chúng, và được quần chúng hợp tác theo cách riêng của họ. Cách nào thì chung qui cũng là góp tay để đưa báo chí ngày thêm hoàn mỹ trong công tác phục vụ đất nước và nhân dân.
Vì lợi ích chung, thể hiện quyền làm chủ của mình, mỗi người dân đều có thể trở thành một cộng tác viên của báo chí.
Kim Hoa
Bình luận (0)