Không chỉ trong giao tiếp hằng ngày, một thứ ngôn ngữ méo mó được mệnh danh là “hiện đại”, thời @ xuất hiện ngày càng phổ biến trong các văn bản cần sự nghiêm túc như bài thi, thông tin quảng cáo, bản báo cáo…
Từ viết tắt đến biến dạng
Với người lớn, thậm chí với nhiều bạn trẻ, ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay bí hiểm đến mức không thể hiểu được.
Một số bạn trẻ thích nhắn tin cho nhau bằng những "ký hiệu riêng" – Ảnh Đ.N.T
Bạn T.D, sinh viên năm nhất trường ĐH dân lập Văn Lang (TP.HCM), kể: Năm ngoái, một số bạn ở lớp 12A1 trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) nhiều lần bị giáo viên dạy môn Văn và Sử trừ điểm, khiển trách vì thường ghi tắt, đưa vào bài kiểm tra những từ “bí hiểm” khiến thầy cô chẳng thể nào hiểu nổi. Chẳng hạn, trong bài kiểm tra môn Sử, có bạn viết: “Trận đáh (đánh) này ta thắg (thắng) rùj (rồi), bên địch chít (chết) hàg (hàng) trăm ngàn ngườj (người)…”. T.D cho hay, giáo viên từng nêu trước lớp hằng hà những lỗi do học trò cố ý làm biến dạng, như: bík (biết); nhóx, nhóz (nhóc); trùi, trùj (trời); iu (yêu)… Đặc biệt, có bạn chỉ viết mỗi chữ “R” thay cho từ “rồi”, bất chấp đó là bài kiểm tra hay bài thi!
Những diễn đàn “nói không”
Trên mạng vẫn có một số diễn đàn nói không với việc lạm dụng, làm biến dạng tiếng Việt. Diễn đàn trường ĐH Hà Nội quy định các thành viên tránh gửi các bài viết sai chính tả hoặc dùng ngôn ngữ kiểu như "mắc ơi!, chít rùi"… Những người quản lý diễn đàn này kêu gọi: “Hãy giữ cho tiếng Việt của chúng ta được trong sáng”. Diễn đàn của khoa Xây dựng – Thủy lợi – Thủy điện trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng nhắc nhở: “Bài viết phải được viết bằng tiếng Việt đúng chuẩn”. Gần đây, những sinh viên năm nhất khoa Ngoại ngữ trường ĐH dân lập Văn Lang (TP.HCM) khi học môn Tiếng Việt thực hành đã làm tiểu luận liên quan đến đề tài “Ảnh hưởng của ngôn ngữ @ lên giới trẻ hiện nay”. Theo một số sinh viên, ngôn ngữ @ chính là thể hiện sự sáng tạo, giúp cho giao tiếp của giới trẻ trở nên sinh động, đa dạng. Tuy nhiên, cũng có những bạn đồng tình với quan điểm: Ngôn ngữ @ là một bước phát triển mới song chứa một số lỗi không phù hợp với chuẩn của tiếng Việt. N.L
|
Lê Thị Hồng Yến và Nguyễn Thị Thanh Bình (sinh viên năm nhất trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay các bạn thường viết tắt những từ như: chgn (chuyện); bik (biết), kám (cám); g9 (good night)… Theo Thanh Bình, với những ngôn ngữ dùng “mật mã tuổi teen” như vậy cha mẹ không thể nào đọc được những tin nhắn trên điện thoại di động của cô.
Anh Đ.V.Út, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng kể một câu chuyện không biết là vui hay buồn: “Mới đây, tôi nhắn tin hỏi thăm kết quả học tập của đứa cháu học lớp 6 ở quê. Cháu tôi không biết số điện thoại của tôi, đã hỏi lại: “Ai J?” (Ai vậy?). Một lúc sau, cháu tôi mới thông báo: “Con bit chit lin!” (Con biết chết liền!). Thực ra, tôi phải cậy nhờ mấy đứa nhỏ trong xóm “dịch” giùm, chứ làm sao hiểu nổi cháu tôi nói gì!
Không thèm sử dụng những từ ngữ đã có sẵn, giới trẻ tạo ấn tượng với nhau bằng những từ hoàn toàn không có trong từ điển đến mức người đọc không biết đó là ngôn ngữ gì. “Kh0’c ư? Mìh hem điên. Seo fải t0^’n h2o mắt chớ. Huhu, dưng mà đúng là mìh đang bị 7love òy. Ê mà thôi stop here nhé, ke0? hắn ta và0 đ0.c được lại tinh vi con nhà vi tính. SUL”. (Khóc ư? Mình không điên. Sao phải tốn nước mắt chứ. Huhu, nhưng mà đúng là mình đang thất tình rồi. Ê mà thôi dừng ở đây nhé, kẻo hắn ra vào đọc được lại kiêu ngạo. Hẹn gặp lại). Một đoạn khác: “Chìu nay mìh ở nhà, ôy seo mà pùn hôk để đâu cho hít. Mìh tự hỏi, vì seo anh lại hôk wan tâm rì tới mìh, trong khi đó, mìh lúc nèo cũg nhắn tin cho anh. Chạ hỉu. Lâu gòi anh cũng hôk rủ đi ăn kem. Kon người anh kiêu căng đến phát pực vậy đóa. Giờ chỉ mún được yên tĩh mà si nghĩ về tất cả… (Chiều nay mình ở nhà, ôi sao mà buồn không để đâu cho hết. Mình tự hỏi, vì sao anh lại không quan tâm gì tới mình, trong khi đó, mình lúc nào cũng nhắn tin cho anh. Chả hiểu. Lâu rồi anh cũng không rủ đi ăn kem. Con người anh kiêu căng đến phát bực vậy đó. Giờ chỉ muốn được yên tĩnh mà suy nghĩ về tất cả).
Đó là 2 trích đoạn tâm sự trong diễn đàn ttvn.com dành cho các bạn tuổi 9X.
Từ ảo đến thực
Phóng viên đã thực hiện một cuộc khảo sát ngẫu nhiên khoảng 25 thí sinh ở trọ miễn phí theo chương trình Tiếp sức mùa thi tại số nhà 193 đường Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh. Theo đó, tất cả các bạn tại đây cho biết hay sử dụng ngôn ngữ “không đụng hàng” khi chat trên mạng hay nhắn tin với nhau.
Những ngôn ngữ méo mó này tràn lan trên các diễn đàn
Khi hỏi: “Có khi nào các bạn sử dụng những từ lóng, từ viết tắt… trong lúc làm bài thi, bài kiểm tra không?”, khoảng 50% cho biết do thói quen nên vẫn sử dụng trong bài kiểm tra. Trần Thanh Phong (quê An Giang) và Thái Quốc Hoàng (quê Hà Tĩnh) đều nhìn nhận thời phổ thông, các bạn thỉnh thoảng mắc lỗi trong những bài kiểm tra môn Văn và môn Sử. Riêng bạn Lê Đình Sơn (quê Đắk Lắk) khẳng định: “Lúc nhắn tin hay chát, em viết tắt hoặc tự chế từ vô tư. Nhưng những dịp quan trọng như thi cử, em không bao giờ để bị mắc lỗi”.
Trong khi đó, tiến sĩ Thạch Ngọc Yến – chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục Trung tâm Công tác xã hội trẻ em, cho biết thỉnh thoảng một số nhân viên, cộng tác viên trẻ của chị nộp bản báo cáo nhưng chị đọc không ra. Đến khi chị hỏi lại thì những bạn đó phân bua: “Em xin lỗi, vì tụi em dùng những từ đó để chát quen rồi!”. Theo chị Yến, những kiểu “quên” như vậy rất khó chấp nhận, nhất là trong những văn bản mang tính hành chính nhà nước.
Những năm gần đây, “ngôn ngữ @” xuất hiện khá nhiều trong những mẩu quảng cáo và cả trong nhiều bài báo dành cho lứa tuổi mới lớn. Trên trang chủ website một tờ báo dành cho giới học sinh, sinh viên, có một dòng chữ in thật đậm: “Hãy chia sẻ đam mê và sở thích của bạn, đón một mùa hè cực Cool và cá tính bạn nhé”. Ở một số bài báo dành cho tuổi mới lớn, có rất nhiều từ tiếng Anh, tiếng lóng được đưa vào một cách thoải mái. Chẳng hạn: “Đây là background hay ho để tụi mình có thể “pô” những photostyle thật độc đáo và đẹp mắt”; “…Kéo cả hội teen mình ra đây, mỗi “mem” đứng ở một làn thu phí sắt, chụp ảnh trông oách phải biết… check ngay phong cách Safari”, hoặc câu:
“Ngoài ra, váy mini, quần soọc cắt gấu bụi phủi, túi đưa thư cũng nằm trong vùng phủ sóng của “urban girl”…
Ý kiến nhà chuyên môn
“Xét ở góc độ văn hóa, những yếu tố trên đây làm vốn tiếng Việt hạn hẹp hơn, bị lai căng, làm giảm sự trong sáng, thuần khiết. Bạn trẻ cần phân biệt rạch ròi giữa ngôn ngữ thế giới ảo với ngôn ngữ được sử dụng trong đời sống thực hằng ngày để sử dụng những ngôn ngữ cho phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long (giảng viên tâm lý học trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM)
“Nếu thuần túy nhật ký thì anh viết tắt, viết hoa, viết sai gì cũng được vì đó là chuyện của riêng mình, nhưng ra xã hội thì không được. Các em lên mạng muốn viết sao cũng được, miễn sao khi làm bài thi phải theo đúng quy chuẩn về chính tả, ngữ pháp”.
Nhà giáo Ưu tú Trần Chút (nguyên Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ TP.HCM)
“Vì cuộc sống gấp gáp, ai cũng muốn viết nhanh, gõ nhanh và muốn thoải mái, vui vẻ một chút. Điều này chấp nhận được khi bạn dùng nó trên mạng. Nhưng, nếu cách viết đó ảnh hưởng tới hành văn khi đến trường thì cần phải nhắc nhở ngay”.
Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Đức Dân (trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM)
“Có những từ học sinh viết tôi không thể giải mã được. Loại ngôn ngữ này đã làm méo mó và mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Nếu học sinh vi phạm trong bài kiểm tra, tôi trừ điểm nhưng nếu trong tập vở thì chỉ biết nhắc nhở mà thôi”.
Thầy Nguyễn Đức Hùng (giáo viên trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến TP.HCM)
N.Lịch – M.Quyên – B.Thanh (ghi)
|
Như Lịch – Mỹ Quyên / Thanh Nien
Bình luận (0)