Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mọi người nói tôi dùng sex để câu khách

Tạp Chí Giáo Dục

Đạo diễn của bộ phim cấm trẻ dưới 16 tuổi, khẳng định phim của anh nhất định đoạt giải tại Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (17 đến 21-10).

Trung úy nhiều cảnh nóng nên phải chiếu hạn chế thưa anh?

Tôi chả biết nhưng thấy Cục Điện ảnh ra lệnh cấm trẻ dưới 16 tuổi. Còn cảnh nóng đã bị kiểm duyệt 40% rồi đấy.

Không kể các cảnh nóng thì sức hút của bộ phim là gì khiến anh tự tin nó sẽ đoạt giải?

Đạo diễn Hà Sơn.

Toàn bộ câu chuyện là sức hút. Mọi người nói tôi dùng sex để câu khách. Thực ra cảnh nóng chả là gì trong bộ phim của tôi cả.

Trung úy là một chuyện tình trong chiến tranh, số phận người lính trong chiến tranh. Sau bao nhiêu biến cố, nhân vật chính nói ở cuối phim: “Tôi đã được sinh ra đời, đó là điều đáng quí lắm rồi”. Đấy là thông điệp của bộ phim. Được sống, được yêu- đấy là điều tuyệt vời nhất. Tôi nghĩ những thế hệ trước kia và sau này cũng chỉ yêu như các nhân vật của Trung úy là cùng, không thể hơn.

Phim Sinh mệnh của Đào Duy Phúc cũng nói về những người lính và tình yêu trong chiến tranh, cũng đưa thông điệp: “Rốt cuộc sinh mệnh là thứ đáng quí nhất trong một cuộc chiến”. Anh xem chưa? Và phim Long Thành cầm giả ca đối thủ của anh tại LHP lần này, anh xem chưa?

Tôi không có thói quen xem phim Việt Nam. Vì chưa xem tôi đã biết họ làm gì.

Còn phim của Hà Sơn khiến khán giả khó đoán?

Không thể đoán được. Tôi bảo đảm sẽ không ai dám bỏ về dở chừng khi đã vào rạp xem Trung úy. Họ sẽ ra về và nói “cũng được”. Thế là tốt lắm rồi trong tình hình phim ảnh hiện nay.

Có khán giả trong nghề kịp xem cả hai phim dự LHP lần này nhận xét rằng Long Thành cầm giả ca được đoạn cuối còn Trung úy được đoạn đầu và nói chung phim của Hà Sơn chỉ được đoạn đầu còn về sau đuối dần?

Trung úy mạnh tất cả, không chỉ đoạn nào.

Cách đây vài năm, khi scandal Yến Vy rộ lên, anh tuyên bố có ý định chọn Yến Vy vào vai chính phim Trung úy. Lập tức có nhiều người phản ứng. Nhưng sau đó mọi chuyện lại xuôi chèo mát mái?

Đúng vậy, vì họ biết tôi tuyên bố như thế chỉ để PR cho phim. Đây không phải PR gì cho riêng tôi, mà chỉ nhằm gây chú ý vào một bộ phim có đề tài chiến tranh cách mạng. Với lại đấy mới là mời thử vai, mà từ thử vai đến chọn thật còn xa, phải tìm trong hàng nghìn người.

Cuối cùng tôi được nhà nước tài trợ 2 tỷ 60 triệu đồng – nói như đạo diễn Vương Đức là chỉ đủ làm phim video nhưng tôi đã làm được bộ phim nhựa mà khán giả chắc chắn không thể bỏ về, trong khi nhiều phim khác tiêu tiền tấn nhưng xếp kho.

Người mẹ ấy vẫn chờ con. Không ai nhìn thấy chàng trung úy trẻ tuổi chết trong chiến tranh. Trung úy chỉ huy đội đặc công hai lần đánh phá sân bay địch, không chỉ bằng lòng dũng cảm mà còn nhờ sự giúp đỡ của Xi-pha, một cô gái địa phương.

Xi-pha đưa trung úy và đồng đội đột nhập sân bay bằng con đường riêng, con đường của những người trẻ tuổi dũng cảm hiến dâng cuộc sống cho đất nước. Trung úy sống sót, nhưng không thể trở về. 30 năm sau, bản giao hưởng Trung úy vang lên. Một và hai, và ba người đàn bà vẫn chờ trung úy.(Giới thiệu phim Trung úy tại trang web của Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam).

Trung úy, kịch bản và đạo diễn Hà Sơn, quay phim Phạm Vi Linh. Diễn viên chính: Thiện Tùng (Trung úy Hà), Bảo Kỳ (Phương), Quách An An (Xi-pha). 

Tú Quyên (Theo TPO)

Bình luận (0)