Nấm mốc có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như dị ứng, bệnh hô hấp, thậm chí gây tử vong.
Nấm mốc thực chất là một loại nấm và có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trong nhà, ngoài trời và ngay cả trong không khí. Theo ước tính, có khoảng hơn 100.000 thậm chí là hàng triệu loại nấm mốc trên thế giới. Nó xâm nhập vào các ngôi nhà qua đường cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông hơi, đường ống nước bị hở… Đôi khi, nấm mốc có thể dính vào quần áo hoặc vật nuôi khi đang ở bên ngoài và bạn vô tình mang chúng vào nhà.
Khi ở trong nhà, nấm mốc phát triển ở bất kỳ nơi đâu có nhiều độ ẩm. Đó là lý do giải thích vì sao bạn sẽ thấy nó xung quanh cửa sổ, đường ống nước bị rò rỉ hoặc trên tường thạch cao sau những trận lũ lụt. Nó cũng dễ dàng phát triển trên giấy, vải, thảm, ghế bọc, vật liệu cách nhiệt và thậm chí là trong bụi.
Khi ở trong nhà, nấm mốc phát triển ở bất kỳ nơi đâu có nhiều độ ẩm.
Theo SCMP, nấm mốc thường phát triển trong điều kiện ấm áp, ẩm ướt – những nơi có hơi ẩm bị mắc kẹt trong không khí, thường là xung quanh vòi hoa sen, máy rửa chén, máy giặt và trong bếp. Nấm mốc lây lan và sinh sản bằng cách tạo ra các bào tử, một thành phần phổ biến của bụi trong nhà ở và nơi làm việc.
Các bào tử nấm mốc hình thành với số lượng lớn sẽ dẫn tới các vấn đề như dị ứng, bệnh hô hấp và các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, đau khớp. Một số loại nấm mốc còn sản sinh độc tố mycotoxin ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.
Một số nghiên cứu, trong đó có báo cáo năm 2009 đăng trên Toxicology và Industrial Health, cho thấy tiếp xúc với nồng độ độc tố mycotoxin cao dẫn đến các vấn đề về thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Nấm mốc đen có phải là loại tệ nhất?
Nhiều người cho rằng 'mốc đen' hay 'mốc đen độc hại' là loại nấm mốc tệ nhất và có thể khiến bạn ốm nặng vì nó tiết ra độc tố. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn chính xác.
Đầu tiên, các loại nấm mốc có màu sắc đều có thể gây bệnh. Thứ hai, hầu hết mọi người khi nhắc đến nấm mốc đen đều cho rằng nó là Stachybotrys chartarum (S. chartarum). Tuy nhiên, loại nấm mốc này có màu đen xanh lục.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Analytical and Bioanalytical Chemistry cho thấy S. chartarum có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm độc cơ hoặc ngộ độc nấm mốc. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm đau nhức cơ thể, đau đầu, giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng, chảy máu cam… Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại chỉ ra điều ngược lại.
Tất cả các loại nấm mốc đều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của một số người.
Một báo cáo vào năm 2017 được xuất bản trong Clinical Reviews in Allergy & Immunology (Đánh giá lâm sàng trong dị ứng và miễn dịch học) cho biết: "Không có bằng chứng nào cho thấy việc tiếp xúc với nấm mốc đen trong các tòa nhà, căn hộ có thể dẫn đến các triệu chứng của việc bị mất trí nhớ, mất khả năng tập trung, mệt mỏi và đau đầu". Tương tự điều đó, mối quan hệ giữa các trường hợp bị xuất huyết phổi ở trẻ sơ sinh và tiếp xúc với 'nấm mốc đen' chưa bao giờ được chứng minh.
Các chuyên gia cho biết thêm rằng cần lưu ý là tất cả các loại nấm mốc đều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của một số người, đặc biệt là nếu họ tiếp xúc với lượng lớn nấm mốc. Những người có nguy cơ cao nhất với các vấn đề sức khỏe liên quan đến nấm mốc là người bị dị ứng, hen suyễn, các bệnh phổi và hệ miễn dịch bị tổn hại. Ví dụ những người đang điều trị ung thư, trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn tuổi là những người có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nấm mốc.
Những người bị dị ứng khi tiếp xúc với nấm mốc có thể bị sổ mũi, chảy nước mắt, ho khan, phát ban trên da, viêm xoang và các vấn đề hô hấp khác. Những người có hệ miễn dịch bị tổn hại hoặc bệnh phổi có thể bị nhiễm nấm dễ dàng. Trong khi đó, những người bị bệnh về hô hấp khi nhiễm nấm có thể bị khó thở.
Marie Sterling (nhân vật có thật nhưng tên đã được thay đổi) đã phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe trong 14 năm kể từ khi tiếp xúc với nấm mốc. Trước đó, sức khỏe của cô chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn và đến hiện tại thì Marie vẫn còn bị bệnh liên quan đến tiếp xúc với nấm.
Phải làm gì khi thấy nấm mốc trong nhà?
Nấm mốc sẽ không phát triển trừ khi có độ ẩm.
Không khó để biết trong nhà có nấm mốc hay không bởi bạn dễ dàng nhìn thấy hoặc ngửi được nó. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, nói chung bạn không cần phải thuê ai để loại bỏ nấm mốc, trừ khi diện tích nó xuất hiện quá lớn. Đối với các trường hợp nấm mốc xuất hiện điển hình, bạn cần làm những việc dưới đây:
– Loại bỏ tất cả vật dụng ẩm mốc đã bị ngấm nước và không thể được làm khô một cách kỹ lưỡng (ví dụ như thảm, vật liệu cách nhiệt, vách thạch cao…).
– Chà thật kỹ các khu vực bị nấm mốc với dung dịch từ 1 cốc thuốc tẩy kết hợp với 4 lít nước. Khi lau chùi, hãy đeo găng tay và kính bảo vệ mắt, không mở cửa sổ, cửa ra vào nhà.
– Nếu nhà bạn bị ngập lụt, hãy lau khô và làm sạch toàn bộ nhà trong 48h sau khi nước rút.
Nấm mốc sẽ không phát triển trừ khi có độ ẩm. Để ngăn nấm mốc quay trở lại, hãy cố gắng khắc phục những chỗ rò rỉ nước trong nhà. Đồng thời, bạn cần đảm bảo phòng tắm, phòng giặt, nhà bếp được thông thoáng. Trong những tháng mùa hè ẩm ướt, hãy sử dụng điều hòa và máy hút ẩm trong nhà.
Bạn cũng không nên trải thảm ở những khu vực ẩm ướt, như nhà tắm hoặc tầng hầm. Trong nhà, hãy duy trì độ ẩm khoảng 30 – 50% quanh năm. Đồng thời, hãy kiểm tra các lỗ thông hơi nhà bếp, phòng tắm, máy sấy quần áo có được thông thoáng ra bên ngoài hay không.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)